Đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà: Phát huy lời Bác dạy “Lương y phải như từ mẫu”

Cập nhật: 27-02-2019 | 08:44:07

Nghề y luôn được xã hội tôn vinh bởi sứ mệnh cao cả của nghề này rất đặc biệt, đó là trị bệnh cứu người. Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn đội ngũ thầy thuốc rằng: “Lương y phải như từ mẫu”. Lời dạy ấy đã và đang được đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà ra sức phát huy...

Hết lòng vì người bệnh

Thầy thuốc là người cứu chữa, điều trị bệnh cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng tỉnh, nói: “Chúng tôi luôn xác định, nghề y là một nghề đặc biệt. Đối tượng phục vụ của nghề y là bệnh nhân, những người thường xuyên phải chịu đựng đau đớn vì bệnh tật, sức khỏe yếu và họ khá nhạy cảm, dễ tổn thương. Bởi vậy, hơn ai hết, họ cần được chăm sóc bằng cả tình yêu thương và sự thấu hiểu”. Để phục vụ người bệnh theo hướng ngày càng tốt hơn, BV Phục hồi chức năng tỉnh đã xây dựng khẩu hiệu “Sự hài lòng của người bệnh là niềm hạnh phúc của chúng tôi” và đã triển khai cho toàn thể cán bộ, nhân viên cùng thực hiện. Và hình ảnh những thầy thuốc làm việc nhiệt tình ở BV này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người bệnh và người dân.

Những thầy thuốc tiêu biểu nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018

“Đến tiếp đón niềm nở. Ở chăm sóc tận tình. Về dặn dò chu đáo” là câu khẩu hiệu được các BV treo ở các vị trí dễ thấy để nhắc nhở các thầy thuốc trong quá trình làm việc. Trong thực tế công việc, có rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế luôn thầm lặng chăm sóc bệnh nhân như “tình mẫu tử”. Họ không cần ai biết đến, không cần bệnh nhân biết ơn vì xem đấy là trách nhiệm của bản thân, của nghề nghiệp và lòng yêu thương người bệnh. Cũng vì lẽ đó, trong quá trình công tác, chị Nguyễn Thị Kim Huyền, Điều dưỡng trưởng khoa khám bệnh, BV Đa khoa tỉnh luôn lấy người bệnh làm trung tâm và hết lòng chăm sóc người bệnh. Chị Huyền chia sẻ: “Người bệnh đến BV phải mang theo nỗi đau về thể xác và nỗi lo về tinh thần. Là điều dưỡng, mình phải luôn ân cần chăm sóc người bệnh, coi đau đớn của họ như chính mình đau đớn, tận tình chăm sóc thì người bệnh sẽ vơi đi phần nào nỗi đau bệnh tật...”.

Tinh thần ấy mãi phát huy

Trong xã hội, khó có nghề nào đặc biệt như nghề y. Nghề được xã hội tôn vinh, nhưng mỗi một thiếu sót nghề nghiệp dù nhỏ nhất vẫn có thể gây nên những tác hại lớn nhất đến sức khỏe và tính mạng của con người. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác y tế và căn dặn những người thầy thuốc phải nỗ lực vượt qua khó khăn để làm tốt nhiệm vụ cứu người, tận tụy, chu đáo và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và “Lương y phải như từ mẫu”. Trong thư gửi cho Hội nghị cán bộ y tế ngày 27-2-1955, Bác căn dặn các bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý... phải thật thà, đoàn kết, phải giữ gìn sức khỏe của đồng bào và chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt, coi họ đau đớn như mình đau đớn.

Khắc ghi và thực hiện lời Bác dạy, những người thầy thuốc càng thấy tự hào hơn khi được chọn nghề y để gắn bó. Từ khi gắn bó với ngành y tế, việc “đi sớm, về khuya” với bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương không còn xa lạ với người thân trong gia đình. Lúc còn làm bác sĩ điều trị và cả khi đã là Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Thuận An, chị vẫn luôn hy sinh việc riêng để lo việc chung, để làm tròn trách nhiệm của mình với người bệnh. “Người thầy thuốc có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh và người thân của họ. Mỗi khi cùng đồng nghiệp cứu chữa được cho những trường hợp bệnh nặng, tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc vì đã chọn và gắn bó với nghề thầy thuốc...”. Dù đã chuyển qua làm công tác quản lý từ nhiều năm nay, nhưng mỗi khi BV có việc, mỗi khi có ca bệnh cần hội chẩn gấp, dù ban ngày hay đêm khuya, bác sĩ Nguyệt Phương vẫn “xếp việc riêng” để có mặt kịp thời cùng đồng nghiệp tham gia cứu chữa cho người bệnh.

Bác sĩ Cao Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ nặng nề song cũng rất vẻ vang. Với nhiệm vụ này, trong những năm qua, ngành y tế đã có rất nhiều nỗ lực, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Các thế hệ thầy thuốc tỉnh nhà đã không ngừng phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác, ra sức thi đua phục vụ người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Một khi đã xác định và tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế, những người thầy thuốc phải nghiêm túc thực hiện những y huấn, lời răn dạy của các thế hệ tiền bối và lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu; đồng thời phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng phấn đấu học tập để nâng cao trình độ y lý, y thuật và y đức. Hành trang của mỗi người thầy thuốc là chuyên môn giỏi, là lương tâm, là trách nhiệm và hết lòng vì người bệnh...”, bác sĩ Thuận nói.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên