Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 20-10-2014 | 10:56:34

>> Xem kỳ trước

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

Trong câu chuyện kể của ông, luôn đọng lại một niềm thương nhớ: “Ngày xưa các cụ chơi chim như một thú tao nhã. Ngồi đánh cờ, đặt một chậu nước, thả cho con chim bay vòng tròn sao cho con chim liệng vòng soi bóng. Tưởng thế đã là nhất. Bây giờ trẻ em lên ba còn điều khiển được cả một đoàn tàu chạy, đồ chơi Mỹ, Nhật, Trung Quốc, thứ nào cũng đắt tiền và hiện đại. Ngày xưa, có những làng quê chơi thả diều cỡ lớn, cả làng xúm vào kéo dây cho diều bay bổng có lắp ống sáo, thi với diều làng bên. “Một đất nước thanh bình sống bằng mưa, đợi mưa, lạy trời mưa xuống... Vậy mà cơ chế thị trường ập đến, dường như nhiều thứ đang chao đảo vì tiền...”. 

Tôi cảm nhận được niềm thương nhớ quá khứ ấy trong ông - Dường như thương nhớ cả con ve sầu không biết đã dạt về đâu trong biến đổi sinh thái do “loài người kỳ quái” đem lại, nhớ cả cái nấm rơm đã trôi dạt xuống miền Tây. “Loại người kỳ quái” dưới mắt ông còn có cả thiến đào, đảo quất để điều khiến nó ra hoa đúng ngày tết, gây ra vết thương, gây ra cái khổ cho cành đào để nó tập trung chống đỡ vào đây mà quên ra hoa, để chờ đến tết. Vì tết con người mới còn cây quất, nếu bộc lên tưng bừng hoa lá quá, sẽ bị người nhổ hẳn lên để trồng lại. Họ gọi theo từ kỹ thuật nông nghiệp là đảo quất. Con người đâu cần biết nỗi đau cây cối. Ông Đạo kể rằng hồi ở Hà Nội, ông đến thăm một nhân vật khá nổi tiếng mà viết tên ra ai cũng biết. Thấy ông ta tỉ mỉ chăm chú lấy từng miếng bông gòn thấm nước lau từng kẽ lá cây phong lan, ông Đạo đã không còn muốn đến thăm nhân vật đó nữa. “Ông ta chăm chú vào cái kẽ lá hàng buổi như thế thì còn tâm huyết đâu quan tâm đến sự đời, đến thời cuộc” - Mặc dù như vậy, nhưng nay đến lượt mình, chính ông cũng đi dần vào con đường quá khứ bằng con đường của hoa, lá, chim muông. 10 con chim bồ câu ăn trên tay tôi. Tôi nhìn thấy tất cả, từ việc con chim câu đẻ khổ nuôi con cần mẫn đến cả con chim non mọc lông ra ràng nhõng nhẽo mẹ. Vậy mà nghe tiếng mèo kêu tôi mở cửa chạy ra, chỉ còn dấu vết máu me bê bết. Bây giờ tôi phải làm hai ống nhựa cao đặt chuồng chim, tôi căng võng nằm dưới, bắc đèn sáng. Chẳng làm thế nào được vì chủ mèo bảo: “Tôi có xui nó đâu. Ai mà xích mèo!”.

Tôi cảm thấy được niềm thương nỗi nhớ quá khứ đang trôi qua đời con người này bằng cách sống của ông, kể cả việc cho chú khỉ ăn làm niềm vui. Quên đóng chuồng một cái là nó lẻn ra vặt kỳ trụi cây mai. Cây mai này ông chăm quý như vàng quan sát chờ từng chiếc lá mọc. Không phải giống tứ quý mà do chăm sóc kỹ, nó nở ra hoa đầy.

Thời gian đang đi qua và con người này vẫn đang thương nhớ. Thương con ve, cây nấm nhỏ, chiếc sáo diều và những cơn mưa. Cuộc sống đang đổi thay. Rồi con người ta sẽ có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Nhưng năng lực sống của những ngày bão táp chiến tranh sẽ không còn thấy được nữa.

Ông Hoàng Đạo đang đi qua thời gian, nhưng thật sự, ông khác hoàn toàn với “nhân vật lau kẽ lá” mà ông phê phán. Bởi trong ông luôn day dứt về cuộc đời, tự phê phán và cũng luôn phê phán, yêu thương con người xung quanh. Ông gửi niềm tâm sự vào đâu đó, với ngôi sao mai trong đêm không ngủ, hoặc với tiếng chuông nhà thờ Bến Gỗ. Không phải tiếng chuông hôm nay trong ồn ào của kẹt xe và xăng khói, mà là tiếng chuông nhà thờ của thời thơ bé...

Nhìn những kẻ ăn chơi xa xỉ vào quán xá, nhà hàng, ông tự hỏi: Đã gian lận bao nhiêu lần trong đời? Ai là kẻ chiếm bao của cải của dân của nước? Còn như “nhà văn” nào đó viết một quyển sách để chửi chế độ, rồi vì thế mà không trở lại đất nước được nữa: “Vậy thì phải gọi đó là một món tiền lớn bằng bán nước. Mà nước thì giá bao nhiêu mà dám bán? Đồ ngu”.

Nói về con người, còn có cả bà bán vé số gặp trên đường đi Vũng Tàu. “Bà ta mời tôi mua vé số. Tôi mua rồi gửi lại chính bà giữ, nếu trúng sẽ chia đôi. Bà hỏi: Ông có trở lại không? Sao lại không trở lại! Người phụ nữ chở giùm tôi đi bằng honda quan sát câu chuyện. Lúc tiếp tục lên đường bà hỏi: Ông đánh giá bà bán vé số đó thế nào mà làm vậy? Tôi nói: Cuộc đời gần cả thế kỷ giúp tôi hiểu người ta. Còn nếu bắt giải thích thì tôi giải thích không được...”.

Phải, con người này để lại bụi đường thế kỷ những kinh nghiệm sống, tình thương yêu, buồn vui cho những người đón một cuộc sống mới đang đến. Các thế hệ sau, đến lượt họ tiếp tục xây dựng nên điều tốt đẹp và kỳ diệu mới. Vì thế, trong tương lai, luôn sẽ tiềm tàng dấu vết và niềm thương nhớ của ngày qua...

35. Bây giờ ta có thể hiểu được phần nào lý do ông muốn gặp bác sĩ Doray, người được nhắc tới trong một bài báo.

Nếu nhìn ông Hoàng Đạo trên đường phố, tai đeo máy trợ thính, đầu luôn có chiếc mũ lưỡi trai, nét mặt trầm tư suy nghĩ, ta có thể nghĩ rằng ông cô độc ngay với dòng người ầm ỉ đang trôi đi. Người ta chạy xe rầm rầm, ăn uống, vui chơi ở các nhà hàng sang trọng. Hình như chẳng ai biết ai trên đường phố này - Hình ảnh đó gợi lên một so sánh: Có lẽ ông giống như một con tàu cũ, chở quá nặng, đang lừ lừ trôi theo dòng sông thời cuộc. Bên cạnh con tàu cũ ấy, có biết bao nhiêu con tàu sang trọng hiện đại, bao nhiêu thuyền máy, tắc ráng, bo bo cao tốc lao đi trên mặt sông. Liệu con tàu cũ chở nặng chuyện đời gần cả một thế kỷ ấy, có muốn chia sẻ, cho sức nặng trĩu của cuộc đời dài nhẹ bớt đi chăng? Cả cuộc đời mà âm hưởng chính là bão táp cách mạng sục sôi, làm mọi việc với tất cả sức lực, giờ đây quay đầu nhìn lại, như tự kiểm với bản thân. Đã có bao nhiêu chiến công? Đã có bao nhiêu sai lầm, mất mát?

Chỉ có cuộc cách mạng dữ dội, anh dũng, đau thương chống ngoại xâm, là một câu trả lời lớn nhất. Trong đó, đời ông chỉ là một bức cận cảnh, một thí dụ, một nhân tố, một giọt nước trên đại dương bao la.

Ý nghĩ tìm gặp bác sĩ Doray, có thể là một sự lãng mạn cuối cùng, hay đó là một nhu cầu được chia sẻ, được giải tỏa tâm lý của một cuộc đời mang theo quá nhiều sự kiện? Bác sĩ Doray đã nói: Những người trải qua chiến tranh cần phải kể cho con cháu, cho thế hệ sau. Không chỉ là giáo dục lịch sử và truyền thống. Nó còn giúp thế hệ sau hiểu được họ có bậc cha ông như thế nào. Bậc cha ông đã làm gì khi đất nước lâm nguy...

Ý nghĩ lãng mạn tìm gặp bác sĩ Doray như tìm một thầy thuốc tinh thần, một nhà khoa học hiện đại, có khả năng thấu hiểu và đưa ra lời khuyên trúng ý. Nỗi khao khát này của ông mang tính riêng tư - Có thể cũng không cần thiết đến thế - Xã hội hiện đại này, lớp người mới này của con cháu những người như ông, họ đủ sức thấu hiểu ngay cả với các sai lầm do hạn chế của một thời kỳ non yếu nào đó mà con người gặp phải trên con đường cách mạng như cơn bão táp.

Điều này không cần phải có bàn tay nhà nghiên cứu y khoa làm rõ. Dường như nó có ở trong máu của mỗi người Việt.

Ông NGUYỄN TRUNG HIẾU, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương: Khâm phục trước cuộc đời của Hoàng Đạo

Sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương thường xuyên theo dõi báo Bình Dương. Gần đây, báo Bình Dương đăng tải cuốn sách “Đời người xuyên thế kỷ”,càng đọc, ông càng khâm phục cuộc đời nhân vật Hoàng Đạo (tức Nguyễn Văn Hoàng). Ông Hiếu đã sáng tác các câu thơ tặng Hoàng Đạo: “Tuổi đời dắt qua hai thế kỷ/ Chiến công trải rộng khắp trời Nam/ Trẻ thì đánh giặc, hòa bình xây dựng…”.

Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông Hiếu là một báo vụ viên. Ông thường xuyên liên hệ với đài bí mật để nhận tin nên biết hoạt động trong lòng địch rất nguy hiểm. Ông Hiếu tâm sự, bản thân ông rất khâm phục những đồng đội, đồng chí sống chiến đấu, khôn khéo với “vai diễn” của mình trước mắt địch. Đối với ông, những người hoạt động bí mật trong lòng địch là thần tượng. Ông thầm ước được gặp những đồng chí đó để cảm nhận khí phách anh hùng, trí tuệ của họ. “Tôi thấy giới báo chí, nhà văn, nhà thơ nên nghiên cứu lại lịch sử đất và người của từng địa phương để viết nên những tác phẩm văn xuôi, thơ, ca dao, hò vè, làm phim sử thi… Từ đó, ngành báo chí, phát thanh truyền hình có thêm tư liệu đăng tải nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Lớp trẻ “ngấm” tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cha ông sẽ tạo nên một tấm lá chắn không một thế lực nào có thể xâm lược được nước ta”, ông Hiếu chia sẻ.

Anh PHẠM CHIẾN THẮNG, Phó Bí thư Thị đoàn Dĩ An: Đoàn viên thanh niên có thêm nhân vật lịch sử để học tập

“Qua những trang viết của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải về chân dung nhân vật Hoàng Đạo, bản thân tôi vui mừng khi lớp trẻ có thêm một nhân vật lịch sử để học tập, noi theo. Ở ông Hoàng Đạo tính cách mạng rất cao và ông thẳng thắn, không ganh đua, sẵn sàng dấn thân vào những khu vực khó khăn nhất”, anh Thắng nói và cho biết thêm thời gian tới, Thị đoàn sẽ cụ thể hóa đức tính tốt đẹp của ông để tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên học tập. Ban Chấp hành Thị đoàn cũng tham mưu để các cơ sở Đoàn phát động tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Đạo.

Anh ĐOÀN NGỌC PHƯƠNG, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Công ty Xe lửa Dĩ An, Bí thư Chi đoàn Phân xưởng lắp ráp: Học tập theo ông Hoàng Đạo để xây dựng công ty

“Là một công nhân Công ty xe lửa Dĩ An, tôi cảm thấy tự hào vì nơi đây sản sinh ra nhiều bậc lão thành cách mạng. Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của Dĩ An nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Thời gian gần đây, tôi được biết ông Hoàng Đạo, người can đảm sống trong lòng địch với vai trò điệp viên từng làm công nhân công ty những năm 1930. Nghe chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp của ông, tôi học hỏi được nhiều và quyết tâm sống, làm việc tốt hơn để góp phần xây dựng công ty ngày càng phát triển”, anh Phương cho biết.

Học tập ở thế hệ ông cha đi trước, anh Phương đã không ngừng phấn đấu làm việc, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những nỗ lực của mình, trong nhiều năm liền anh Phương đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua công ty, Công nhân xuất sắc nhất phân xưởng; hàng năm có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Anh cũng được UBND tỉnh tuyên dương lao động giỏi, sáng tạo tỉnh năm 2012.

THIÊN LÝ

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết
Tags
diep vien

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên