Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 09-09-2014 | 09:56:35

(Tiếp theo kỳ trước)

6. Dường như câu chuyện tù đày đã trở nên nặng nề giữa cái nắng El-ni-no. Chúng tôi lần lượt bỏ xuống gầm bàn các vỏ chai sữa đậu nành đã uống hết. Thời gian trôi đi nặng nhọc. Tôi có cảm tưởng mỗi cái chai đó đếm được thời gian, nó làm liên tưởng đến những chiếc đồng hồ chạy bằng cát của thời cổ xưa.

“Cuộc đời tù của tôi so với nhiều chiến sĩ cách mạng khác thì không nhiều. Thời kỳ 1930-1931 tôi bị kết án tám tháng tù theo điều luật 91 của nó, vì có chứng cớ là 10 tờ Humanité đó. Còn bị bắt lúc Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng bị kết án một năm vì không khai điều gì cả.

Ông muốn chuyển đề tài cho tôi đỡ căng thẳng. Tất nhiên tôi luôn muốn ông kể ngay vào vụ đánh tàu, một chiến công lớn xếp vào loại hạng nhất của tình báo trong chiến tranh chống Pháp. Tôi ngắm nhìn ông và thầm nhớ lại cuốn tiểu thuyết đã đọc. Các cuốn tiểu thuyết mô tả những điều to lớn mà cuộc đời ông đã đi qua, một người sống xuyên qua cả thế kỷ. Sau 15 năm tuổi Đảng vào thời kỳ cách mạng, mới giành được chính quyền, ông trở thành Trưởng ty Công an Thanh Hóa. Sau này khi Pháp trở lại, Chính phủ kháng chiến phải bí mật chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1948 Nha Công an, thành lập Ty điệp báo Trung ương do ông Nguyễn Tạo làm trưởng ty, đã “tung” Hoàng Đạo làm con mồi đối với người Pháp. Chính chỗ này gây ra nhiều câu hỏi nhất. Với tổ chức phòng nhì của Pháp nhiều thủ đoạn nghề nghiệp, vậy mà họ không hề phát hiện điều gì. Chủ trương của ngành công an thật là táo bạo bất ngờ, nhưng làm cho kẻ địch tin - đó là vai trò cá nhân của Hoàng Đạo được sự hậu thuẫn của tổ chức phía sau lưng. Thời kỳ kháng chiến đang trên đường phát triển sâu rộng, ta có nhu cầu lớn hơn: vào sâu nắm địch và tiếp cận đánh phá vào tận đầu não. Pháp yêu cầu Mỹ viện trợ cho chiến trường Đông Dương. Pháp thấy rõ không còn đủ sức bình định chiến trường Đông Dương trong vài tháng như các tướng lĩnh đã huênh hoang tuyên bố. “Nhưng Mỹ muốn viện trợ trực tiếp chứ không qua tay Pháp. Vì vậy Pháp cần có một chính phủ tay sai của Pháp mà được Mỹ chấp nhận. Giữa một mớ đảng phái và nhân vật không có uy tín tầm cỡ để thu phục, Pháp rất cần một “con mồi”. Nha Công an, Ty điệp báo Trung ương đã đánh trúng lòng khao khát đó, tung Hoàng Đạo vào. Và ông đã đóng đạt vai trò. Tất nhiên, để làm hậu thuẫn cho Hoàng Đạo, có rất nhiều chiến sĩ cách mạng mà bản thân mỗi cuộc đời họ cũng đáng viết thành một cuốn sách hay. Thí dụ như Kim Sơn, người được bố trí vào thành trước để đón Hoàng Đạo vào. Trong các hoạt động nội thành, sống trong lòng địch, đối phó, phối hợp với nhau, Hoàng Đạo luôn có Kim Sơn. Hoàng Đạo đã thành công trong vai trò một nhà cách mạng quốc gia kháng chiến. Pháp tin rằng cuộc kháng chiến này Việt Minh Cộng sản lãnh đạo, nhưng trong đó có những người kháng chiến yêu nước không Cộng sản. Pháp cần những người đó lập chính phủ bù nhìn tay sai giương lá cờ quốc gia.

Với cương vị một chính khách có tâm huyết lớn, Hoàng Đạo, Kim Sơn bay vào Đà Lạt để gặp Bảo Đại. Họ đi bằng hệ thống bảo vệ của Pháp, vào Sài Gòn ở khách sạn Majestic có đổng lý văn phòng của Bảo Đại đón tiếp. Họ gặp gỡ cả đại tá Phơlơrăng chỉ huy cơ quan tình báo quân sự chính trị toàn Đông Dương. Trong chuyến đi đó, họ đi thăm doanh trại của Bảy Viễn thủ lĩnh Bình Xuyên, lên cả tòa thánh Tây Ninh thăm Phạm Công Tắc. Hoàng Đạo yêu cầu ra Huế nắm tình hình, gặp các thân sĩ. Ông đi trong tư thế được trưởng ty Công an cảnh sát Huế tổ chức, có xe dẫn đầu, xe bọc sau. Có cả xe bọc thép Haptơrăc đi kèm. Ngay cả những ngày đó ông đã gặp, trao đổi thời cuộc với các nhân vật như Hà Thúc Ký, Bửu Hiệp, cả Ngô Đình Diệm lúc đó dưới thời Bảo Đại còn chưa ra chính trường. Về nhân vật Ngô Đình Diệm này Hoàng Đạo gặp lần thứ hai. Lần trước, ông gặp Diệm trong tư thế người tù đã bị Diệm hỏi cung. Lúc đó Diệm mới chỉ là quản đạo ở Ninh Thuận. (Chuyện này ông sẽ kể chi tiết vào những chương sau). Ông cũng kể cả khuyết điểm vô nguyên tắc khiến ông suýt bị công an ta ở Nam bộ xử tử. Sau khi thoát bị công an ta xử tử, ông lại trở về với vai diễn của mình. Ông viết tài liệu về “Phục Việt quốc gia cách mạng Đảng” - Cái đảng “ma” mà công an ta bố trí cho ông thi thố. Ông viết tờ trình lên quốc trưởng Bảo Đại về tình hình chính trị ở cả ba miền, xin quốc trưởng giúp đỡ ông kiến tạo lực lượng thống nhất gồm các nhân sĩ, đảng phái để làm hậu thuẫn cho quốc trưởng. Hoàng Đạo dùng ngay con đường an toàn do Pháp bố trí để ra chiến khu “ma” của Đảng Phục Việt. Thật ra ông ra chiến khu gặp các đồng chí lãnh đạo. Ông tiếp tục trở thành chính khách lớn, tiếp xúc hội đàm với trung tướng Alexandri Tổng tư lệnh quân đội, kiêm ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Việt. Lại tiếp tục đi Đà Lạt lần nữa theo yêu cầu của Bảo Đại, dự hội nghị quan trọng để thống nhất các lực lượng trong quân đội quốc gia lúc đó rất phân tán. Bắc bộ thì Bảo Chính đoàn, Nam bộ có Cao Đài, Hòa Hảo, Huế thì Việt binh đoàn. Ở Đà Lạt lần này là thời kỳ tập trung các tướng tá và chính khách các phe phái, bên nào cũng ao ước chiếm được cái ghế tổng chỉ huy lực lượng quân đội quốc gia. Các chân dung hung hăng kệch cỡm của Bảy Viễn, Năm Lửa, Phan Văn Giáo đã lộ ra thật rõ: Hai điệp viên Kim Sơn, Hoàng Đạo lợi dụng những sự huênh hoang tự cao tự đại, không phục ai của họ để phá vỡ hội nghị đó - phá ý đồ thống nhất lực lượng quân sự.

Hoàng đạo trở về Bắc đương đầu với một âm mưu mới của Pháp. Tướng Alexandri luôn muốn “giải phóng” ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, muốn giao việc này cho Đảng Phục Việt “ma” của Hoàng Đạo. Dịp này người Pháp yêu cầu Hoàng Đạo nhận ghế bộ trưởng nội vụ, còn người của Phục Việt nhận thêm 3 ghế bộ trưởng nữa trong Chính phủ do Bảo Đại dành cho. Được chỉ thị của cấp trên ngoài kháng chiến, tổ điệp viên A.13 bố trí thành công dẫn người của địch ra kiểm tra báo cáo thực lực của Đảng Phục Việt “ma”, mời chúng ra “thăm chiến khu”. Công an ta đã bố trí cuộc thăm viếng đó như một chiến khu có thật, hùng mạnh. Tổ A.13 dẫn người của địch, thành một đoàn đi vào chiến khu bằng con đường sang trọng do Pháp bố trí “Viên sĩ quan Duypra cùng đáp máy bay với đoàn xuống Hải Phòng để tiễn chân họ lên tàu thủy vào Thanh Hóa. Vào chiến khu, họ lại phải đối phó với các lực lượng của Việt Minh, do giữ bí mật nên cũng gặp khá nhiều nguy hiểm.

(Còn tiếp)

 

 NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên