Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 12-09-2014 | 08:28:57

Lúc đó, Hoàng Đạo là một thanh niên nổi tiếng qua bài viết của Tạ Thu Thâu về người tù vị thành niên dũng cảm. Nay thì anh thanh niên đó lại nổi tiếng trên các tờ báo vì những phát hiện độc đáo, bất ngờ, phản ánh cuộc đời thật từ dưới đáy xã hội.

(Tiếp theo kỳ trước)

 Khi Tống Mỹ Linh làm đám cưới, báo chí có đưa tin về chiếc áo lông thú của bà - Hoàng Đạo viết ngay bài “người gánh than”, kể về những người đàn bà Tàu ở Chợ Quán, còng lưng dưới hai cần xé, mặt đen nhẻm với đứa con trên lưng. Anh đã liên hệ giá chiếc áo lông thú của Tưởng Giới Thạch phu nhân có thể nuôi sống hàng trăm người đàn bà Tàu như thế này - Ở Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông”, chàng ký giả đã viết bài về các cuộc đời dưới đáy, kể cả người gánh phân đổ thùng. Các nhận xét thật là chi tiết: những người gánh phân đêm dàn cảnh “trừng trị” lại kẻ nào tỏ ý khinh bỉ ghê tởm nghề của họ. Họ vờ bước mạnh một chút cho rơi vãi ra cổng nhà, nơi có ông bà chủ đang đứng bịt mũi khinh bỉ. Người đọc xưa nay thường chỉ thấy trên báo về một xã hội hào nhoáng, nay được đọc phóng sự về những con người lao động cực khổ, sống cuộc đời của “ma” trong bóng đêm âm thầm đập cửa từng nhà… Có lẽ vì vậy mà các bài phóng sự đã được trả tiền rất cao? Hay là do người ta muốn giúp anh kiếm sống? Cách thức bóc lột tinh vi trong các xưởng máy cũng được chàng thanh niên đưa vào phóng sự - nạn hối lộ và nhũng nhiễu đã có từ những thập niên đầu thế kỷ: Lúc vào thử việc, người thợ được các đốc công, cọp rằn trả cho 1 đồng rưỡi. Nhưng đám đốc công báo lên với chủ Tây là 1 đồng 8 và nói với người thợ một cách thẳng thừng: “còn 3 hào chênh lệch đó phải đưa chú ba chớ. Tao bóc lột Tây chứ bóc lột mày đâu. Phải để có tiền cho chú ba mua thuốc chớ!”. Thuốc đây là thuốc phiện - Đó là câu chuyện về mặt trái các thẻ lãnh tiền của người thợ. Anh ký tên Sơn Hùng, “muốn ký gì ký” bởi lúc đó chàng thanh niên như một ký giả tự do, nổi tiếng tới mức đến đâu cũng được mời ăn uống. Có một dạo, tối nào chàng trai cũng được bạn bè mời uống bia ở chợ Sài Gòn. Lúc đó người uống bia còn được biếu không thức nhắm như củ kiệu, đậu phộng… Sau này khi gần khởi nghĩa cướp chính quyền, anh còn viết tố cáo cả việc thực dân dùng lúa thay than đốt ở nhà đèn Chợ Quán. Trong lúc đó ở miền Bắc, chỗ nào cây lúa còn tươi tốt sót lại là y như chỗ đó có xác người chết đói bón dưới gốc. Lúc đó thì chàng trai đã tham gia cứu đói phải mướn ghe đi mua gạo. Anh mới chỉ là một chàng trai nhiệt huyết, được học chút chữ nghĩa trong tù, lao vào viết báo - Học trong tù như thế nào? “Anh em cách mạng trong đó bắt học. Viết bằng viên ngói non - Đâu phải dễ có, lượm ở đâu thì lượm. Phải đổi đường cho tù kinh tế để lấy các mảnh ngói non làm phấn viết trên nền xi măng. Miếng ngói được cân hẳn hoi - Hễ miếng nào đám tù kinh tế nói hai ký, chúng tôi chỉ trả giá một ký thôi. Họ luôn nói tăng số lượng vì cân ở đâu đó, chứ anh em đâu có thấy” - Về cách viết, ban đầu anh em chỉ cho cách viết ngắn gọn lại. Rồi sau đó mới viết thêm câu dài ra. Học văn như vậy. Còn tiếng Pháp thì lấy báo tiếng Pháp cắt từng miếng xỏ ở cầu tiêu, về lắp lại, anh em dạy cho. Cả cuộc đời sau này, Hoàng Đạo chủ yếu học trong đời sống. Do ông đọc rất nhiều, tự học mà trở thành “tác giả”. Hồi học văn hóa bổ túc ở Hà Nội, chính ông lại được học bài của mình trong tiết văn học. Ông cũng đã viết một số sách khoa học kỹ thuật. Kể lại cái thời thanh niên làm báo từ những năm 25 - 30 đó ở Sài Gòn, Hoàng Đạo muốn nhớ cách vào đời để có nguồn sống, được giới báo chí quý mến, có được tình bạn với nhiều trí thức tên tuổi. Họ yêu cái nguồn sống cần lao ở người trai trẻ này.

Từ bài báo đầu tiên, anh đã được chú ý ngay. Trong lúc kiếm việc làm nuôi thân, có người mách anh gặp một đầu bếp trên tuần dương hạm A-lec (“báo động”) của Pháp. Sau này ông đoán chắc người đó là đảng viên quá! Ông ta dạy Hoàng Đạo ý thức về đồng bào. Khi anh nhận chân rửa bát đĩa dưới tàu, người đầu bếp dặn: Lúc đổ các thức ăn thừa vào cái ống máng trút xuống sông, không nên đổ ào mọi thứ lẫn lộn. Phải để riêng từng loại. Chẳng hạn thế nào cũng có những miếng bít tết nguyên lành, trong khẩu phần các sĩ quan ăn không hết. Tại sao đổ vào ống cống lại phải chọn ra từng loại? Mãi tới lúc này chàng thanh niên mới được biết rằng ở dưới sông, có những chiếc xuồng ghe nhỏ của người nghèo đang chờ hứng dưới ống máng. Họ đem về nấu lại, gọi là cơm “Lâm Vố”. Đến bây giờ, Hoàng Đạo cũng chưa kịp tìm hiểu xem vì sao có cái tên gọi Lâm Vố. Nhưng trước kia, anh đã có lần ăn trên các hàng cơm bình dân bán cho thợ, thấy cơm Lâm Vố rất ngon. Nay thì anh mới hiểu các thức ăn ấy từ đâu ra để bán cho thợ Ba Son. Người trên tàu có tập quán tôn trọng và giúp đỡ người nghèo đang chờ ở dưới sông. Anh liên tưởng đến tách café của người đàn bà Tàu bán 1 xu. Lấy sái café, cho một ít bơ răng, ninh lên bỏ thêm đường, họ gọi là “café thất nghiệp” - Bài báo về bữa cơm Lâm Vố đã ra đời. Chủ tàu phát hiện không có “Sổ xanh”, anh bị đuổi việc, nhưng với 10 ngày đó, chàng trai đã học được điều quan trọng, đủ để viết phóng sự với tài liệu sống quý báu. Thời kỳ đó, trong xã hội đã xuất hiện ý thức tìm hiểu đời sống người lao động. Người ta nhắc tới phóng sự “Những ngày sống ở Hồng Kông” của Tê Xuyên phơi bày ngõ ngách hút sách ban đêm. Lẽ tất nhiên, trong bầu không khí như vậy những bài báo của Hoàng Đạo về người nghèo Sài Gòn, đã góp thêm sức mạnh cho dòng hiện thực trên báo. Bây giờ ông vẫn nhớ không khí sôi nổi trên những tờ “Dân quyền” của Võ Thành Cứ, “Công luận” của Nguyễn Văn Bá, “Trung lập” của Trần Thiện Quí, “Thần chung” của Diệp Văn Kỳ, “Đuốc nhà Nam” của Nguyễn Phan Long. Lũ trẻ con bán báo vừa rao vừa đùa những câu: “Đuốc nhà Nam, đốt nhà Tây này, thày?”. Có khi “thày” lắc đầu, tờ nào cũng không mua cả, chúng chửi thày sau lưng. Rồi đọc ta các “câu đối” tinh nghịch: “Ngày nay, Ngày nay in nhà in nhà. Tin mới, tin mới giả, đọc giả vờ đọc… đây…”. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên