Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển - Bài 21

Cập nhật: 14-03-2017 | 22:34:27

Bài 21: Tây Ninh - Sức sống vững bền của đờn ca tài tử

 

 Trải qua những cuộc chiến tranh ác liệt trong quá khứ hay những cuộc hội nhập nhiều loại hình âm nhạc hiện đại hôm nay, đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Tây Ninh vẫn duy trì với một sức sống vững bền, góp phần tạo nên những sân chơi lành mạnh, bồi dưỡng niềm đam mê âm nhạc truyền thống với những giá trị nghệ thuật hết sức độc đáo này trong các tầng lớp nhân dân.

 Các nghệ nhân ĐCTT Tây Ninh trong Liên hoan ĐCTT Nam bộ toàn quốc lần thứ nhất tại Bạc Liêu

 Chuyện thăng trầm của đờn ca

Về Tây Ninh nghe bài vọng cổ “Chuyến xe Tây Ninh” và may mắn gặp nghệ nhân ưu tú Thanh Hiền, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, cây đại thụ của giới ĐCTT Tây Ninh, chúng tôi đã có dịp hiểu thêm về chuyện thăng trầm của phong trào ĐCTT nơi đây. Nhớ lại thời cực thịnh của ĐCTT với nét mặt tươi vui, nghệ nhân ưu tú Thanh Hiền (75 tuổi) chầm chậm kể: “Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tây Ninh là căn cứ địa cách mạng với căn cứ Trung ương Cục miền Nam, phong trào ĐCTT - cải lương phát triển mạnh mẽ ở vùng kháng chiến với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”. Trong giai đoạn này, một số nghệ nhân cách mạng được tổ chức cài lại địa phương và tham gia vào các nhóm ĐCTT ở vùng địch kiểm soát để theo dõi hoạt động của địch và làm công tác dân vận. Còn ở vùng địch tạm chiếm, nghệ thuật ĐCTT không phát huy được trong các sinh hoạt đội nhóm, riêng vọng cổ - một thể loại phát triển từ ĐCTT đã hoàn toàn chiếm lĩnh trong giai đoạn này. Khi đất nước thống nhất, nghệ nhân ĐCTT vùng cách mạng cũng như vùng địch tạm chiếm trước kia được dịp hội tụ, tạo nên sức mạnh của phong trào ĐCTT tỉnh nhà. Và giai đoạn thịnh nhất là thập niên 1976-1986, các địa bàn trong tỉnh đều thành lập được các đội nhóm ĐCTT, đội nhạc lễ. Các hoạt động hội thi, hội diễn ĐCTT - nhạc lễ được các địa phương tổ chức thường xuyên. Nghệ thuật ĐCTT được nhiều người biết đến, theo học. ĐCTT Tây Ninh đã giành được nhiều giải thưởng cấp toàn quốc và khu vực”.

Ôm cây đờn kìm vừa so dây vừa nắn phím, nghệ nhân ưu tú Thanh Hiền kể tiếp: Bất cứ bộ môn nghệ thuật nào khi đến giai đoạn cực thịnh cũng suy thoái dần (bởi nhiều nguyên nhân) để chuyển sang một giai đoạn khác, và ĐCTT ở Tây Ninh cũng không ngoại lệ. Từ khoảng những năm 1987 đến 2000, các đội nhóm ĐCTT dần tan rã, sinh hoạt thưa vắng, nhường chỗ cho những câu lạc bộ (CLB) hát với nhau, CLB khiêu vũ chiếm lĩnh các tụ điểm sinh hoạt văn hoá. Nhưng với quyết tâm phục hồi, lưu giữ và phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc, từ năm 2001 đến nay Đảng bộ và chính quyền các cấp ở Tây Ninh tạo mọi điều kiện để ĐCTT được phục hồi. Thời gian này nhiều nghệ nhân đã đóng góp tích cực cho phong trào ĐCTT tỉnh nhà qua các hoạt động “truyền nghề” tại gia đình, hoặc cộng tác với các cơ quan Nhà nước. Nhiều tài tử đã gây được tiếng vang trong tỉnh và khu vực.

 Các nghệ nhân ĐCTT huyện Bến Cầu trong một buổi sinh hoạt

Tôn vinh và phát triển đờn ca

Ngày nay, nghệ thuật ĐCTT ở Tây Ninh không chỉ được đông đảo quần chúng yêu thích mà nó còn ảnh hưởng sâu rộng trong tình cảm, đời sống của các tầng lớp dân cư. Bà Đặng Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, hiện nay Tây Ninh có khoảng 285 CLB, đội, nhóm ĐCTT - cải lương đang sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố Tây Ninh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn ở cơ sở và trong cộng đồng dân cư. Nổi trội với nhiều mô hình hoạt động sôi nổi là các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu.

Tháng 6-2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Tây Ninh đến năm 2020. Năm 2016, toàn tỉnh đã tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm kê các bài bản tổ và những bài hát biến thể trong Nghệ thuật ĐCTT, tổ chức liên hoan ĐCTT cấp tỉnh kết hợp chào mừng kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển; tổ chức liên hoan các CLB ĐCTT tại 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới; tăng cường chất lượng hoạt động các CLB ĐCTT tại các Trung tâm Văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng tại 95 xã, phường, thị trấn và nhà văn hóa ấp, khu phố; xây dựng giáo trình - tài liệu truyền dạy về nghệ thuật ĐCTT và giới thiệu sản phẩm ĐCTT trên các trang thông tin điện tử của ngành và các đơn vị. Đặc biệt, nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11 hằng năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tập trung tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động phong phú giới thiệu nghệ thuật ĐCTT ở cơ sở.

Hướng về Festival ĐCTT Quốc gia lần 2 - Bình Dương năm 2017 với nhiều niềm tin và phấn khởi, các nghệ nhân, tài tử CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa tỉnh đang tập dượt chương trình rất hăng hái. Bà Đặng Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, đến với Festival lần này, Tây Ninh sẽ tham gia đầy đủ các hoạt động và hứa hẹn sẽ mang đến Bình Dương những ngón đờn lão luyện, những giọng ca ngọt ngào… cùng những món ăn đặc sản mang đậm hương vị quê nhà. Qua đó, chung tay với 20 tỉnh, thành phố bạn tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tôn vinh ĐCTT, một loại hình âm nhạc độc đáo được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bài 22: Làn gió mới đờn ca ở Ninh Thuận

 MINH HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên