Đờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển - Bài cuối

Cập nhật: 05-04-2017 | 18:50:57

Bài cuối: Hương sắc đờn ca tài tử ở Bình Dương

Trong số các tỉnh, thành phố sớm có nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) thì Bình Dương được xem là vùng đất lành của âm nhạc cổ truyền Nam bộ. Vì thế, Bình Dương đã sản sinh ra những người con ưu tú đóng góp nhiều công sức cho nền âm nhạc truyền thống độc đáo này của dân tộc. Những sáng tạo về bài bản, phong cách diễn tấu, dây nhạc, truyền dạy căn cơ… của các bậc tiền nhân đã góp phần làm cho loại hình âm nhạc này ở Bình Dương nói riêng và Nam bộ nói chung có một vị thế xứng tầm trong lịch sử văn hóa dân tộc.

Các nghệ nhân, tài tử Bình Dương trong Liên hoan ĐCTT khu vực Đông Nam bộ mở rộng năm 2016

Góp hương sắc cho đời

Theo chân nhóm nghiên cứu đề tài khoa học “Bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương” tìm đến các hạt nhân cựu trào của phong trào văn hóa nghệ thuật Bình Dương, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu sâu thêm về nguồn gốc và quá trình phát triển của ĐCTT Bình Dương trong sự tương quan với ĐCTT ở Đông và Tây Nam bộ.

Trong tiết trời mùa xuân mát dịu, ông Nguyễn Quốc Nhân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bình Dương đã kể cho chúng tôi nghe chuyện đờn ca ở Đất Thủ như một niềm tự hào đầy kiêu hãnh. Ông Quốc Nhân kể: Nhạc tài tử Bình Dương cũng đã hình thành từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Dòng âm nhạc phong phú, giàu bản sắc dân tộc này có từ nguồn gốc của nhạc cung đình Huế theo lớp lưu dân vào Nam lập nghiệp từ lưu vực sông Đồng Nai, Bến Nghé xuống tận cùng đất mũi Cà Mau. Thời đó, Sư Dung và ông Giáo Khái (hai học trò của nhạc sư Nguyễn Quang Đại) đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ nhân cho làng nhạc tài tử Bình Dương như: Út Lăng, Giáo Thinh (nhạc sư Nguyễn Văn Thinh, giám học Ngành Quốc nhạc thuộc trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn nay là Khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viên TP.Hồ Chí Minh) vang danh trong giới nghệ thuật truyền thống Nam bộ.

Từ thế hệ thứ ba này, bước tiếp con đường nghệ thuật của các bậc tiền bối, những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ trên đất Bình Dương đã lần lượt khẳng định tên tuổi của mình: Bảy Hóa (Sến), Tư Bộ, Giáo Kỷ, Tám Phình, Chín Hòa, Ba Thành, Năm Cơ, Tư Còn (kìm), Bảy Trọn, Tám Quốc (cò), Năm Thuộc, Mười Lượng (tranh), Út Ngự (ghi ta), Văn Còn (sáng tác dây Ngân Giang), Mười Phú (sáng tác bản Ngũ khúc long phi), Út Búng (sáng tác bản Tây thi quảng)… Lớp lớp tiền bối này phần lớn đã ra đi, song ngón đờn tài hoa, lối ca các bản Lễ điêu luyện luyến láy sang trọng mang hơi hướng cung đình, phong cách diễn tấu đặc biệt, niềm đam mê sáng tác vẫn được lưu truyền trong các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ hôm nay.

Sáng ngời niềm tin

Do đặc thù của Bình Dương là “vùng đất lành chim đậu”, nên có rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật từ nhiều vùng miền trong và ngoài nước. Tuy vậy, ĐCTT ở Đất Thủ vẫn có sức lan tỏa mạnh trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Để ĐCTT tiếp tục tỏa sáng rực rỡ và bền vững hơn trong tương lai, tháng 7-2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Bình Dương giai đoạn 2016-2020”. Vui mừng khi hay tin về đề án, NNƯT Phạm Ngọc Phú đã chia sẻ, tỉnh quyết tâm thực hiện các chính sách, chiến lược phát triển ĐCTT Bình Dương trong đề án thì tôi tin rằng bộ môn nghệ thuật độc đáo này sẽ được lưu truyền vững chắc và không bao giờ bị mai một trong tương lai.

Ông Nguyễn Minh Xuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết, bên cạnh việc sinh hoạt đều đặn, các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT trong tỉnh còn tổ chức truyền dạy theo hình thức người biết nhiều chỉ người biết ít, người chưa biết. Vào các dịp lễ, tết hay các sự kiện lớn của tỉnh, các CLB còn tổ chức giao lưu với các CLB trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan ĐCTT - cải lương với sự tham gia của 9 huyện, thị xã, thành phố và gia đình ĐCTT Tấn Xuân (TX.Tân Uyên). Một số Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Phòng Văn hóa - Thông tin còn tổ chức liên hoan, hội thi ĐCTT - cải lương cho các xã, phường, thị trấn…

Vinh dự là tỉnh đăng cai tổ chức Festival ĐCTT Quốc gia lần II, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chuẩn bị rất thiết thực và ý nghĩa. Đồng thời tổ chức tập dượt chương trình cho các nghệ nhân, tài tử tham gia Hội thi Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong festival. Với chương trình mang tên “Tự hào cung điệu quê hương”, Bình Dương hứa hẹn sẽ tạo nhiều ấn tượng tại hội thi với nhiều tiết mục nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi phong trào ĐCTT địa phương và vững niềm tin vào tương lai đầy ngời sáng.

Theo kết quả khảo sát của đề án, toàn tỉnh hiện có hơn 60 CLB, đội nhóm ĐCTT với số lượng hơn 800 nghệ nhân, tài tử tham gia sinh hoạt theo nhiều dạng thức. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều có CLB ĐCTT chủ lực do Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, thị xã, thành phố quản lý. Bên cạnh đó còn có các CLB cấp xã, phường, thị trấn (có nơi có CLB ấp, khu phố) được hình thành và đi vào hoạt động trong nhiều năm qua. Các CLB sinh hoạt theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý với nhiều hình thức khác nhau.

 

 MINH HIẾU

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên