Đồng bào dân tộc chăm xã Minh Hòa, Dầu Tiếng: Giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc

Cập nhật: 03-08-2016 | 08:45:16

 Đồng bào dân tộc Chăm sinh sống tập trung tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng với 98 hộ 411 nhân khẩu. Đa số đồng bào Chăm đều từ An Giang về định cư...

Với người Chăm trong năm có nhiều lễ, hội theo phong tục của người Hồi giáo. Trong đó, Lễ Ramadam là lễ lớn nhất trong năm. Đó là khoảng thời gian một tháng mà những người theo đạo Hồi nhịn ăn, uống và hút thuốc… từ lúc mặt trời mọc cho đến mặt trời lặn, mọi sinh hoạt đều tổ chức vào ban đêm. Tuy nhiên, theo quy định đạo Hồi, thánh lễ này chỉ áp dụng cho những người khỏe mạnh, còn những người đang ốm, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi… được miễn trừ. Vào tháng ăn chay, người Chăm được kết thúc bằng Lễ xã chay với không khí như ngày tết. Dịp này, các hình thức từ thiện và làm việc thiện rất được chú ý. Họ cùng nhau tham gia các hoạt động quyên góp, giúp đỡ người kém may mắn trong xã hội.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng tặng quà cho đại điện Thánh đường Hồi giáo xã Minh Hòa

Ông Kho Sanh, Phó giáo cả Ban Quản trị thánh đường Hồi giáo xã Minh Hòa cho biết: “Với người Chăm, ngoài lễ Ramadan thì Lễ hành hương hay còn gọi là lễ Hajj cũng được coi là lễ lớn trong năm. Trong ngày lễ, những người có điều kiện sẽ hành hương về thánh Mecca nơi sinh ra đạo Hồi giáo, vì theo quan niệm của họ, trong cuộc đời của mỗi người theo đạo thì có ít nhất một lần hành hương về vùng đất thiêng này. Những người không có điều kiện về quê thì tổ chức tưởng nhớ một ngày và theo lịch Hồi giáo thì đây cũng là lễ kết thúc một năm của họ”. Ngoài ra, trong năm người Chăm còn tổ chức các lễ nghi khác như: Lễ sinh nhật giáo chủ, lễ cầu an, lễ tạ ơn… Mặc dù Tết Nguyên đán của người Việt không phải là tết truyền thống của người Chăm, nhưng trong nhiều năm qua, đồng bào Chăm sinh sống ở đây luôn chuẩn bị ăn tết như những người kinh khác. Trong những ngày giáp tết, không khí chuẩn bị đón tết của bà con đồng bào rất vui nhộn.

Có thể thấy, ngoài việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, đồng bào người Chăm tại xã Minh Hòa còn hòa nhập với những giá trị của cộng đồng dân cư xung quanh, đây cũng chính là một phần trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của chính quyền địa phương đối với ĐBDTTS. Những năm qua, các ngành, các cấp, chính quyền thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao thu hút đông đảo bà con ĐBDTTS tham gia; bảo đảm 100% điều kiện tiếp cận và thụ hưởng ứng dụng các công nghệ thông tin trong giải trí, tiếp nhận thông tin trong các hộ gia đình ĐBDTTS. Bên cạnh đó, thông qua các chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với ĐBDTTS về phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào Chăm đã không ngừng được cải thiện, đến nay không còn hộ nghèo. Ông Du Số, đồng bào Chăm xã Minh Hòa cho biết: “Trước đây, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, cuộc sống không ổn định. Từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ về giống, vốn và tập huấn khoa học kỹ thuật áp dụng vào trong sản xuất. Đến nay, cuộc sống gia đình đã thoát nghèo bền vững, nhà cửa xây mới khang trang”.

Nhờ sự chăm lo chu đáo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con dân tộc Chăm xã Minh Hòa không chỉ có điều kiện phát huy bản sắc truyền thống mà còn luôn hòa hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần cùng nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới để phát triển bền vững.

DANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên