Đồng bào dân tộc thiểu số chung tay bảo vệ an ninh trật tự

Cập nhật: 23-12-2015 | 09:38:19

Bình Dương đã và đang tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ngăn chặn tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân và thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Từ đó, ĐBDTTS trong tỉnh đã biết đoàn kết, chung tay phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng cuộc sống yên bình.

 Ban điều hành khu phố và bà con ĐBDTTS Chăm tại ấp Hòa Lộc trao đổi những biện pháp bảo đảm ANTT tại địa phương

Cùng nhau đẩy lùi tệ nạn

Ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng được người dân trong ấp tự đặt cho tên gọi là “Trung tâm đoàn kết”. Thắc mắc trước cái tên lạ, chúng tôi tìm về Hòa Lộc để tìm hiểu và được người dân trong ấp cho hay, ấp hiện có 260 hộ dân, trong đó 100 hộ là người DTTS Chăm, 10 hộ người Tày và 10 hộ Khơme, 10 hộ các dân tộc khác như Mường, Tamun… Tuy nhiều dân tộc chung sống trên một ấp nhưng ai cũng ý thức làm ăn kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và giữ vững ANTT. Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng ấp Hòa Lộc cho biết, là vùng xa của tỉnh, trước đây đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, được sự quan tâm của chính quyền, sự đồng lòng, chung sức của người dân trong ấp đã giúp địa phương trở thành ấp văn hóa 13 năm liền.

Còn tại ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo, để người dân được sống yên bình, cán bộ nòng cốt công tác dân tộc thường xuyên tuyên truyền pháp luật, nắm rõ từng nhân khẩu để không cho đối tượng xấu trà trộn ảnh hưởng đến người dân. Ông Kim Minh Thành, cán bộ nòng cốt làm công tác dân tộc ấp cho biết, ấp có hơn 150 hộ, khoảng 600 nhân khẩu chủ yếu là người Khơme sinh sống. Nhiều năm nay không xảy ra tình trạng mất cắp, hay đánh nhau gây mất trật tự an ninh địa phương. Theo lời kể của ông Thành, trước đây ấp cũng có nhiều thanh niên thích thể hiện mình nên chạy xe ẩu, lạng lách gây tai nạn giao thông, hay nhậu nhẹt đánh nhau… Trước tình hình đó, cán bộ UBND xã An Bình, cán bộ làm công tác dân tộc và những người dân tộc lớn tuổi của ấp đã đến tận nhà, gặp từng thanh niên vận động họ sống tốt, tích cực làm ăn để phát triển kinh tế. Những trường hợp không tuân thủ pháp luật bị xử phạt theo quy định. Do vậy, địa phương đã không còn tệ nạn xã hội.

Trước sự khởi sắc đời sống, cũng như chung sức giữ vững ANTT của ĐBDTTS, ông Phan Ngọc Của, Phó Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh đánh giá, nhìn chung ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn nếp sống lành mạnh, chú tâm sản xuất, kinh doanh để nâng cao đời sống. Họ thực hiện tương đối tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, tài sản.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Xác định việc xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vững mạnh là điều kiện đẩy lùi tội phạm, những năm qua, lực lượng Công an tỉnh, huyện, thị, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, hướng mạnh về cơ sở, bảo đảm ANTT vùng ĐBDTTS. Lực lượng công an đã triển khai hiệu quả các mô hình đấu tranh phòng, chống tội phạm; chuyển hóa địa bàn; xóa hủ tục lạc hậu trong vùng ĐBDTTS.

Để hỗ trợ ĐBDTTS trong việc nắm bắt các quy định của Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, UBND xã, phường, thị trấn hàng năm đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở từng địa phương, phù hợp với tín ngưỡng, phong tục của mỗi dân tộc. Từ năm 2000 đến nay, đã có hơn 6.000 lượt người được tuyên truyền pháp luật. Cụ thể, tại Dầu Tiếng có đông ĐBDTTS Chăm, hàng năm cán bộ công tác dân tộc huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức những lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người Chăm. Mặt khác, do hầu hết đồng bào người Chăm theo đạo Hồi nên cũng được dự các lớp triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó đã thu hút, tập hợp được đồng bào người Chăm trong tỉnh tham gia các phong trào ở địa phương như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa” nhằm củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết trên địa bàn dân cư, góp phần ổn định chính trị, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Của nói thêm, Bình Dương cũng phát huy vai trò người có uy tín trong ĐBDTTS. Vận động họ kêu gọi nhân dân chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây thực sự là những “hạt nhân” tích cực trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vùng DTTS. Ghi nhận những nỗ lực của người có uy tín trong công tác dân tộc, thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS, hàng năm tỉnh đều thực hiện việc thăm hỏi, tặng quà trong dịp tết, lễ và cung cấp thông tin cho người có uy tín theo quy định. Việc làm này giúp người có uy tín vui, có thêm động lực trong công tác.

 T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên