Đồng bào Khmer xã An Bình, huyện Phú Giáo: Vươn lên thoát nghèo

Cập nhật: 03-12-2014 | 08:31:19

 Trước đây, có thời điểm tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo của An Bình lên tới 42,5%. Năm 2010, tỷ lệ này giảm xuống còn 19,3% và đến nay, tỷ lệ đồng bào Khmer nghèo của xã chỉ còn 8,14%. Có được kết quả này là do Đảng ủy, chính quyền xã An Bình đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giúp đồng bào Khmer phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

 Được cấp đất, ông Thạch Khê, một hộ đồng bào Khmer tại xã An Bình đã hình thành vườn cao su có diện tích 1 ha. Nhờ đó, gia đình ông đã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo Ảnh: C.SƠN

 Xã An Bình, huyện Phú Giáo là địa phương có số đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với 225 hộ và 938 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống của đồng bào Khmer nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế trình độ, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, thời gian qua, nhận được các chính sách hỗ trợ, đời sống của đồng bào Khmer xã An Bình đã có nhiều đổi thay. Thông qua các chính sách hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, cấp đất, đời sống của đồng bào Khmer tại đây đã có những bước phát triển mới.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Bình cho biết: “Bên cạnh việc được nhận các chính sách hỗ trợ, điều quan trọng nhất là ý thức của đồng bào Khmer đã có nhiều thay đổi. Đồng bào không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà đã cố gắng lao động, sản xuất. Họ đã ý thức hơn về phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa gia đình theo hướng văn minh. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer tại An Bình đã được nâng lên rõ rệt, có những hộ đã vươn lên làm giàu…”. Cũng theo bà Lan, trước đây, có thời điểm tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo của An Bình lên tới 42,5%, đến năm 2010 tỷ lệ này giảm xuống còn 19,3% và đến nay chỉ còn 8,14%; thu nhập bình quân đầu người của bà con khoảng 20.000.000 đồng/ người/năm.

Trong các yếu tố góp phần vào việc nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào Khmer tại xã An Bình phải kể đến vai trò của Khu tái định canh Suối Sai. Chúng tôi vượt quãng đường trên 10km từ trung tâm xã để đến với Khu tái định canh Suối Sai, nằm sâu trong ấp Gia Biện của xã Tam Lập. Đất sản xuất nằm trên địa bàn xã bạn nhưng người trực tiếp sản xuất lại là đồng bào Khmer của xã An Bình. Cả một vùng đất rộng trên 100 ha giờ đây đã được phủ xanh bằng cây cao su, điều, mì. Hiện tại trong khu này đã có 112 hộ được cấp đất sản xuất với tổng diện tích 116,2 ha.

Ông Thạch Khê, ấp Tân Thịnh, là một trong những hộ dân được cấp đất tại đây cho biết, trước đây khi chưa có đất, đời sống gia đình ông rất khó khăn vì con cái đông, vốn sản xuất lại không có. Khi được Nhà nước cấp đất, hỗ trợ con giống, phân bón, hướng dẫn sản xuất, đời sống gia đình ông đã đỡ vất vả hơn. Bà Châu Thị Giàu, cũng là một hộ dân được cấp đất trong khu tái định canh này, cho biết, hiện bà đã tập trung trồng hết 1 ha điều. Mùa điều năm nay, sau khi trừ hết chi phí, bà đã thu về trên 20 triệu đồng. “Thu nhập từ vườn điều đã giúp cho cuộc sống gia đình chúng tôi đỡ vất vả hơn. Được chính quyền hướng dẫn, động viên, gia đình tôi đã cố gắng sản xuất, lao động để vươn lên…”, bà Giàu nói.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng ủy, chính quyền xã An Bình cũng rất chú trọng thực hiện chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân người Khmer. Công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu được đẩy mạnh đã giúp cho đời sống văn hóa của đồng bào Khmer tại đây có nhiều bước phát triển mới. Đồng bào luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các gia đình đã thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, hạn chế tình trạng đẻ nhiều con; chú ý đến việc học hành của con cái; công tác chăm sóc sức khỏe cũng được các hộ gia đình đồng bào Khmer quan tâm, thực hiện. Đảng ủy, UBND xã An Bình cũng như các cấp, các ngành của tỉnh cũng luôn tạo điều kiện để các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của đồng bào phát triển. Hàng năm, trong các dịp lễ, tết, đồng bào còn được thăm hỏi tặng quà, khích lệ, động viên…

Theo bà Nguyễn Thị Lan, tuy đã có những bước phát triển nhưng đời sống của một số hộ đồng bào Khmer cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện công tác chăm lo cho đời sống của đồng bào theo hướng phát triển đồng đều, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần cho đồng bào.

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên