Động cơ tăng áp - 'mốt' mới trên xe phổ thông

Cập nhật: 20-08-2018 | 08:24:18

Dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu nhưng vẫn đủ sức mạnh là những thế mạnh giúp động cơ tăng áp trở thành tiêu chí mới ngành bốn bánh.

Chính phủ các nước ngày càng gắt gao trong việc kiểm soát khí thải và mức tiêu hao nhiên liệu. Để giảm những con số trên, động cơ được làm nhỏ hơn. Nhưng làm cách nào để máy bé mà sức mạnh vẫn không đổi? Bộ tăng áp (turbo) giải quyết câu hỏi này.

Động cơ tăng áp là gì 

ds

Turbine là thiết bị sử dụng lực đẩy khí xả (màu đỏ) làm quay cánh quạt đẩy nhiều khí nạp (màu xanh) hơn vào trong buồng đốt.

Với ôtô sử dụng động cơ đốt trong (xăng, dầu), để xe chạy cần có phản ứng hoá học gây nổ trong buồng đốt. Phản ứng này sẽ xảy ra khi nhiên liệu được hoà trộn với không khí ở một điều kiện thích hợp. Để gia tăng không khí vào buồng đốt giúp quá trình đốt nổ hiệu quả hơn, hệ thống tăng áp ra đời. 

Hệ thống sẽ có turbine nằm trên ống thoát khí thải, khi luồng khí thải đủ mạnh làm quay turbine và máy nén, tạo ra luồng không khí nóng tiếp tục đi qua bộ phận làm mát rồi vào động cơ. Khi có thêm không khí, hiệu suất đốt sẽ tăng lên. 

Ưu, nhược điểm của động cơ tăng áp là gì? Mục đích ban đầu của turbo là để tăng sức mạnh cho xe leo đèo dốc nhưng hiện nay công nghệ này thể hiện rõ lợi thế trên các dòng xe nhỏ. Bởi tăng hiệu suất đốt mà không tăng lượng xăng, dầu nên động cơ tăng áp được coi là lựa chọn lý tưởng để đạt cả hai mục đích là sức mạnh vận hành và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, động cơ càng nhỏ, các mức thuế đánh càng "dễ chịu", nhờ đó mức giá dễ tiếp cận hơn.

Tuy vậy, vì phải qua khâu quay turbine, máy nén rồi luồng khí mới đi vào xi-lanh nên động cơ tăng áp thường có độ trễ từ khi đạp ga tới khi xe bắt tốc. Bên cạnh đó, việc chế tạo thêm hệ thống turbo cũng khiến việc bảo dưỡng, sửa chữa khó khăn hơn, đòi hòi chất lượng vật liệu tốt hơn, chi phí do đó cao hơn động cơ không tăng áp.

Ngày càng nhiều xe phổ thông dùng động cơ tăng áp 

Trước đây, những công nghệ tăng lượng khí vào buồng đốt như tăng áp (turbo) hay siêu nạp (supercharge) thường chỉ sử dụng cho xe thể thao, xe sang để tối ưu hoá hiệu suất vận hành thì giờ đây các dòng xe nhỏ lại tối ưu hoá công nghệ này. 

EcoSport mới gồm 5 phiên bản, bán ra từ ngày 6/3. Ảnh: Đức Huy.

EcoSport mới có bản 1.0 EcoBoost.

Thế hệ động cơ EcoBoost được coi là con át mang lại lợi thế doanh số cho Ford trên toàn cầu, đúng thời điểm mà hãng xe Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, loay hoay trong việc bán hàng. EcoBoost áp dụng nhiều công nghệ để tiết kiệm nhiên liệu trên những động cơ dung tích khác nhau, nhỏ nhất là 1.0, xuất hiện trên Fiesta và EcoSport bán tại Việt Nam. 

Động cơ 1.0 nhưng mạnh tương đương loại 1.5 và tiết kiệm nhiên liệu hơn, nhất là những xe thường xuyên đi đường trường khi đẩy được vòng tua lên cao, turbo mở. Ford cho biết phiên bản 1.0 EcoBoost giúp hãng này tăng thêm khách hàng ở dòng EcoSport so với bản 1.5 trước đây vì động cơ không gào, êm và mạnh hơn hẳn.

Tại thị trường Việt, Honda cũng áp dụng động cơ 1.5 turbo cho Civic và doanh số tốt hơn hẳn khi bán bản 1.8, tương tự CR-V 1.5 thay cho 2.0 và 2.4. Hyundai cũng có động cơ 1.6 turbo cho Tucson và Elantra. Hãng này cho biết các bản turbo đều được yêu cầu cao nhưng số lượng linh kiện nhập về lại ít để sản xuất. 

Vì chi phí cao của động cơ tăng áp, cỗ máy này thường được áp dụng cho các phiên bản cao nhất của mỗi mẫu xe. EcoSport 1.0 EcoBoost giá 689 triệu, bản thấp hơn là 1.5 Titanium giá 648 triệu. Honda Civic 1.5 ở mức 903 triệu trong khi bản 1.8 là 763 triệu. Hyundai Tucson 1.6 Turbo là 882 triệu, bản 2.0 chỉ 828 triệu.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên