Động lực lao động, cống hiến

Cập nhật: 13-01-2015 | 08:27:42

Chậm trả lương 15 ngày sẽ phải trả thêm tiền. Đó là một trong những nội dung trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động vừa được Chính phủ ban hành.

Theo nghị định trên, doanh nghiệp (DN) và người lao động thỏa thuận về thời điểm trả lương hàng tháng. Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

 Ai cũng biết, đối với người lao động nói chung, người làm công ăn lương nói riêng, tiền lương là động lực chủ yếu kích thích họ làm việc tốt. Tiền lương là thu nhập chủ yếu giúp người lao động duy trì và nâng cao mức sống cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, ở một mức độ nhất định, tiền lương còn là một bằng chứng thể hiện giá trị, địa vị uy tín của một người lao động đối với gia đình, DN và xã hội. Với tuyệt đại đa số người lao động, tiền lương đang là nguồn thu nhập chính. Với thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng, đời sống của người lao động nói chung còn nhiều khó khăn. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào lương. Vì thế, việc chậm trả lương càng tạo thêm khó khăn cho người lao động.

Riêng đối với DN, đơn vị sử dụng lao động, trong sản xuất, kinh doanh có thể gặp khó khăn dẫn đến việc chậm trả lương. Nhưng đây đó vẫn còn những đơn vị vì lợi ích riêng đã nợ hoặc chậm trả lương cho người lao động, ảnh hưởng đến cuộc sống của người làm công ăn lương. Vì thế, quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý, cũng như ràng buộc về hành chính để DN thể hiện trách nhiệm hơn với người lao động trong vấn đề trả lương.

Riêng việc trả lương, DN đã quy định ngày trả lương trong tháng. Các DN tuyển dụng lao động bảo đảm thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Lao động về hợp đồng lao động, BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, môi trường làm việc thông thoáng. Định kỳ, DN tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, tăng lương theo các nghị định của Chính phủ và theo quy định riêng của DN…

Tuy nhiên, xử lý việc chậm trả lương nói trên không hề đơn giản. Để ràng buộc việc trả thêm tiền theo quy định nếu chậm trả lương trên 15 ngày để bảo vệ quyền lợi người lao động cần sự quan tâm sát sao của các ngành chức năng liên quan.

Việc trả lương còn thể hiện văn hóa của DN với người lao động. Trả lương đúng hẹn, đúng ngày quy định còn thể hiện uy tín và chữ tín của chủ DN, đơn vị sử dụng lao động.

Đặc biệt, tiền lương còn thể hiện chính sách đãi ngộ của DN đối với người lao động. Vì thế, giải pháp để hạn chế tình trạng chậm trả lương lại là giải quyết tốt chế độ tiền lương, chăm lo tốt đời sống người lao động. Ở những đơn vị chăm lo tốt đời sống người lao động thì họ sẽ yên tâm gắn bó với DN, cống hiến hết mình, làm việc hăng say, góp phần tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm. Quan tâm chăm lo đời sống người lao động, giúp cho nguồn lao động ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngày càng phát triển, sẽ tạo thêm lợi nhuận giúp DN có điều kiện giải quyết tốt chế độ tiền lương đối với người lao động.

 VĂN HIỆP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên