Dòng người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với lòng tiếc thương vô hạn

Cập nhật: 19-03-2018 | 21:01:00

Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại tư gia được tổ chức từ ngày 17 đến hết ngày 19-3 để người thân, bà con, họ hàng cùng các đoàn thể, tổ chức đến viếng. Trong những ngày qua, dòng người dân TP.Hồ Chí Minh cũng như khu vực lân cận cùng đại diện các địa phương, đoàn thể, tổ chức đã đến thắp hương kính viếng đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ tại tư gia ở ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh.

 

 Các vị cao niên xếp hàng đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại tư gia

 Dòng người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong sự tiếc thương vô hạn

Trong dòng người đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có người gần, người xa, người từng làm việc, người từng gặp gỡ... Trước linh cữu, họ cúi đầu thắp nén nhang tiễn biệt vị nguyên Thủ tướng trong sự kính trọng và tiếc thương vô hạn. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người con ưu tú của dân tộc. Gần 9 năm giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhìn nhận với vai trò người có tư tưởng cải cách, hội nhập. Trong tâm thức của nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn được đánh giá cao, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam trong những năm tháng khó khăn của thời kỳ đầu hội nhập và mở cửa.

 Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

“Đến trước đợt anh Sáu Khải lâm trọng bệnh, tôi vẫn thường hay về Củ Chi thăm anh. Ảnh lớn tuổi hơn, lại yếu hơn tôi nên cứ mỗi một, hai tháng tôi lại ghé thăm ảnh. Tôi có một kỷ niệm thân thương với anh Sáu Khải là hồi tôi bị bệnh nặng, anh nghe đâu có bác sĩ giỏi, thuốc hay đều chỉ ngay cho tôi. Và tôi cũng thường gửi thuốc men cho ảnh và người con bị bệnh. Anh yếu rồi, nhưng ý kiến vẫn sắc bén lắm. Gần đây, anh quan tâm nhiều về đạo đức xã hội, quan tâm chuyện tại sao đất nước phát triển tốt hơn lại sinh ra nhiều tệ nạn, tội phạm đau lòng quá như thế!”.

Đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh chia sẻ trong bài viết trên báo Tuổi trẻ rằng: “Ðể kể những kỷ niệm và những điều học tập được từ một nhân cách lớn, một tấm lòng sắt son vì nước, vì dân như Anh Sáu thì không biết bao nhiêu giấy bút, bao nhiêu lời văn cho đủ. Chỉ có thể nói ngắn gọn rằng, đó là một nhà lãnh đạo tài ba, với tư duy vượt trước thời đại, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; một người lãnh đạo hết lòng, hết sức lo toan cho cuộc sống của nhân dân; một người con ưu tú của dân tộc, của Nam bộ, Sài Gòn - Gia Ðịnh - TP.Hồ Chí Minh hồn hậu chân tình, một đồng chí thân thương, chí tình chí nghĩa và một người luôn hết lòng tri ân những thế hệ đi trước, hết lòng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Còn trong ký ức người dân xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người sống bình dị, gần gũi và hết lòng giúp đỡ người dân khi gặp khó khăn. Bên cạnh những giọt nước mắt tiếc thương trong lễ viếng là sự tự hào, yêu thương của người dân xã Tân Thông Hội và người dân các địa phương khác đối với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bởi lối sống bình dị, gần gũi.

Đình Tân Thông ở Tân Thông Hội (Củ Chi) là nơi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gắn bó thời thơ ấu và những năm tháng cuối đời. Là nguyên thủ quốc gia về hưu nhưng đồng chí sống một cuộc sống thật bình dị, gần dân, hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn từ công ăn việc làm đến con đường học tập. Không chỉ vậy, từ khi về hưu, nguyên Thủ tướng cũng thường xuyên ra đình Tân Thông uống trà, đàm đạo với những cao niên trong làng. Cũng từ những buổi uống trà đàm đạo, nghe những câu chuyện về các hoàn cảnh khó khăn, nguyên Thủ tướng lại tìm cách giúp đỡ.

Ông Nguyễn Văn Hưng (76 tuổi), người dân trong xã kể lại, một trong những công trình mà người dân xã Tân Thông Hội nhớ nhất của nguyên Thủ tướng là việc giúp bà con xây lại đình Tân Thông. Ngôi đình này là nơi ghi nhớ những dấu ấn lịch sử, về cuộc cách mạng nhân dân Tân Thông ngày xưa. Xót ngôi đình bị tàn phá, nên suốt từ năm 1996 tới năm 1998, đồng chí đã xin cây và trực tiếp trồng để khôi phục lại mảng xanh trong đình. Sau đó, đồng chí tiếp tục vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng và chính thức hoàn thành việc cất lại vào năm 2010.

Trong sự biết ơn và luyến tiếc vị nguyên Thủ tướng, bà Nguyễn Thị Bước, nguyên Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Thông Hội 2, hồi tưởng: “Ông hay nói với chúng tôi rằng trong chiến tranh Củ Chi là đất thép, nhân dân đồng lòng đánh đuổi giặc, giờ chúng ta phải làm sao để xứng đáng với điều đó. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhân dân Củ Chi, từ người già đến trẻ nhỏ”. Trường Mẫu giáo Tân Thông Hội 2 là ngôi trường đầu tiên ở huyện Củ Chi được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải giúp đỡ xây dựng theo mô hình bán trú. Sau 20 năm, ngôi trường này đã trở thành đơn vị Anh hùng lao động.

Ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, người sống gần gũi, thân tình với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhất có lẽ là ông Nguyễn Văn Khỏe (86 tuổi, Trưởng ban Di tích lịch sử đình Tân Thông), bởi ông là bạn học thuở thiếu thời và khi về già là người cùng đàm đạo bên bàn trà với nguyên Thủ tướng. Lật lại những trang kỷ yếu, nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên từ thời còn cắp sách đến trường, ông Khỏe bật khóc khi kể lại những câu chuyện về nguyên Thủ tướng...

Với người dân xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cũng như nhân dân cả nước, sự ra đi của đồng chí Phan Văn Khải là một niềm tiếc thương vô bờ, là mất mát to lớn. Đồng chí không chỉ là nguyên thủ quốc gia mà còn là người sống hết lòng vì dân, vì quê hương đất nước...

 Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ bắt đầu từ 8 giờ ngày 20-3 đến hết ngày 21-3

 Tối 19-3, linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được di quan từ nhà riêng ở xã Tân Thông Hội (Củ Chi) về hội trường Thống Nhất (Q.1, TP.Hồ Chí Minh). Đoàn di quan đi theo QL.22 đến đường Trường Chinh- Cộng Hòa - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - hội trường Thống Nhất.

Linh cữu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về đến hội trường Thống Nhất (Q.1, TP.Hồ Chí Minh) lúc 20 giờ. Tại đây, lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ bắt đầu từ 8 giờ ngày 20-3 đến hết ngày 21-3. Lễ truy điệu sẽ được tổ chức trọng thể lúc 7 giờ 30 phút ngày 22-3 tại hội trường Thống Nhất. Lễ an táng sẽ được tổ chức lúc 11 giờ cùng ngày tại quê nhà ông, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Cùng thời gian này, tại Trung tâm hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong (Q.Ba Đình, Hà Nội) cũng diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Các lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp. Trong hai ngày quốc tang (20 và 21-3-2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên