Du lịch Khu di tích lịch sử: Cần khai thác hiệu quả

Cập nhật: 25-12-2015 | 08:50:09

 Bình Dương là một trong những cái nôi của cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các di tích như Địa đạo Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi, Chiến khu Đ… đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng quốc gia. Tuy vậy, việc phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử cách mạng của địa phương hiện chưa phát triển mạnh như mong muốn.

 Cần sự kết nối

Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 12 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh. Riêng di tích lịch sử cách mạng có 4 di tích cấp quốc gia. Đây là yếu tố tạo nền tảng vững chắc để Bình Dương trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, qua khảo sát của các công ty du lịch tại Bình Dương cho thấy, các tour du lịch gắn với di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Đại diện Đất Việt Tour cho biết, hiện công ty chỉ có tour cố định Địa đạo Tam giác sắt - Nhà tù Phú Lợi cho khách tại Bình Dương, nếu có nhu cầu tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng khác công ty mới xây dựng tour theo yêu cầu của khách.

Theo các chuyên gia, tỉnh Bình Dương cần đầu tư đồng bộ các di tích lịch sử cách mạng để thu khách du lịch. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên tham quan khu di tích Địa đạo Tam giác sắt (TX.Bến Cát). Ảnh: HOÀNG PHẠM

Ông Ngọc Hán, ở xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng nói: “Tôi thường ghé thăm Nhà tù Phú Lợi. Tuy nhiên, ở đây các dịch vụ phục vụ khách tham quan chưa tốt; cụ thể là khi khát nước không biết mua ở đâu”.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Giám đốc Bình Dương Travel cho rằng, Bình Dương không thiếu địa điểm du lịch về nguồn. Tuy nhiên, hiện nay các di tích lịch sử cách mạng chưa thu hút được du khách vì thiếu sự kết nối đồng bộ giữa các đơn vị lữ hành, các điểm tham quan và đơn vị lưu trú. Bên cạnh đó, các điểm di tích chủ yếu trưng bày, giới thiệu những sự kiện lịch sử mà thiếu các tiện ích đi kèm.

Đổi mới để phát triển

Để phát triển lĩnh vực du lịch, Bình Dương đã có nhiều đề án, quy hoạch như: Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020; Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... “Nhằm tạo thuận lợi cho du khách, sở đã phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo các di tích theo hướng khu du lịch về nguồn, sinh thái để giúp du khách cũng như người dân tham quan, học tập, vui chơi, giải trí... Tiêu biểu như khu di tích cách mạng vàdu lịch sinh thái HốLang (TX.Dĩ An); khu di tích Địa đạo Tam giác sắt (TX.Bến Cát); Khu di tích Nhà tù Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một)...”, ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tới đây trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh thiết kế những tour kết hợp giữa điểm du lịch của tỉnh với các di tích lịch sử cách mạng; thiết kế tour du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm để thế hệ trẻ hiểu được truyền thống đấu tranh của cha ông.

“Để những di tích lịch sử cách mạng này đến được với công chúng, thiết nghĩ bên cạnh việc đầu tư kinh phí trùng tu hàng năm, chúng ta cần phải có kế hoạch phát triển đúng hướng, tuyên truyền sâu rộng và lâu dài bằng nhiều hình thức, phương tiện thông tin đại chúng. Có như vậy những di tích lịch sử cách mạng này mới có thể “sống” được”, ông Hùng nói.

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong năm 2015, tổng lượt khách du lịch đến Bình Dương ước đạt 3,8 triệu lượt; trong đó có 167.000 lượt khách quốc tế và trên 3,6 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu ngành du lịch của tỉnh ước đạt hơn 900 tỷ đồng.

 

 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên