Du lịch trải nghiệm làng nghề: Cần định hướng, đầu tư để phát triển hơn

Cập nhật: 26-10-2020 | 08:01:49

 Bình Dương là vùng đất có nhiều nghề thủ công truyền thống lâu đời nổi tiếng như gỗ, gốm sứ, sơn mài, mây tre lá... Các sản phẩm nghề truyền thống không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn chứa đựng những giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật có thể khai thác, kết hợp để phát triển những hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị...

 Khách tham quan và tham gia trải nghiệm làm sơn mài tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Sơn mài Định Hòa

 Trải nghiệm thú vị cho du khách

Có dịp về với vùng đất Bình Dương, du khách sẽ ngỡ ngàng trước những sản phẩm đồ gia dụng vừa bình dị, mộc mạc nhưng cũng rất độc đáo, khéo léo được làm từ mây tre đan. Theo chân những người làm công tác du lịch địa phương, chúng tôi ghé thăm Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc ở khu phố Khánh Hội, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Hầu hết những sản phẩm ở đây đều được làm thủ công, do những người thợ lâu năm là người dân địa phương làm nên. Sản phẩm cũng khá đa dạng, phong phú về chủng loại, từ các bình hoa, khay chưng trái cây, rổ rá, bàn, đôn ghế, đèn trang trí, sọt đựng đồ đến các loại giỏ xách, bóp, mũ nón...

Từ nhiều năm qua, sản phẩm của công ty Thành Lộc không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, các tỉnh, thành trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Đến đây, du khách không chỉ được tận tay lựa chọn, mua những sản phẩm ưng ý mang về, mà còn có thể tìm hiểu, có thêm những trải nghiệm thú vị về những công đoạn sản xuất các mặt hàng mây tre đan tại cơ sở này.

Một trong những nghề có truyền thống lâu đời và đang phát triển mạnh trên đất Bình Dương hiện nay đó là gốm sứ. Nếu có dịp về với Bình Dương, dọc theo đại lộ Bình Dương đoạn qua TP.Thuận An, du khách sẽ thấy có rất nhiều cửa hàng, cơ sở bày bán các sản phẩm gốm sứ. Những công ty gốm sứ nổi tiếng trên đất Bình Dương như Cường Phát, Minh Long... đều có phòng trưng bày các mặt hàng để giới thiệu, bán cho khách có nhu cầu. Cùng với đó, ở TP.Thủ Dầu Một hiện nay vẫn còn lưu giữ một lò lu cổ có tuổi đời khoảng 180 năm và đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, đó là lò lu Đại Hưng ở phường Tương Bình Hiệp. Nơi đây hiện còn duy trì sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt, như: lu hũ, khạp... theo phương pháp thủ công truyền thống. Ông Bùi Văn Giang, chủ lò lu Đại Hưng, cho biết thời gian qua lò lu Đại Hưng đã tiếp rất nhiều người dân, học sinh, sinh viên và đoàn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Điều mà mọi người thích thú nhất khi đến đây là được tận mắt nhìn thấy một lò gốm cổ còn giữ lại những nét xưa và tham gia trải nghiệm làm các sản phẩm.

Ông Trương Hoàn Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài Định Hòa, cho biết trong thời gian qua, sơn mài Định Hòa đã có những hoạt động xúc tiến làm sơn mài kết hợp du lịch trải nghiệm. Khách hàng khi đến cơ sở tham quan, có thể tham gia làm những sản phẩm sơn mài theo sở thích của mình và mang về. “Ban đầu, hoạt động này đã thu hút khách tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ rất thích thú khi tự mình làm nên những sản phẩm sơn mài để mang về làm kỷ niệm. Chúng tôi cũng đang kết nối với những công ty lữ hành để có thêm khách du lịch tham gia. Sau này, chúng tôi sẽ phát triển thêm nhiều mẫu mã đa dạng cho khách dễ chọn lựa...”, ông Nguyên nói.

Cần quan tâm hơn nữa

Một trong những tin vui đối với làng nghề truyền thống trên đất Bình Dương đó là làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã được UBND TP.Thủ Dầu Một quan tâm đầu tư qua đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một”. Với quỹ đất xây dựng khu làng nghề gần 6 ha, những người làm nghề sơn mài Tương Bình Hiệp rồi đây sẽ có một nơi sản xuất, kinh doanh khang trang, bảo đảm vệ sinh môi trường và khắc phục được tình trạng nhà xưởng lụp xụp, sản xuất manh mún như trước đây. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh, cho biết sau khi khu làng nghề được xây dựng xong không chỉ tạo cơ hội gắn kết các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển, mà còn tạo ra bước đột phá mới, tạo diện mạo mới cho làng nghề. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp chắc chắn sẽ vững bước đi lên, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa địa phương và làm đòn bẩy phát triển kinh tế, du lịch.

Thông tin liên hệ: Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương. Địa chỉ: Số 239, đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Điện thoại: (0274)3 855 636. Website: www.dulichbinhduong.org.vn Email: ttxtdl@binhduong.gov.vn

Ngoài sơn mài Tương Bình Hiệp đã được quan tâm và có đề án phát triển, Bình Dương còn một số nghề truyền thống khác có nhiều tiềm năng khai thác để phát triển du lịch cũng cần quan tâm định hướng tương tự. Ông Phạm Hồng Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết trong thời gian qua ngành du lịch nói chung, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh nói riêng đã triển khai một số hoạt động nhằm phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh. Trung tâm đã phối hợp với các phương tiện truyền thông để quảng bá, giới thiệu về các nghề truyền thống địa phương như gốm sứ, mây tre đan, guốc gỗ, sơn mài... Trung tâm cũng đã xây dựng một ấn phẩm riêng về du lịch làng nghề để giới thiệu đến khách du lịch gần xa. “Những hoạt động này không chỉ thu hút nhiều khách tham gia trải nghiệm, mà còn tạo sự hấp dẫn để mời gọi, thu hút khách du lịch đến với địa phương”, ông Thi nói.

Mặc dù đã được quan tâm hỗ trợ trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với du khách gần xa, nhưng theo ông Thi, để du lịch gắn với làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, những nghề truyền thống khác cũng cần có những đề án tương tự như làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Ông Thi cho rằng, nếu làm được như vậy, các cơ sở sản xuất sẽ được tập trung hơn, các doanh nghiệp trong quá trình phát triển cũng có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau và việc kết hợp phát triển du lịch cũng trở nên thuận lợi hơn.

 Nhắc đến làng nghề truyền thống trên đất Bình Dương xưa có lẽ ai cũng biết đến làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp với tuổi đời hàng trăm năm. Dù có những lúc thăng trầm và gặp nhiều khó khăn, nhưng với những nét độc đáo và đặc sắc riêng có, những sản phẩm của làng nghề này vẫn có một chỗ đứng nhất định và tồn tại đến ngày nay. Thời gian gần đây, một số cơ sở sản xuất sơn mài ở Tương Bình Hiệp cũng đã bắt đầu quan tâm kết hợp với du lịch để giới thiệu sản phẩm đến với nhiều người hơn.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên