Đưa các anh về… ! - Bài 3

Cập nhật: 21-04-2015 | 08:44:37

Bài 3: Đất mẹ ru anh giấc ngủ ngàn thu…

Sau trận đánh không cân sức, hơn 100 người con ưu tú phần lớn đến từ miền Tây Nam bộ thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Và hôm nay, sau 50 năm, đất mẹ Dầu Tiếng lại ôm các anh vào lòng trong niềm tiếc thương, mừng mừng tủi tủi của thân nhân, đồng chí, đồng đội và đồng bào. Nơi các anh ngã xuống, yên nghỉ sẽ mãi là vùng đất anh hùng. Và vùng đất ấy hôm nay đã hồi sinh, thay đổi từng ngày. Đất mẹ trong ngày thái bình, thịnh vượng lại ru các anh giấc ngủ ngàn thu…!

Trở lại với nhân dân…

Trong những ngày này, vùng đất Dầu Tiếng anh hùng đang hòa mình trong không khí của “Đất nước trọn niềm vui”. Đâu đó có sự chộn rộn, trang nghiêm để chuẩn bị cho ngày trọng đại đón hơn 100 liệt sĩ của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Dầu Tiếng. Trong không khí bồi hồi, xúc động, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó ban liên lạc Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 (đoàn Đồng Xoài) cho biết, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 thuộc Bộ Tư lệnh Miền được thành lập ngày 22-12-1964 trên cơ sở Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 từ miền Tây Nam bộ cơ động, đưa lên chiến trường miền Đông Nam bộ lấy tên là Trung đoàn Lộc Ninh, hiện nay là Trung đoàn 2, Sư đoàn 4, Quân khu 9. Kể từ đó cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sư đoàn 9 luôn gắn bó máu thịt với vùng đất Dầu Tiếng. Bản thân ông cũng vậy, trong những năm kháng chiến ác liệt đã gắn bó với mảnh đất này, thuộc từng tấc đất. Và hôm nay đây, mỗi khi trở lại Dầu Tiếng, với các cựu chiến binh của Sư đoàn 9 năm xưa, cứ như trở về nhà, trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ông Hà nói: “Mặc dù cảnh vật đã khác xưa, nhiều đồng ruộng đã thành vườn cao su. Từng mảnh rừng đã biến thành khu dân cư sầm uất... Nhưng với chúng tôi mọi thứ vẫn cứ như từng cọng cỏ, ngọn cây của ngày hôm qua. Và quên sao được, trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, người dân Dầu Tiếng đã nuôi sống chúng tôi…”. Vâng! Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa…!

Hài cốt các liệt sĩ được tập hợp tại thực địa đào tìm. Ảnh: THANH LIÊM

Từ sự gắn bó máu xương đó, sau ngày về hưu, các thành viên trong Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 đã tìm về, móc liên lạc với C64 Dầu Tiếng (bao gồm cả lực lượng vũ trang và an ninh Dầu Tiếng). Thỉnh thoảng, họ lại có dịp gặp gỡ, giao lưu... Và mỗi lần như thế, cái nghĩa, cái tình đồng chí, đồng đội cứ vững bền mãi mãi. Đó cũng chính là cơ duyên để tìm ra 4 mộ chôn tập thể các liệt sĩ đã vùi sâu trong lòng đất gần 50 năm qua.

Tự hào lắm thay!

Sáng nay, hơn 100 hài cốt liệt sĩ thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền đã anh dũng hy sinh ngày 21-11- 1965 ở Làng 10, Dầu Tiếng sẽ được đưa về truy điệu và an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Dầu Tiếng. Với các cựu chiến binh, những đồng chí, đồng đội năm xưa thì đây là một niềm cảm xúc vô bờ bến. Ông Nguyễn Thanh Hà xúc động nói: “Dầu Tiếng là một huyện anh hùng. Từ thân phận của những người công tra: Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng, đã biến các đồn điền cao su trở thành những lò lửa đấu tranh kiên cường của bao lớp công nhân lao động. Từ những năm 1930, hàng trăm công nhân các làng bỏ việc, đưa ra yêu sách như không được cho công nhân ăn gạo lức, gạo ẩm, cá thối, không được đánh đập công nhân... Mặc dù bị đàn áp, bị bắn chết nhưng công nhân không khuất phục. Càng về sau, các cuộc đình công của công nhân cao su Dầu Tiếng càng dày đặc hơn, với quy mô lớn hơn. Từ những phong trào đấu tranh ấy đã sản sinh ra những “hạt giống đỏ”, những công nhân trung kiên đi đầu trong phong trào đấu tranh. Và cuối năm 1936, Chi bộ Cộng sản Dầu Tiếng trực thuộc Thành ủy Sài Gòn được thành lập gồm các đồng chí Văn Công Khai, Nguyễn Văn Tiết, Đặng Dân và Đinh Công Toàn. Đây là một bước ngoặt lịch sử của phong trào công nhân ở đây. Từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng thông qua chi bộ đồn điền. Âm vang của phong trào công nhân Dầu Tiếng vẫn còn vang mãi khi đêm 24-8-1945 lịch sử, công nhân cao su Dầu Tiếng, nông dân xã Định Thành mà nòng cốt là lực lượng Thanh niên Tiền phong, lực lượng tự vệ công nhân do đồng chí Trần Văn Lắc lãnh đạo nhất tề nổi dậy. Trên tay dù chỉ tầm vông vạt nhọn, xà beng, giáo mác nhưng đoàn người cứ thế tiến vào nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cao su, các cơ sở sản xuất, nhà chủ, sếp, xu cai… của bọn chủ Tây mà đến.

Ông Nguyễn Thanh Hà nhìn nhận, tiếp nối truyền thống đó, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với Bến Cát, Củ Chi, Dầu Tiếng đã trở thành căn cứ kháng chiến của cách mạng, căn cứ xây dựng lực lượng, căn cứ hậu cần của các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy của Quân khu 7, Khu Sài Gòn - Gia Định và nhiều đơn vị, địa phương. Với vị trí quan trọng đó, Dầu Tiếng anh hùng đã được nhuộm bằng máu, bằng xương của bao thế hệ người đi trước. Bao tên đất, tên người còn mãi vang danh... Đặc biệt sau thất bại ở Bình Giã năm 1964 báo hiệu chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ có nguy cơ thất bại, đến trận Đồng Xoài, Ba Gia mùa hè năm 1965, chiến lược Chiến tranh đặc biệt bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã đẩy nhanh việc đưa ồ ạt quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ vào miền Nam nước ta tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ với mục tiêu “Tìm diệt - Bình định-Đánh gãy xương sống Việt cộng”. Lúc bấy giờ, Dầu Tiếng là địa bàn cửa ngõ án ngữ phía tây bắc Sài Gòn và là địa điểm cầu nối giữa Chiến khu Đ với Trung ương Cục miền Nam. Do đó, địch tập trung ra sức bình định và đánh phá phong trào cách mạng ở vùng đất này rất ác liệt nhằm đẩy lùi lực lượng vũ trang của ta để giành lại thế chủ động.

Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch tiến công Bàu Bàng - Dầu Tiếng, nhằm tiêu hao sinh lực, phá kế hoạch hành quân “tìm diệt” của địch, phối hợp với chiến trường toàn miền Nam chống chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ. Vì vậy, chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng nổ ra và giành thắng lợi được ví là “quả đấm thép” trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ, không chỉ làm thay đổi cục diện chiến trường mà còn hình thành một phương án tác chiến mới đối với quân đội Mỹ, đó là “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”. Từ những chiến công đó, Dầu Tiếng đã viết nên bản hùng ca trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Các anh ơi! Hãy yên lòng. Nơi các anh ngã xuống đã thành đất, thành làng. Và nơi các anh yên nghỉ, cùng các anh sẽ vẫn mãi xứng danh anh hùng…

* Ông Tạ Xuân Thu, nguyên chiến sĩ quân dân y, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 nói về vùng đất Dầu Tiếng oai hùng năm xưa: “Bom cày, đạn xới đã biến mảnh đất hiền lành thành những chiến trường đặc mùi thuốc súng và cũng chính nó đã biến những anh dân cày chân chất, những người công nhân cạo mủ hiền lành thành những chiến sĩ quả cảm bảo vệ quê hương kiên cường nhất. Từng lũy tre làng tỏa bóng mát cho trẻ chăn trâu cũng làm giặc run sợ vì biết đâu nơi đó đang ẩn chứa nòng súng chĩa vào quân thù hay dưới nơi ấy biết đâu là hm ngm, địa đạo…”.

* Ông Nguyễn Văn Hạnh, người tận mắt chứng kiến cảnh địch chôn xác các anh và cũng là người trực tiếp tham gia quy tập hài cột liệt sĩ chia sẻ cảm xúc: “Các anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ! Thấy từng kỷ vật, nắm xương là chúng tôi không kiềm chế được cảm xúc. 35 chiếc dép cao su, những chiếc bi đông, chai đèn dầu vànhững mảnh dù mục nát đã theo các anh đến tận cùng cuộc chiến vệ quốc vĩ đại này. Tất cả sẽ là vô giá! Làng 10, Du Tiếng, nơi các anh ngxuống giờ đang tỏa bóng cao su xanh ngát cả một vùng trời…”.

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên