Đưa tình yêu âm nhạc dân tộc vào trường học

Cập nhật: 21-03-2019 | 09:12:24

“Âm nhạc dân tộc tuy khó mà dễ. Nếu như người dạy biết cách truyền cảm hứng cho người học, thì ai cũng có thể học và chơi tốt, từ đó sẽ có nhiều người hiểu biết về bộ môn này, góp phần phát huy những giá trị tuyệt vời của âm nhạc dân tộc”. Đó là những chia sẻ đầy tâm huyết của NNƯT Phạm Ngọc Phú về truyền dạy âm nhạc dân tộc trong các trường học ở Bình Dương.

Tình cờ gặp NNƯT Phạm Ngọc Phú trong một buổi họp mặt, chúng tôi đã có dịp được ông chia sẻ những cảm xúc và mong mỏi về công tác bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của nghệ thuật đờn ca tài tử. NNƯT Phạm Ngọc Phú kể, vừa rồi ông ôm cây đờn cò cùng các nghệ nhân đờn gạo cội như: Hai Vĩnh (đờn kìm), Vũ Thanh (đờn ghi-ta), Hoàng Thuận (đờn tranh), Minh Kiều (đờn bầu) và Chí Hải (đờn sến) và một số tài tử ca đã về trường Tiểu học Dĩ An C giới thiệu về âm nhạc dân tộc. Buổi giới thiệu tuy chỉ có hơn một giờ đồng hồ, nhưng đã phần nào gieo vào lòng các em học sinh và các thầy cô giáo những tình yêu ban đầu rất đẹp với bộ môn âm nhạc dân tộc.

Các nghệ nhân đờn hướng dẫn học sinh trường Tiểu học Dĩ An C thực hành

Chương trình được lồng ghép trong buổi sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai của trường, bao gồm: Giới thiệu một số bài bản đơn giản trong đờn ca tài tử như: Kim tiền Huế, Ngũ điểm bài tạ, vọng cổ nhịp 32… tiếp theo đó là phần thuyết minh và độc tấu thị phạm cho các em về các loại nhạc cụ và sự hòa quyện của các cây đờn khi hòa tấu. NNƯT Phạm Ngọc Phú bộc bạch: “Điều khiến chúng tôi bất ngờ và phấn khởi nhất là vừa giới thiệu, vừa thị phạm bằng nhạc cụ các bài bản nhỏ, hơn 1.900 em học sinh đã vỗ tay theo nhịp rất đúng. Qua đó cho thấy, các em học sinh hiểu nhịp rất tốt, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc học âm nhạc dân tộc”.

Lý giải về sự thành công của của chương trình, ông Phú cho hay: “Chắc có lẽ do sự phối hợp âm sắc của dàn đờn (7 cây) với sự biểu diễn tài tình của các nghệ nhân gạo cội trong giới đờn ca tài tử ở TX.Dĩ An nên chương trình đã cuốn hút và đem lại nhiều hứng khởi cho các em học sinh và cả các giáo viên của trường”. Cũng theo ông Phú, đối với những em học sinh tiểu học, chúng ta nên giới thiệu những kiến thức cơ bản để các em hiểu vận điệu những bài bản nhỏ, để các em hiểu từ từ. Từ đó chỉ ra những vận điệu đó xuất phát từ những chữ đờn hò - xự - xang - xê - cống. Sắp tới, ngành văn hóa TX.Thuận An sẽ đưa đờn ca tài tử vào giới thiệu tại một số trường học trên địa bàn như: Tiểu học Phú Long, THPT Trịnh Hoài Đức…

Đưa đờn ca tài tử vào trường học giảng dạy là rất cần thiết nhưng chúng ta cần chắt lọc những kiến thức thật phù hợp với từng lứa tuổi của các cấp học, để lan tỏa sâu rộng tình yêu nghệ thuật truyền thống đến các em học sinh trong tỉnh. Thiết nghĩ, những chương trình giới thiệu âm nhạc dân tộc như thế này cần được nhân rộng nhiều hơn.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên