Đừng chủ quan trước cơn bão khó lường…

Cập nhật: 25-12-2017 | 08:50:59

Bão Tembin, trưa và chiều tối hôm qua (24-12) quần thảo dữ dội trên vùng biển đảo Trường Sa của Việt Nam. Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20 - 25km/giờ). Đến 16 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao 8 - 10m.

Những thông tin khẩn cấp về diễn biến khó lường của cơn bão Tembin đang hướng vào Việt Nam, đặt các tỉnh, thành ven biển từ Bình Thuận đến Cà Mau trong vùng nguy hiểm của bão gió. Như lường trước những khó khăn, nguy hiểm phải đối mặt, ngay từ ngày 23-12, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng của bão. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các tỉnh, thành triển khai phòng chống với tinh thần đối phó với cấp độ rủi ro cấp 5 - cấp thảm họa.

Bão mạnh, diễn biến khó lường, cấp độ rủi ro cao và yêu cầu phòng chống với tinh thần cao nhất có thể không gì khác hơn là nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản có thể xảy ra khi bão đổ bộ vào đất liền. Tinh thần đó chắc chắn phải được duy trì đối với các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng cho đến khi bão tan. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát lại các phương án phòng chống, di dời khẩn cấp người dân ở vùng có khả năng cơn bão đi qua. Nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết với khu vực các tỉnh, thành ven biển miền Nam người dân có ít kinh nghiệm phòng chống bão, dễ bị tổn thương về tính mạng, tài sản, bởi vậy phải nâng tinh thần phòng chống lên cấp cao nhất.

Chuẩn bị đối phó với bão Tembin, người dân trong vùng không thể quên cơn bão Linda 20 năm trước, cơn bão đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.000 người cùng thiệt hại nặng nề về tài sản. Không thể quên bài học đau thương đó để tích cực phòng chống, không một phút lơ là, chủ quan, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu cơn bão đổ bộ vào đất liền. Không chỉ các tỉnh, thành ven biển, các tỉnh, thành từ Bình Thuận trở vào, kể cả các tỉnh, thành Đông Nam bộ cũng phải chủ động đối phó, đề phòng mưa bão gây sập nhà, tốc mái, hư hại cây trồng, vật nuôi… rất có thể xảy ra. Thiên tai là khó lường, vậy nên nêu cao tinh thần phòng chống gần như là bắt buộc.

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên