Đừng nghĩ răng sữa rồi sẽ thay...

Cập nhật: 26-05-2012 | 00:00:00

Ghi nhận tại khoa Răng Hàm Mặt, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM), chấn thương răng ở trẻ em là một tình trạng cấp cứu rất hay gặp. BS Lưu Đình Trứ, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt (BV Nhi Đồng 2) cho biết nhiều phụ huynh nghĩ rằng, răng sữa sau này sẽ thay nên vấn đề chấn thương răng sữa là không quan trọng nên không quan tâm nhiều đến vấn đề điều trị và đã để lại những hậu quả đáng tiếc cho trẻ. 

Trẻ ở độ tuổi nào xảy ra chấn thương răng?

Trẻ em dưới 3 tuổi, đặc biệt là trẻ 1 tuổi khi trẻ bắt đầu tập đi. Chấn thương răng sữa ở trẻ thường xảy ra ở nhà hoặc tại nhà trẻ, trường học. Khi trẻ đi, chạy, đùa giỡn có thể xảy ra va đập hoặc té ngã làm cho răng bị chấn thương. Trẻ trai bị chấn thương răng nhiều hơn trẻ gái vì trẻ trai hay nghịch ngợm, hiếu động hơn. Chấn thương thường gặp ở xương hàm trên hay hàm dưới. Các răng cửa giữa của trẻ là bị chấn thương nhiều nhất.

Chấn thương răng sữa, răng vĩnh viễn có thể gây nên những hậu quả: sung huyết tủy răng; chảy máu tủy răng; vôi hóa tủy (là tình trạng buồng tủy, ống tủy bị bít kín dần); tủy răng bị hoại tử; tiêu chân răng; các loại di chứng trên mầm răng vĩnh viễn, thân răng sẽ bị đổi màu vàng nâu, thiếu sản men răng, thân răng, chân răng bị tách đôi, rối loạn mọc răng...

 Những triệu chứng nào cho thấy trẻ bị chấn thương răng?

Khác với người lớn, vì xương ổ răng của trẻ em còn mềm, hệ thống dây chằng quanh răng lỏng lẻo hơn, do vậy khi có chấn thương răng thì răng ít bị gãy hơn so với người lớn nhưng hay bị lung lay, di lệch sang bên, lún vào bên trong xương hàm hoặc rơi ra ngoài huyệt ổ răng.

Nếu răng bị gãy thì cũng có rất nhiều kiểu khác nhau: có thể gãy thân răng, chân răng hoặc cả thân và chân răng, tùy theo mức độ, vị trí gãy mà nha sĩ có phương pháp điều trị khác nhau. Khi trẻ bị va đập, té ngã, nếu có chấn thương răng thì hiếm khi chỉ có chấn thương răng đơn thuần mà thường có tổn thương niêm mạc hoặc xương ổ răng kèm theo. Niêm mạc môi, miệng, xương ổ răng có thể bị va đập sưng nề hoặc rách, chảy máu với nhiều mức độ khác nhau tùy tình huống tai nạn. Ngoài ra cũng có thể có gãy xương hàm, trật khớp thái dương hàm hoặc các chấn thương khác đặc biệt như mắt, tai mũi họng, sọ não kèm theo.

Cha mẹ phải làm gì khi trẻ bị chấn thương răng?

Các loại chấn thương răng đều ít hoặc nhiều hay chảy máu tại chỗ. Vì vậy việc đầu tiên cha mẹ cần làm là phải cầm máu cho trẻ bằng miếng gạc sạch tẩm oxy già, ép sát vào vùng răng bị chấn thương hoặc cho trẻ tự tay cầm miếng gạc, vệ sinh vùng xung quanh chấn thương bằng nước sạch.

Nếu là răng vĩnh viễn bị rơi ra khỏi xương ổ răng, rửa nhẹ nhàng với nước lạnh, nước muối sinh lý cho sạch các chất dơ (không được chà rửa răng). Cầm răng bằng gạc tẩm nước muối sinh lý, cho vào sữa tươi hoặc cho trẻ ngậm vào miệng trong thời gian đến bác sĩ nha khoa để được trồng lại vào xương ổ răng. Lưu ý là đem đến bác sĩ càng sớm càng tốt để tủy và mạch máu được tái lập dễ dàng.

MINH CHÂU (Ghi theo tài liệu khoa Răng Hàm Mặt - BV Nhi Đồng 2)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên