Đừng thờ ơ với an toàn lao động

Cập nhật: 25-03-2015 | 08:23:02

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) tỉnh, tai nạn lao động (TNLĐ) năm 2014 tăng cả số vụ lẫn số người chết. Nguyên nhân TNLĐ phần lớn vẫn do lỗi của hệ thống quản lý và người lao động (NLĐ). Để hạn chế TNLĐ cần sự vào cuộc quyết liệt từ hệ thống quản lý, NLĐ, coi đây là nhiệm vụ chứ không phải chuyện “hên xui”.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh thăm, kiểm tra dây chuyền sản xuất, môi trường làm việc tại Công ty TNHH Đông Hưng (TX.Dĩ An)

“Nóng” TNLĐ

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN, tuần này, UBND tỉnh sẽ tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà những nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNLĐ nghiêm trọng. Trong danh sách nạn nhân bị TNLĐ được thăm, tặng quà đợt này, có nhiều trường hợp mất sức lao động chỉ do một phút lơ là trong công việc. Đây cũng là bài học thức tỉnh NLĐ chú tâm vào công việc, người sử dụng lao động phải xây dựng môi trường làm việc an toàn, bảo đảm.

Như trường hợp anh L.V. D, SN 1978, công nhân (CN) Công ty TNHH Quốc tế Đức An (TX. Tân Uyên) làm dư luận xôn xao một thời gian dài về sự bất cẩn. Khoảng tháng 3-2013, anh D. (tổ trưởng cơ điện) nhờ một CN dùng xe nâng hàng nâng lên nóc nhà xưởng để sửa mái tôn bị dột. Không chú ý, anh đạp lên miếng tôn nhựa bị bể và rơi xuống phía dưới, phần ngực vào máng sắt. Kịp thời đưa lên bệnh viện, nhưng anh đã chết trên đường đi.

Cái chết của anh L.V.T, SN 1969, CN Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Đức Nhân (TX.Tân Uyên) đã để lại nỗi đau cho gia đình, bạn bè. Tại khu vực cắt tinh trực thuộc phân xưởng tinh chế 2 của Công ty TNHH SX-TM-DV Đức Nhân, anh T. vận hành máy cắt 2 lưỡi để cắt tấm gỗ dày 3cm theo kích thước (88x38cm). Sau khi cắt xong tấm gỗ, trong lúc chưa kéo bàn trượt lùi về sau, anh T. gạt công tắc. Lúc này, tấm gỗ đụng vào lưỡi cưa bên trái máy cắt văng ra ngoài khiến anh bị thương nặng. Quản lý, CN trong xưởng nhanh chóng đưa anh T. đến Phòng khám Đa khoa Thái Hòa nhưng không kịp. Anh đã chết để lại vợ và hai đứa con nhỏ.

Con số thống kê của Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ- PCCN một lần nữa gióng lên “hồi chuông” báo động về TNLĐ. Cụ thể năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ TNLĐ chết người, tăng 8 vụ so với năm 2013; làm 33 người chết, tăng 8 người. Riêng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thống kê tất cả số vụ TNLĐ nhẹ, nghiêm trọng con số lên đến 894 vụ, số người bị nạn 896 người (tăng 62 vụ và 63 người bị nạn so với năm 2013). Các nghề, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người là sản xuất, xây dựng, vận tải. Yếu tố gây chấn thương, chết người cao do điện giật, ngã cao, sạt lở, vật rơi, máy móc…

Chăm lo an toàn cho người lao động

Việc để xảy ra các vụ TNLĐ, các ngành chức năng có liên quan đã thẳng thắn nhìn nhận mấu chốt, trước tiên vẫn là yếu tố con người. Theo bà Huỳnh Thị Hồng Thu, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia của tỉnh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nguyên nhân dẫn đến TNLĐ về phía người sử dụng lao động không huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ về ATLĐ cho NLĐ, không có quy trình, biện pháp ATLĐ; tổ chức LĐ, thiết bị không bảo đảm an toàn, không có thiết bị an toàn, không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ do nhận thức hạn chế, chủ quan nên vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, cũng như xử phạt nghiêm các doanh nghiệp (DN) không thực hiện công tác bảo hộ lao động trong DN, thanh tra Sở LĐ-TB&XH cũng đã tiến hành thanh, kiểm tra 93 lượt DN, kiến nghị 315 thiếu sót về an toàn vệ sinh lao động. Qua kiểm tra, nhiều DN vi phạm đã bị xử phạt với số tiền hơn 411 triệu đồng. Ngành LĐ-TB&XH cũng đã tổ chức 6 lớp tập huấn ATLĐ cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác ATLĐ tại DN; hỗ trợ tập huấn ATLĐ tại 10 DN. Ông Ngô Xuân Lãm, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, thường xuyên tư vấn, đôn đốc DN, cơ sở thực hiện nghiêm các quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nhằm ngăn chặn các vụ TNLĐ; đồng thời xử lý nghiêm đối với các vi phạm về pháp luật lao động. Bên cạnh đó, đổi mới và đa dạng các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATLĐ cho các DN, cơ sở, đặc biệt quan tâm đến DN vừa và nhỏ; các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như xây dựng, khai thác khoảng sản, sử dụng điện, cây dựng, hóa chất; khu vực kinh tế tư nhân, các khu chợ thương mại, sản xuất nông nghiệp”.

Ông Bùi Thanh Nhân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết thêm, việc chăm lo an toàn cho NLĐ không chỉ thực hiện trong tuần lễ phát động mà phải làm liên tục, lâu dài. Đối với LĐLĐ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở trực thuộc phối hợp với cơ quan chuyên môn đồng cấp và sử dụng lao động hưởng ứng tuần lễ; tham gia tuyên truyền phổ biến rộng rãi, tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệm thực hiện văn hóa ATLĐ nơi làm việc; thăm, động viên công nhân bị TNLĐ. LĐLĐ tỉnh còn chuẩn bị tổ chức hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi năm 2015, qua đó giúp NLĐ, DN hiểu để bảo vệ an toàn cho bản thân, mọi người xung quanh.

• THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết
Tags
LĐ-TB&XH

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên