Đường lớn đã mở…

Cập nhật: 30-04-2020 | 07:03:17

45 năm sau giải phóng, Bình Dương đã đổi thay không ngừng. Cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới giao thông ngày càng được mở rộng, nâng tầm. Từ đó mở ra cơ hội, góp phần tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua…

 Hạ tầng giao thông Bình Dương ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Trong nh: Tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (nối dài) kết nối trung tâm TP.Thủ Dầu Một với thành phố mới Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

Sức bật từ hạ tầng giao thông

Ngược dòng thời gian hơn 20 năm khi mới tái lập, rất dễ để hình dung về một vùng đất còn nhiều gian khó. Nhưng với những bước đi chiến lược, cùng cơ chế chính sách phù hợp đã giúp Bình Dương hôm nay vươn lên mạnh mẽ, trở thành một tỉnh công nghiệp, đô thị khang trang, hiện đại và thân thiện. Ông Lê Đức Phong, ngụ khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, TP.Dĩ An chia sẻ: “Bình Dương bây giờ so với ngày xưa khác nhiều lắm. Chỉ trong vòng hơn 20 năm trở lại, những con đường, khu công nghiệp, khu dân cư mới, rồi nhà cao tầng đua nhau mọc lên san sát. Đời sống của người dân bây giờ ai cũng khấm khá, được hưởng thụ cuộc sống sung túc, đủ đầy”.

 Theo thống kê của Sở GT-VT, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 7.421km đường giao thông, trong đó có 3 tuyến quốc lộ gồm 1A, 1K và 13 dài 77km; các tuyến quốc lộ đã hoàn thành đầu tư nâng cấp, mở rộng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 14 tuyến đường tỉnh với chiều dài 449km; các tuyến đường huyện và đường đô thị đã nhựa hóa đạt từ 80 - 94%.

Nhận định kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò nền móng, là tiền đề hết sức quan trọng trong phát triển đô thị, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Chính vì vậy, Bình Dương đã tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Một trong những quyết sách quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Đến nay, đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13) đã trở thành điểm nhấn nổi bật về kiến trúc đô thị và phát triển công nghiệp - dịch vụ của tỉnh. Tiếp đó, Bình Dương đã huy động các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống giao thông, trong đó tập trung vào các công trình giao thông tạo lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, như đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn, công trình nâng cấp mở rộng đường ĐT743, đường 7A ở TX.Bến Cát, cầu Ông Cộ, đường ĐT744…

Giờ đây, những làng quê nghèo xưa kia đang nhường chỗ cho những đô thị mới, nông thôn mới. Người dân bên bờ sông Đồng Nai của hiện tại, ít ai nghĩ một ngày nào đó sẽ có cây cầu lớn Bạch Đằng được kết nối như một sợi dây vững chắc kéo du khách đến với cù lao xanh mát ẩn mình trong những vườn cây ăn trái sum suê, trĩu quả. Cầu Phú Long mới được đi vào sử dụng cũng đã mở ra diện mạo mới để Bình Dương “gần hơn” với Sài Gòn, cũng mở ra cho Bình Dương nói chung và đô thị Thuận An nói riêng nhiều vận hội.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, ngụ tại ấp Phú Hội, xã Vĩnh Phú, TP.Thuận An, cho biết là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tôi cũng không thể hình dung được những đổi thay mà các dự án giao thông mang lại, bởi Thuận An ngày trước chỉ xoay quanh trục quốc lộ 13 thì nay đã có thêm rất nhiều con đường chủ lực, nhất là cầu Phú Long mới thênh thang, rộng lớn này, đã giúp rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa Bình Dương với Sài Gòn.

Chắp cánh cho sự phát triển

Nhờ vào hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, Bình Dương trở nên vô cùng hấp dẫn và tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư. Hầu hết các doanh nghiệp đều có cái nhìn chung rất khả quan dành cho Bình Dương bởi môi trường đầu tư thuận lợi, có sự hậu thuẫn đắc lực từ mạng lưới giao thông, hàng hóa luôn bảo đảm có điều kiện vận chuyển tốt nhất.

Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), cho biết sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, hệ thống giao thông của Bình Dương đã mở rộng và ngày càng khang trang, hiện đại. Nhận thức tầm quan trọng trong việc “đi trước mở đường”, những năm qua, ngành GT-VT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hàng loạt dự án giao thông quan trọng, tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư đến với Bình Dương, nhất là các nhà đầu tư FDI, góp phần thúc đẩy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp tục đưa Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Những tuyến đường giao thông chủ lực của tỉnh, vừa làm nhiệm vụ phục vụ phát triển công nghiệp, vừa kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố mới Bình Dương; đồng thời kích thích chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế các đô thị phía nam của tỉnh từ công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn sang công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Có thể thấy, sự thay đổi, đột phá của các địa phương như Bến Cát, Bàu Bàng, Tân Uyên... về phát triển công nghiệp và đô thị đã giúp cải thiện đáng kể mức thu nhập của người dân nơi đây. Hiện nay, Bình Dương đang quyết tâm xây dựng thành phố thông minh, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông càng được lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn hết.

Để tiếp tục tạo nên sự chuyển biến tích cực trong bộ mặt đô thị, năm 2020, Bình Dương thu hút rất nhiều dự án nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 đoạn từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần và nhánh rẽ cầu vượt Sóng Thần; nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến ngã tư Địa Chất; đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh...

Ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng kết quả kinh tế - xã hội mà Bình Dương đạt được trong giai đoạn vừa qua có sự đóng góp rất lớn từ “bệ phóng” giao thông. Đường mới liên tục mở ra làm cho hệ thống giao thông của tỉnh từng bước hoàn thiện, hiện đại, góp phần quan trọng vào định hướng phát triển kinh tế. Tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm về giao thông cũng giúp Bình Dương sau 24 năm phát triển đã đạt tới tốc độ đô thị hóa 82% với 3 thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An; 2 thị xã: Bến Cát, Tân Uyên và 4 huyện. Việc xây dựng thành phố mới Bình Dương là một trong những điểm nhấn quan trọng để thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư cho tỉnh, đồng thời hình thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, góp phần tạo điểm nhấn quan trọng, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp.

 Đối với hệ thống hạ tầng GT-VT đường bộ, Bình Dương tập trung đầu tư kết nối vùng công nghiệp với đô thị trong tỉnh, như: Đường có quy mô 8 làn xe dẫn vào Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh; đường 7A có 6 làn xe, kết nối các khu công nghiệp, đô thị tại vùng nam Bến Cát với đô thị Mỹ Phước; tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối các đô thị, khu công nghiệp phía bắc với các đô thị, khu công nghiệp phía nam của tỉnh, mở ra hành lang vận chuyển hàng hóa theo trục xương sống Bắc - Nam song hành với quốc lộ 13. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận cảng Thị Vải, sân bay Long Thành trong tương lai. Kết hợp phát triển giao thông “đối ngoại”, gắn kết đa chiều với các tỉnh thành trọng điểm về kinh tế, như: Mở rộng Quốc lộ 13 từ 6 lên 8 làn xe, đại lộ Mỹ Phước- Tân Vạn - Nhơn Trạch, xây dựng cầu Thủ Biên (trục vành đai hướng Đông - Tây, kết nối các huyện phía bắc Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai), tuyến đường ĐT747, 746, 745....

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên