EU thực hiện chương trình giám sát giày mũ da xuất khẩu: Thách thức mới cho ngành giày da Việt Nam

Cập nhật: 07-10-2011 | 00:00:00

Từ 1-4-2011, mức thuế chống bán phá giá giày da Việt Nam vào EU đã được tháo bỏ, các doanh nghiệp (DN) giày da đã không còn chịu mức thuế chống bán phá giá 10% kéo dài trong suốt 4 năm qua. Điều này đã đem lại cho ngành giày da vị thế cạnh tranh công bằng khi xuất khẩu vào EU vói các nước có ngành công nghiệp giày da lớn trong khu vực như Ấn Độ, Băng La Đét, Thái Lan, Campuchia. Tuy nhiên, hiện EU vẫn áp dụng chương trình giám sát với giày mũ da Việt Nam trong vòng 1 năm.  Dù thuế chống bán phá giá được EU tháo bỏ nhưng xuất khẩu giày da vào thị trường này vẫn còn nhiều thách thức. Trong ảnh: Sản xuất giày da xuất khẩu tại Thái Bình Shoes Group

Vẫn còn nguy cơ

Ông Võ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, nhìn nhận, khi gỡ bỏ thuế chống bán phá giá với giày da Việt Nam, EU cũng còn lo ngại xuất khẩu giày da nói riêng và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung sẽ tăng mạnh trở lại. Chính vì vậy mà EU vẫn tiếp tục thực hiện chương trình giám sát hàng nhập khẩu, đặc biệt là đối với giày da Việt Nam.

Theo đó, EU sẽ căn cứ vào các số liệu thống kê để giám sát về giá cả xem có còn nguy cơ bán phá giá hay không; giám sát về tốc độ tăng trưởng giày da của Việt Nam vào thị trường EU cũng như nguồn gốc xuất xứ để ngăn ngừa các DN nhập khẩu vào Việt Nam, rồi qua đó xuất sang EU để hưởng chênh lệch thuế chống bán phá giá giữa nước thứ 2 với Việt Nam và EU. Do đó, xuất khẩu giày da vào EU vẫn còn đó những nguy cơ. Vì vậy, nếu các DN giày da Việt Nam không có những cách ứng xử hợp lý thì sau 1 năm thực hiện chương trình giám sát, nếu EU đưa ra những chứng cứ cho thấy dấu hiệu bán phá giá thì việc áp thuế chống bán phá giá là hoàn toàn có thể tái thiết lập như 4 năm trước đây, thậm chí EU có thể mở cuộc điều tra chống bán phá giá mới, đồng nghĩa với đó là mức trừng phạt sẽ nặng nề hơn, mức thuế chống phá giá còn cao hơn mức 10% như trước đây.

Lo ngại về nguy cơ trên, ông Phú khuyến nghị, trước tình hình này, các DN giày da Việt Nam cần phải có nhận thức toàn diện, sâu sắc và chi tiết các chương trình giám sát của EU đang thực hiện, qua đó có những cách ứng xử hợp lý. Để giảm thiểu nguy cơ giày da Việt Nam bị áp chống bán phá giá trở lại cũng như phải đối mặt với những cuộc điều tra mới của Ủy ban châu Âu, theo ông Phú, các DN cần phải hết sức lưu ý các định hướng như: không vì thuế chống bán phá giá được tháo bỏ mà các DN đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bằng những đơn hàng có số lượng lớn nhưng giá trị xuất khẩu không cao. Thay vào đó, các DN nên chú đến các đơn hàng ít về số lượng nhưng lại có giá trị cao hơn để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Các DN cũng cần phải đa dạng hóa thị trường, thay vì chỉ tập trung vào thị trường EU, nên có sự tìm hiểu, khai thác các thị trường Đông Á (Nhật, Hàn), Mỹ latinh, Bắc Mỹ... để phân bổ sản lượng giày da của Việt Nam, phòng ngừa nguy cơ đối mặt với thuế chống bán phá giá từ EU.

Ngoài ra, các DN còn hết sức phải lưu ý một điều là phải tạo ra sự khác biệt của giày da Việt Nam với giày da từ Trung Quốc như tạo ra các DN sản xuất giày gia thân thiện với môi trường, gắn trách nhiệm xã hội cho DN, sở hữu trí tuệ... để tạo ra sự nhận diện sản phẩm hợp lý hơn đối với người tiêu dùng EU. Trước đây, EU cho rằng, giày da giữa Việt Nam với Trung Quốc là giống nhau, cho nên khi họ điều tra chống bán phá giá là họ làm chung. Do vậy, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm giày da Việt Nam là rất cần thiết...

Doanh nghiệp cần liên kết

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, các DN cần phải liên kết chặt chẽ với nhau để nắm được những thông tin cần thiết về các số liệu giày da xuất khẩu vào EU để kiểm soát tốt tình hình xuất khẩu, tránh tăng trưởng “nóng” ở thị trường này. Các DN cũng cần liên kết với các nhà nhập khẩu EU để nắm được phản ứng của thị trường xuất khẩu một cách kịp thời; đồng thời giải thích với người tiêu dùng châu Âu cũng như các nhà chức trách, sản xuất nội địa hiểu rằng Việt Nam không bán phá giá.

Một điều hết sức quan trọng nữa được Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh: Các DN, hiệp hội giày da cần phải giám sát lẫn nhau để tránh trường hợp giày da xuất khẩu sang EU của Việt Nam được nhập khẩu từ nước thứ 3 để tránh thuế chống bán phá giá từ nước sở tại. Nếu để trường hợp này xảy ra và bị phát hiện, EU sẽ áp dụng những chế tài rất hà khắc đối với giày da Việt Nam. Vì vậy, tránh trường hợp để con sâu làm rầu nồi canh, hiệp hội, các DN giày da phải giám sát nhau hết sức chặt chẽ về sản lượng với năng lực xuất khẩu của từng DN. Nếu thấy có sự gia tăng đột biến về sản lượng xuất khẩu của một DN nào đó, cần thông báo với hiệp hội cũng như cơ quan quản lý Nhà nước để phối hợp xem xét, qua đó trình với  EU để nếu có sai phạm thì cũng chỉ DN đó bị trừng phạt chứ không để anh hưởng đến toàn ngành giày da của Việt Nam.

Theo ông Phú, hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương đã đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo sớm đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu. Cụ thể, hệ thống đang thực hiện cảnh báo thường kỳ mỗi quý 1 lần đối với 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày da, dệt may, đồ gỗ, thủy hải sản... tại 5 thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có EU, dựa trên các số liệu phân tích về kim ngạch xuất khẩu vào từng thị trường, dựa trên giá thành đơn vị từng sản phẩm và một số thông tin định tính khác bao gồm cả phản ứng từ các thị trường nhập khẩu, tin đồn. Do đó, DN cũng cần truy cập vào hệ thống này để cập nhật các thông tin cảnh báo, qua đó có những kế hoạch ứng phó, điều phối sản lượng xuất khẩu kịp thời, giảm thiểu nguy cơ đối mặt với các cuộc điều tra chống bán phá giá từ nước ngoài.

 

Doanh nghiệp cần chuyển hướng đơn hang

 

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da Việt Nam cho rằng, DN đừng vui mừng quá vội vì nguy cơ giày da bị áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu vào thị trường EU vẫn còn nguyên vẹn với chương trình giám sát đặc biệt đối với giày da Việt Nam trong vòng 1 năm...

 

Ông Kiệt cho biết, việc EU tháo bỏ chống bán phá giá là một điều hết sức thuận lợn cho các DN giày da Việt Nam vì đây là một thị trường truyền thống của giày da Việt Nam. Trước đây, khi chưa bị áp thuế chống bán phá giá (2007), Việt Nam xuất khẩu tới 70% sản lượng giày da vào thị trường này. Sau khi bị áp thuế chống phá giá, sản lượng giày da vào EU chỉ còn khoảng 50%. Do đó, khi rào cản thương mại này được tháo bỏ sẽ giúp cho xuất khẩu giày da vào EU tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, khi xúc tiến xuất khẩu giày da vào EU thì các DN cũng cần phải tính toán vì EU cũng đã bỏ thuế chống bán phá giá với giày da từ Trung Quốc. Trước đây, giày gia Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá thấp hơn mức EU áp với giày da từ Trung Quốc, 10% so với 16,5%, nên có lợi thế cạnh tranh với giày da Trung Quốc. Nay các DN xuất khẩu sang EU đã không còn lợi thế này. Song song đó, EU vẫn tiếp tục chương trình giám sát xuất khẩu đối với giày mũ da của Việt Nam khi xuất khẩu vào châu Âu trong vòng 1 năm. “...Đây không chỉ là một chương trình làm cho có mà là một lời răn đe với các DN Việt Nam vì nếu sản lượng xuất khẩu giày da Việt Nam vào EU tăng nhanh về sản lượng với giá giảm nhanh thì EU sẽ áp mức trừng phạt mới mà không cần bất kỳ một cuộc điều tra nào cả với mức thuế cao hơn, thời gian lâu hơn. Do đó, đây là một thách thức không nhỏ đối với các DN giày da Việt Nam trong thời gian tới...”, ông Kiệt nhìn nhận.

Để tránh nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá lần 2, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da Việt Nam Diệp Thành Kiệt cho rằng, DN cần phải chuyển hướng sản xuất những đơn hàng có giá trị cao, thay vì những đơn hàng ở mức thấp vì một trong những nguyên nhân giày da Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá là do các DN trước nay đều sản xuất các đơn hàng thấp về giá trị, nghĩa là sản lượng nhiều nhưng giá trị thấp. Mặt khác các DN không nên tập trung quá vào 1 thị trường; không nên bắt tay với DN Trung Quốc trong việc nhập giày da vào rồi xuất sang EU...

ĐÀM THANH

 

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên