Festival Gốm sứ Bình Dương - Việt Nam 2010: Nơi hội tụ của “Thế giới sắc màu”

Cập nhật: 28-08-2010 | 00:00:00

Kỳ 1: Hội tụ đất phương Nam

Nằm trong chuỗi lễ hội quốc gia chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tỉnh Bình Dương được Chính phủ chọn là nơi tổ chức Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 với chủ đề “Thế giới sắc màu”. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất, nghệ nhân gặp gỡ, giao thương, trao đổi kinh nghiệm mà còn là sự kiện văn hóa lớn hội tụ mọi tầng lớp nhân dân, bè bạn quốc tế và cũng là dịp để cộng đồng DN, con người Bình Dương “khoe sắc, khoe tài” về truyền thống sản xuất - kinh doanh, hội nhập quốc tế.

Gốm sẽ được trưng bày tại FestivalSự kiện duy nhất phía Nam hướng về Thăng Long 1.000 năm

 Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - Trưởng đại diện phía Nam Nguyễn Lực: Người Nhật đã đúc kết “Trà đạo Nhật Bản phát triển trên nền tảng gốm sứ Việt Nam”

Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản nổi tiếng thế giới, nhưng người Nhật vẫn thừa nhận “Trà đạo Nhật Bản phát triển trên nền tảng gốm sứ Việt Nam”.  Điều này hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn giao lưu thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam qua thương cảng Hội An là minh chứng. Theo các học giả Nhật Bản, chính những tác phẩm gốm sứ của Việt Nam đã giúp người Nhật sáng tạo, hoàn thiện nghệ thuật Trà đạo. Giao lưu văn hóa để phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư là con đường ngắn nhất kết nối chúng ta lại với nhau.

 Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương Lý Ngọc Minh: Có sự tham gia của quốc tế mới thấy mình cần phải làm gì?

Lễ hội là dịp để DN, nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm, năng lực của mình, nên ai cũng lựa chọn món hàng, tác phẩm tốt nhất, đẹp nhất, tinh xảo nhất để trưng bày, giới thiệu phục vụ khách tham quan, tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Vì vậy có sự tham gia của quốc tế thì DN trong nước mới có điều kiện nhìn nhận lại mình mạnh chỗ nào để phát huy, yếu chỗ nào để khắc phục hoặc hợp tác đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất.

Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Đoàn Nam Sinh, một người mê nghiên cứu về gốm cổ cho biết: “Gốm gắn liền với cuộc đời con người, từ khi mới sinh ra đã dùng miểng sành để cắt rốn, đến khi từ giã trần gian thì dùng mộ chum để an táng. Ở đâu có sự sống, ở đó có gốm. Gốm không chỉ gắn liền với đời sống con người mà gốm còn gắn liền với các con sông. Sông càng lớn, càng dài thì sức phát triển của gốm càng mạnh, nét văn hóa, nghệ thuật của gốm ở đó càng cao. Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 là “cơ hội ngàn năm” để những người làm gốm trên cả nước có dịp gặp mặt, giới thiệu sản phẩm, thành tựu của mình và Bình Dương một lần nữa được chứng minh năng lực với cả nước sau thành công về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư”.

Ông Nguyễn Văn Tấn - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phía Nam khẳng định: “Gốm sứ là quốc hồn quốc túy, là đặc trưng của văn hóa dân tộc, mỗi nơi một nét riêng, là vấn đề lớn của xã hội, là đề tài hấp dẫn của các nhà khoa học lẫn doanh nghiệp. Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và là sự kiện duy nhất phía Nam được tổ chức tại Bình Dương bởi nhiều lý do: Bình Dương là vùng đất mở giàu tiềm năng, là địa chỉ nổi tiếng về gốm sứ và cũng là chiếc nôi lưu trữ, phát triển văn hóa dân tộc đó là gốm sứ”.

Lễ hội mang tầm quốc tế

Đây là câu hỏi và cũng là chủ đề thảo luận sôi nổi giữa các thành viên Ban tổ chức lễ hội. Có ý kiến cho rằng, lần đầu tiên một lễ hội quốc gia được tổ chức tại Bình Dương, tuy là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nhưng Bình Dương vẫn còn rất mới mẻ và chưa có kinh nghiệm tổ chức lễ hội lớn nên rất khó mở rộng ra quốc tế! Hơn nữa trong điều kiện kinh tế thế giới vừa ra khỏi khủng hoảng, cộng đồng DN còn đang loay hoay với việc khắc phục khó khăn... nên chưa an tâm mở rộng ra tầm quốc tế”!Chia sẽ với những lo toan đầy trách nhiệm, có cơ sở và rất chính đáng của chủ nhà, ông Nguyễn Lực, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Trưởng đại diện phía Nam lý giải: “Kinh tế thế giới suy thoái, khủng hoảng đồng nghĩa với các nền sản xuất lớn cũng khủng hoảng, chao đảo, nhưng công việc kinh doanh, hội nhập thì không thể dừng lại. Việt Nam là nước ổn định chính trị, an toàn xã hội, ít bị ảnh hưởng bởi tác động của suy thoái kinh tế, nên là dịp để chúng ta quảng bá, thu hút sự quan tâm của thế giới, cũng là thời cơ để tiếp cận, nắm bắt cơ hội làm ăn của cộng đồng DN, nên không phải băn khoăn lo lắng”. Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Quốc tế - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Ngọc Định cũng cùng quan điểm: “Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia có nền công nghệ cao, kỹ thuật sản xuất gốm sứ thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới. Nhưng không vì những lý do đó mà chúng ta mất tự tin, bởi mục tiêu của chúng ta là giao lưu để hội nhập, không giao lưu va chạm với người mạnh, người giỏi thì bao giờ mình mới tiến bộ. Hơn nữa, chúng ta có lợi thế của người chủ nhà là mời bạn đến để trưng bày, giới thiệu sản phẩm chứ không được bán, vì chi phí vận chuyển quá cao, nên bạn chỉ cần mang đến lễ hội những sản phẩm độc đáo nhất, đặc trưng nhất để mọi người chiêm ngưỡng, học tập và tìm hiểu công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, chúng ta còn mời thêm Campuchia, Lào, là những người láng giềng thân thiết để có thêm bạn đồng hành. Bình Dương đã ghi dấu ấn rất tốt về kinh tế trong thời kỳ đổi mới thì đây là cơ hội để Bình Dương tiếp tục tạo ấn tượng đẹp về văn hóa với cả nước và bạn bè quốc tế”. (Còn tiếp)

DUY CHÍ

Festival Gốm sứ  Việt Nam - Bình Dương 2010 mang tên “Thế giới sắc màu” với chủ đề “Gốm sứ Việt Nam truyền thống, bản sắc và phát triển”. Festival diễn ra từ ngày 2-9 đến 9-9-2010 với nhiều hoạt động, biểu diễn nghệ thuật thời trang với chủ đề “Vũ điệu gốm sứ”, giao lưu văn hóa văn nghệ, xúc tiến thương mại, hội thảo khoa học được sân khấu hóa do nghệ sĩ Lê Quý Dương làm Tổng đạo diễn, nhằm chào mừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đặc biệt là sự kiện duy nhất phía Nam chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Các di chỉ khảo cổ cho thấy Bình Dương từng là một công xưởng sản xuất gốm sứ gắn liền với 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai. Di chỉ Cù lao Rùa (Thạnh Hội - Tân Uyên), di chỉ khảo cổ tại trang trại ông Ba Chiến (Tân Định), di chỉ khảo cổ xã Đất Cuốc (Tân Uyên)... được xem là “cha đẻ” của ngành gốm sứ Bình Dương hiện đại.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên