Gác lại niềm riêng, xông pha vào “tâm dịch”

Cập nhật: 28-07-2021 | 08:28:40

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, rất nhiều quân nhân đã gác lại nỗi niềm riêng tư, những khó khăn về hoàn cảnh gia đình để lên đường thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu. Trung úy Trần Văn Tráng, y sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (được điều động tăng cường tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại TP.Thuận An) và vợ là chị Nguyễn Thị Thanh Phương, dược sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh là một trường hợp như thế.

 Trung úy Trần Văn Tráng, y sĩ Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 thực hiện nhiệm vụ test nhanh Covid-19 cho người dân TP.Thuận An

 Yêu nghề, tận tâm vì sức khỏe cộng đồng

Là một trong số 40 cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ của Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 được điều động tăng cường tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại TP.Thuận An, hàng ngày trong bộ đồ bảo hộ kín mít, anh Trần Văn Tráng cùng đồng đội đi lấy bệnh phẩm ở các khu phố từ sáng sớm và trở về địa điểm nghỉ ngơi vào tối muộn, có khi làm việc thâu đêm. Làm việc với cường cộ cao, di chuyển liên tục, tiếp xúc trực tiếp với các mẫu bệnh phẩm, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng với sự tận tâm, lòng yêu nghề, vì cộng đồng, vì sức khỏe của nhân dân, anh cùng các đồng đội luôn cố gắng hết mình để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi gặp Tráng khi anh đang cùng tổ công tác cần mẫn “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc trong từng khu phố, con hẻm, dãy nhà trọ… ở TP.Thuận An để kịp thời phát hiện những trường hợp F0, đưa đi cách ly, truy vết, khoanh vùng; đồng thời kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, công nhân lao động thực hiện tốt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Được biết, vợ của anh Tráng là chị Nguyễn Thị Thanh Phương, dược sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh. Chị cũng là một trong số y, bác sĩ được điều động tăng cường cho Bệnh viện dã chiến thu dung số 4, khu Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Con trai anh phải cai sữa mẹ khi chưa tròn một tuổi, hiện đang được gửi cho bà ngoại ở nhà chăm sóc trong khu nhà công vụ Sư đoàn 9. Nhiều lúc, tranh thủ lúc nghỉ trưa, anh Tráng hào hứng mang hình con trai đầu lòng của mình ra khoe với đồng đội.

Anh Tráng tâm sự: “Mặc dù cường độ công việc khá cao, dân cư đông, địa bàn rộng, anh em trong tổ công tác phải chia ca làm việc gần như suốt ngày đêm, cùng chạy đua với thời gian để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Những lúc giao ca, tranh thủ thời gian ít ỏi, tôi vừa gọi cho bà ngoại của cháu, ngắm nhìn con trai qua màn hình điện thoại rồi lại gọi điện động viên vợ cố gắng giữ gìn sức khỏe, an tâm công tác, chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh để gia đình lại được ở bên nhau”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Phương (bìa phải) miệt mài làm việc tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 4, khu Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh

Gác niềm riêng, hoàn thành nhiệm vụ

Có nỗi nhớ nào day dứt khôn nguôi hơn cha, mẹ nhớ con, chỉ muốn chạy thật nhanh về ôm con vào lòng cho thỏa thích. Nhưng vì nhiệm vụ chống dịch vẫn đầy cam go, vợ chồng anh Tráng phải nén lòng, gói ghém những nhớ nhung lại vì công việc chung. “Ai cũng chỉ mong dịch bệnh sẽ mau qua để gia đình nhanh chóng được đoàn tụ, sum vầy”, anh Tráng bộc bạch. Khi chúng tôi bày tỏ sự khâm phục đối với những hy sinh thầm lặng của hai vợ chồng, anh khiêm tốn giải bày: “Chống dịch là nhiệm vụ chung, cương vị nào, chức trách tới đâu mình phải cố gắng thực hiện cho tròn tới đó. Khó khăn cả nước chứ chả riêng gì mình anh ạ, chỉ mong sao người dân hiểu và ý thức hơn trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hợp tác khi chúng tôi tiếp cận làm nhiệm vụ”.

Khi tôi hỏi về hoàn cảnh xa cách, làm nhiệm vụ của hai vợ chồng, anh Tráng cười rồi nói: “Hiện tại, Bệnh viện dã chiến thu dung số 4 khu Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nơi vợ tôi được điều động tăng cường đang tiếp nhận và điều trị khá đông bệnh nhân nên rất vất vả. Hai vợ chồng làm nghịch ca nên không phải lúc nào cũng nói chuyện với nhau được”. Về phía chị Phương, khi chúng tôi liên hệ, chị cho biết công việc hàng ngày của chị là tiếp nhận, cấp phát thuốc men và vật tư y tế bảo đảm cho các bộ phận trong bệnh viện, đáp ứng kịp thời, hiệu quả cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện mới đi vào hoạt động thời gian chưa lâu, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều, số lượng bệnh nhân thì không ngừng tăng lên hàng ngày nên cường độ làm việc của đội ngũ y, bác sĩ ở đây càng tăng lên gấp bội. “Nhiều lúc nhìn những đứa trẻ trạc tuổi còn mình vô tư cười, nói, thậm chí thấy thích thú, nô đùa trong bộ đồ bảo hộ kín mít khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Các cháu còn quá nhỏ để hiểu hết sự hiểm nguy đang rình rập quanh mình, thậm chí có những cháu vào đây điều trị không có người thân đi cùng ngơ ngác, sợ hãi khi tiếp xúc với những người xung quanh. Các anh, chị và mọi người ở đây ngoài việc làm y, bác sĩ, còn thay nhau làm mẹ, làm cô, làm bạn cùng các cháu. Khó khăn là vậy, nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng, khắc phục khó khăn, tất cả vì người bệnh, quyết tâm chiến thắng đại dịch”, chị Phương bộc bạch.

Nói về chuyện gia đình, không giấu được cảm xúc dường như đã dồn nén từ lâu, chị Phương chia sẻ: “Vợ chồng tôi cưới nhau từ năm 2018 nhưng thời gian ở bên nhau rất ít, anh ấy là bộ đội quân y của một đơn vị chủ lực, thường xuyên trực vắng nhà. Tháng 6-2020, hai vợ chồng có con trai đầu lòng. Tháng 5-2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, tôi ở lại bệnh viện cùng đồng nghiệp chống dịch, đến tháng 7-2021 lại được cơ quan điều động tăng cường cho bệnh viện dã chiến, nên đành cai sữa sớm cho con, gửi lại cho bà ngoại chăm sóc để cùng nhau lên đường thực hiện nhiệm vụ”. Chị Phương kể, nhiều lúc tranh thủ thời gian rảnh, chị thường gọi video về chỉ để ngắm con cười. Có lúc, biết con sốt, ốm đau, quấy khóc bà ngoại cả đêm khiến chị thắt ruột gan. Những lúc như vậy, chị càng quyết tâm hơn, cùng đồng nghiệp và người bệnh vượt qua khó khăn trước mắt và sớm chiến thắng dịch bệnh để sớm trở về ôm con cho thỏa nỗi nhớ mong.

 Gia đình hạnh phúc của anh Tráng và chị Phương

Tham gia phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng nên dù nhớ, thương con nhưng hai vợ chồng anh Tráng, chị Phương đã sẵn sàng gác lại niềm riêng, cùng đồng đội, đồng nghiệp lên đường làm nhiệm vụ. Họ luôn xác định sứ mệnh của mình trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “chống Covid-19 là nhiệm vụ chiến đấu thời bình” đã thấm sâu trong suy nghĩ, hành động của họ...

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên