Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC:

Gắn liền logistics với phát triển công nghiệp - đô thị

Cập nhật: 14-05-2019 | 09:08:41

Phát biểu tại hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa được tổ chức tại Đồng Nai mới đây do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, cho rằng cần sớm có cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho vùng, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp - đô thị. Chính phủ, với vai trò lãnh đạo, có thể tập hợp những tập đoàn lớn, sắp xếp vào công việc, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện, cho cơ chế… Những doanh nghiệp chủ lực năng động này, khi được sự hỗ trợ của Chính phủ và địa phương sẽ trở thành động lực để thu hút nguồn lực quốc tế và trong nước. Đây là một phương thức được các nước xung quanh chúng ta áp dụng rất hiệu quả khi triển khai các dự án hạ tầng lớn: Chính quyền huy động và phân phối cho từng tập đoàn lo tài chính, lo xây dựng, lo vận hành, lo giao thông…

Theo ông, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có sân bay quốc tế Long Thành là công trình then chốt, vô cùng bức thiết. Nếu Chính phủ chủ trương kêu gọi nguồn lực doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ tạo được sức hút lớn, thúc đẩy dự án nhanh chóng và hiệu quả. Nghiên cứu chỉ ra rằng, ở Việt Nam chi phí cho logistics là gần 21% GDP, cao hơn nhiều so với Liên minh châu Âu (10%), Nhật Bản (11%) hay Thái Lan (18%). Bởi vậy, một trong những chìa khóa quan trọng nhất trong liên kết vùng hiện nay là cải thiện logistics, hình thành chuỗi cung ứng toàn vùng để tăng tính kết nối và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bởi thế, Bình Dương, mà cụ thể là Becamex IDC, đang chủ động nghiên cứu tuyến đường sắt chuyên dụng vận chuyển hàng hóa chung cho cả vùng. Trên cơ sở đó để triển khai các trung tâm kho vận, logistics lớn, giảm thời gian, giá thành vận chuyển, đặc biệt góp phần giảm áp lực lên đường bộ, giảm ách tắc, tai nạn giao thông, giảm lượng khí thải, bảo vệ môi trường…

Ông Hùng chia sẻ, từ kinh nghiệm các nước, đây được xem là hướng giải quyết khả thi và rất hiệu quả cho việc liên kết vùng nhưng rất cần có sự hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương để triển khai trước nền tảng, như công tác bồi thường giải tỏa, xây dựng đường sắt và tạo những cơ chế cho các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics.

MINH KHÁNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên