Gạo lứt dưỡng sinh

Cập nhật: 18-11-2012 | 00:00:00

Càng ngày, người ta càng nhận thấy rằng gạo lứt có giá trị dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật rất độc đáo

Ngoài vỏ ra, hạt thóc còn có 3 phần chính là lớp cám, phôi và nội nhũ. Nội nhũ chiếm phần lớn và chủ yếu là glucid có giá trị chính cung cấp năng lượng. Lớp cám và phôi tuy chỉ chiếm 10% hạt nhưng lại có tới 65% các chất giá trị nhất về mặt dinh dưỡng.

Hai phần này rất giàu hoạt chất sinh học tự nhiên như các loại vitamin B1, B2, B6, PP, E, acid folic, acid pantothenic, choline, biotin..., các vi khoáng, chất xơ, lignin; chứa khoảng 120 chất kháng ôxy hóa và hàng trăm hoạt chất hóa học tự nhiên khác vốn có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và trao đổi chất có liên quan đến sức khỏe của con người.

 Gạo lứt được xem là hạt toàn phần, nên khuyến khích sử dụng rộng rãi Phần phôi và cám gạo lứt cũng là nguồn giàu chất béo thực vật để sản xuất dầu cám vốn chứa rất nhiều omega-3 và acid omega-6 có vai trò ức chế và loại trừ các gốc tự do. Chính vì vậy, ngày 8-5-2008, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép gạo lứt được mang nhãn hiệu “hạt toàn phần” (Whole grain) có lợi cho sức khỏe, giúp phòng ngừa và hỗ trợ trị liệu bệnh tật.

Cũng như các loại ngũ cốc thông dụng khác, cách dùng gạo lứt đơn giản nhất là nấu cơm ăn hằng ngày. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu lực bổ dưỡng và phòng chống bệnh tật, đồng thời cũng để khắc phục tính chất khô khan, khó ăn của gạo lứt, người ta thường chế biến thành nhiều dạng khác nhau; đồng thời tìm cách phối hợp với các thực phẩm khác tạo thành những món ăn hấp dẫn và độc đáo. Dưới đây, xin giới thiệu một số công thức điển hình:

Bài 1:  Gạo lứt 500 g, lạc nhân 200 g, vừng đen 50 g, đường đỏ lượng vừa đủ. Tất cả đãi sạch, sấy khô rồi rang từng thứ cho chín thơm là được. Tiếp đó, đem giã hoặc xay vụn thành bột, trộn đều 3 thứ với nhau, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi lần lấy một lượng bột thích hợp hòa với nước sôi, khuấy đều thành dạng bột đặc, chế thêm đường đỏ, dùng làm đồ điểm tâm hằng ngày. Công dụng: Kiện tì ích vị, nhuận tràng.

Bài 2:  Gạo lứt 500 g, gạo tẻ thường 200 g, hồng táo 20 g. Gạo lứt đãi sạch, ngâm với nước qua 1 đêm. Gạo tẻ đãi sạch rồi trộn đều với gạo lứt cho vào nồi đun sôi, bỏ hồng táo và nấu đến chín là được, dùng làm cơm ăn hằng ngày. Công dụng: Bổ khí kiện tì, dưỡng huyết an thần.

Bài 3:  Gạo lứt 150 g, đậu hòa lan non 50 g, nước luộc gà lượng vừa đủ. Gạo lứt đãi sạch ngâm nước 2 giờ, đậu hòa lan rửa sạch. Hai thứ đem hấp cách thủy trong 20 phút rồi lấy nước luộc gà nấu chín thành cơm ăn hằng ngày. Công dụng: Kiện tì ích vị, bổ khí dưỡng huyết, lợi thủy tiêu thũng.

Bài 4:  Gạo lứt 100 g, gạo nếp 50 g, lệ chi nhục 40 g, long nhãn nhục 20 g, đường đỏ lượng vừa đủ. Gạo lứt đãi sạch ngâm nước 2 giờ, gạo nếp đãi sạch ngâm nước 1 giờ, long nhãn nhục và lệ chi rửa sạch. Cho gạo lứt và gạo nếp vào nồi đun sôi, bỏ long nhãn nhục và lệ chi vào nấu trong 40 phút là được. Công dụng: Kiện tì ích vị, dưỡng huyết an thần, nhuận tràng.

Bài 5:  Gạo lứt 500 g, đậu đỏ 60 g. Hai thứ đãi sạch, đem ngâm nước trong 2 giờ. Sau đó, cho đậu đỏ vào nồi, đổ một lượng vừa đủ nấu sôi trong 20 phút rồi cho gạo lứt vào nấu đến chín là được, dùng làm cơm ăn hằng ngày. Công dụng: Kiện tì ích vị, lợi thủy tiêu thũng.

Nên dùng hằng ngày

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, gạo lứt có tên gọi là thao mễ hay hạt sắc chi mễ, vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tì ích vị, dưỡng huyết nhuận tràng, thường được dùng dưới dạng nấu thành cơm ăn, rang chín hãm hoặc sắc lấy nước uống thay trà hằng ngày. Loại hạt toàn phần này nên được tìm hiểu và sử dụng rộng rãi.

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=400
Quay lên trên