Gặp gỡ những nhân chứng lịch sử

Cập nhật: 28-08-2013 | 00:00:00

Những ký ức về Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” được ôn lại khi chúng tôi gặp gỡ những nhân chứng lịch sử. Tuy không còn minh mẫn, nhưng ký ức về chiến tranh mãi mãi trường tồn trong mỗi người chiến sĩ năm xưa.

Vì hòa bình sẵn sàng hy sinh tất cả

Mảnh đất Bình Dương của một thời kháng chiến hiện về qua lời kể của ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1930, ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên). Ông sinh ra trong một gia đình có 8 anh em với truyền thống yêu nước nồng nàn. Là con út, trước ông đã có những người anh như ông Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Ta đã tham gia kháng chiến từ rất sớm. Do vậy, từ nhỏ ông Hùng đã mang trong mình dòng máu cách mạng và lòng căm thù giặc sâu sắc. Ngay từ những năm 1945-1948, ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Đến năm 1948, khi có chủ trương di tản dân vào rừng, với vai trò dân quân xã, ông mang trên mình nhiệm vụ bảo vệ cho nhân dân sinh hoạt, sản xuất, chống càn. Đến khi chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, ông chính thức thoát ly, trở thành bộ đội chính quy vào năm 1950.

Vợ chồng ông Trần Tấn Minh (phải) trao đổi về cuộc đời làm cách mạng với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tương Bình Hiệp

Ông tham gia đơn vị do ông Trần Công An chỉ huy, với lối đánh đặc công nổi tiếng khiến giặc phải khiếp sợ. Ông hào hứng kể: Bên cạnh trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên nổi tiếng, thời điểm đó, chúng tôi đánh rất nhiều đồn bót ở nhiều địa phương khác. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến là trận đánh thần tốc chiếm bót Trảng Bom trong một ngày vào tháng 7-1951 của lực lượng đặc công phối hợp cùng dân quân du kích tại Đồng Nai. Sau một thời gian nghiên cứu địa điểm, giờ giấc sinh hoạt của giặc, chúng tôi sử dụng 2 xe công nông chở gỗ bất ngờ tấn công bót Trảng Bom khiến giặc trở tay không kịp phải thất thủ. Trận đánh bất ngờ, quân ta đã thu về nhiều vũ khí, đạn dược cùng lương thực mà không phải hy sinh một ai.

Năm 1953-1954, là thời điểm gian khổ nhất khi ông cùng các đồng đội liên tục chống chọi trước sự càn quét của lượng lượng quân sự chuyên nghiệp của Pháp. Đặc biệt, lực lượng Comando thường xuyên ruồng bố vào ban đêm, đã gây nhiều tổn thất cho lực lượng cách mạng. Nhiều đồng đội của ông cũng đã ngã xuống, bản thân ông Hùng cũng đã nhiều lần vào sinh ra tử. Vừa cười ông nói: “Có lẽ do may mắn nên tôi mới còn sống đến tận bây giờ”.

Vào cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục phục vụ cách mạng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Trong quá trình chiến đấu, ông Hùng đã được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại. Trong đó, tiêu biểu là Huân chương Chiến thắng hạng 1, Huân chương Kháng chiến hạng 1…

Cùng dòng cảm xúc của một người cách mạng là, ông Trần Tấn Minh (SN 1930, xã Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một). Với những cách đánh sáng tạo cùng đồng đội, ông và quân dân Tương Bình Hiệp thể hiện tinh thần “Lấy yếu thắng mạnh”. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng ông đã dũng cảm trở thành chú bé liên lạc để đưa thông tin kháng chiến với nhân dân. Do giặc càn dữ dội, gia đình ông và nhiều gia đình khác trong xã lánh vào rừng làm nông và hoạt động cách mạng. Hàng ngày, cậu bé Minh hiên ngang đi đi về về giữa rừng và nhà dân để truyền tin. Trực tiếp chứng kiến cảnh quân thù giết hại nhân dân, chứng kiến sự anh dũng của chiến sĩ ta, ý chí chiến đấu vì quê hương trong ông như đuợc tiếp thêm “lửa”. Năm 1950, ông chính thức thoát ly để trở thành người chiến sĩ cách mạng. Sau nhiều trận đánh ác liệt, ông cùng đồng đội đã tiêu diệt được nhiều đồn bót của giặc. Ông Minh cho biết: “Tôi vẫn nhớ như in những ngày tham gia cách mạng. Mặc dù lực lượng mỏng nhưng quân dân Tương Bình Hiệp luôn một lòng hướng về cách mạng”.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1956 đến 1962, ông trở về miền Nam làm công tác ở Phòng Tham mưu Quân khu 7. Năm 1965 đến 1967, ông làm ở Phòng Tham mưu Tỉnh đội. Tháng 11- 1967 đến 4-1973, ông bị bắt và ở tù tại đảo Phú Quốc. Sau khi được trao trả về địa phương, ông tiếp tục làm trợ lý động viên. Hiện nay ông nghỉ hưu và an dưỡng tuổi già ở Tương Bình Hiệp. “Ngày tham gia kháng chiến, chúng tôi, những thanh niên trẻ của làng luôn đau đáu một ngày chiến thắng trở về. Lúc đó, khắp các dãy tường nhà đều được khắc những dòng chữ bằng sơn màu hoặc than “Ra đi hẹn ngày trở về””, ông Minh nói.

Nữ trung kiên nuôi dưỡng chiến sĩ

Cựu tù Nguyễn Thị Bảy (SN 1932, ngụ tại ấp 6, xã Thường Tân, Tân Uyên). Tham gia hoạt động từ năm 18 tuổi, bà là cơ sở bí mật nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng, tham gia nhiều hoạt động nhằm phát triển cơ sở trên địa bàn. Ngày 21-4-1953, trong lúc làm nhiệm vụ trở về, bà Bảy bị địch phục kích bắt ở bót đường 16, sau đó bị chuyển tới nhà giam Thủ Đức 11 tháng. Trong thời gian này, bà bị kẻ địch nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc. Tuy nhiên với tinh thần kiên định và yêu nước, bà một mực từ chối hợp tác với kẻ thù. Lôi kéo dụ dỗ không được, kẻ địch quay sang tra tấn, đánh đập, hành hạ bà. Đau đớn thể xác, sức khỏe kiệt quệ nhưng người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Bảy vẫn tuyệt đối trung thành với cách mạng. Sau thời gian giam giữ tại nhà giam Thủ Đức, bà bị chuyển về giam lỏng ở Vũng Tàu. Trong chiến dịch trao trả tù binh, bà Bảy được trao trả tại Cà Mau. Sau khi được trả ra, bà Nguyễn Thị Bảy tiếp tục trở lại hoạt động cách mạng ở xã.

Gia đình bà Bảy là một gia đình cách mạng. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Đèo, một liệt sĩ thời kỳ chống Pháp. Ông từng bị giam giữ 6 năm ở Côn Đảo. Trở về hoạt động cách mạng, ông hy sinh trong một trận chống càn ác liệt. Con trai đầu của bà Bảy cũng là liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ. Anh Nguyễn Văn Nghiệp hy sinh năm 1969. Riêng bà được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì cùng nhiều danh hiệu khác. Hiện tại bà Nguyễn Thị Bảy sống trong căn nhà tình nghĩa do chính quyền xây tặng. Người con trai út đã lập gia đình cũng thường xuyên qua lại chăm nom sức khỏe cho bà. Do tuổi đã cao (81 tuổi), sức khỏe của bà Nguyễn Thị Bảy cũng có phần giảm sút nhưng tinh thần, ý chí, nhiệt huyết trong bà vẫn luôn cháy bỏng. Khi nhắc lại chuyện năm xưa, ánh mắt bà vẫn ngời lên sự tự hào và tinh thần cách mạng.

Trong giai đoạn 1945-1954, rất nhiều người con của vùng đất Sông Bé sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Mặc dù kháng chiến với nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nhân dân Sông Bé trong suốt cuộc chiến đấu đã biểu lộ cao ý chí và tinh thần kiên cường khắc phục mọi khó khăn gian khổ, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực để thực hiện các phương án tác chiến. Cùng với lực lượng vũ trang kiên cường, nhân dân đã góp sức to lớn làm nên chiến công hiến hách.

 H.BÌNH - T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên