Gặp người sáng tác biểu tượng tỉnh Bình Dương

Cập nhật: 10-07-2021 | 09:29:11

Đến trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, chúng tôi được giới thiệu về thầy giáo Lê Quang Lợi - tác giả của biểu tượng (logo) tỉnh Bình Dương. Sau mấy năm gặp lại, thầy vẫn năng nổ, nhiệt huyết với công việc như ngày nào. Có một điều mới hơn, đó là hiện nay thầy đã là Phó hiệu Trưởng phụ trách trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Để có được kết quả đó, thầy đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu và cũng luôn sống hết mình với lĩnh vực sáng tạo mà mình đang theo đuổi...

Sáng tác logo Bình Dương

Từ nhiều năm qua, biểu tượng tỉnh Bình Dương với tổng thể hình chim bồ câu trắng bay cao trên bầu trời xanh như chiếc thuyền đang căng buồm lướt sóng ra biển lớn đã trở thành hình ảnh hết sức quen thuộc với người dân Bình Dương bởi nó xuất hiện ở rất nhiều nơi, được nhiều cơ quan, ban ngành sử dụng làm logo chính trên các trang thông tin điện tử của đơn vị mình. Nhìn quen thuộc là thế nhưng không nhiều người biết được tác giả của logo tỉnh Bình Dương cũng chính là một người con quê hương Bình Dương, đó là thầy giáo Lê Quang Lợi.

Với sự năng nổ của mình, thầy Lê Quang Lợi đã truyền cảm hứng nghệ thuật cho mọi người

Năm 2006, mẫu logo sáng tác của thầy Lê Quang Lợi đã đạt giải nhất tại cuộc thi sáng tác biểu tượng tỉnh Bình Dương. Chia sẻ với chúng tôi, thầy cho biết, để có một tác phẩm hoàn chỉnh được chọn làm biểu tượng đại diện của tỉnh, thầy đã sáng tác rất nhiều tác phẩm khác nhau. Từ những tác phẩm đó, thầy lại chọn ra tác phẩm ưng ý nhất rồi vẽ đi vẽ lại hàng chục lần để tìm ra tác phẩm có bố cục đẹp nhất gửi đi dự thi. Không phụ công thầy miệt mài sáng tác, cuối cùng, tác phẩm của thầy đã được ban giám khảo, ban tổ chức lựa chọn. Tuy nhiên, dù đã được chọn rồi nhưng tác phẩm vẫn chưa dừng lại ở đó. Dựa trên hình thức, nội dung và bố cục của mẫu đã chọn, ban tổ chức tiếp tục đề nghị thầy phát triển thêm 20 mẫu khác để xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

 "Nhiều tỉnh cũng có logo nhưng tác giả không phải là người của tỉnh mình. Tôi rất lấy làm hạnh phúc khi mình là người Bình Dương và cũng chính là tác giả sáng tác nên mẫu logo của tỉnh Bình Dương. Vì thế, dù đã đạt rất nhiều giải thưởng khác nhưng không sao sánh bằng vinh dự này”.

(Thầy Lê Quang Lợi, Phó hiệu Trưởng phụ trách trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương)

Lần góp ý này, có 2 tác phẩm được chọn nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh nên thầy tiếp tục sáng tác thêm. Trên cơ sở 2 tác phẩm đã được chọn và những ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, thầy Lợi tiếp tục sáng tác thêm một mẫu thứ 3. Đây cũng chính là mẫu đã được chọn làm biểu tượng chính thức của tỉnh Bình Dương, được công bố chính thức trong dịp kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh và được sử dụng từ đó đến nay để giới thiệu về tỉnh Bình Dương. Tác phẩm này được đánh giá là có tính mỹ thuật cao và phản ánh được một số nét đặc trưng của tỉnh, như: Đồng hồ chợ Thủ, cánh hoa dầu, gốm sứ, chén mủ cao su và có cả những vi mạch thể hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà trên con đường phát triển đi lên.

Với thầy Lê Quang Lợi, tác phẩm được chọn làm biểu tượng của tỉnh chính là một phần thưởng hết sức giá trị trong quá trình sáng tạo mỹ thuật của mình. Đây không phải lần đầu tiên thầy đạt giải cao trong một cuộc thi sáng tác nghệ thuật, nhưng nó có ý nghĩa hết sức đặc biệt với thầy vì trong tác phẩm này là tất cả tình cảm của thầy đối với quê hương mình. “Nhiều tỉnh cũng có logo nhưng tác giả không phải là người của tỉnh mình. Tôi rất lấy làm hạnh phúc khi mình là người Bình Dương và cũng chính là tác giả sáng tác nên mẫu logo của tỉnh Bình Dương. Vì thế, dù đã đạt rất nhiều giải thưởng khác nhưng không sao sánh bằng”, thầy Lợi chia sẻ.

Đam mê và phát triển

Từ thời còn là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Lê Quang Lợi đã khá nổi tiếng với những thành tích đạt được trong các cuộc thi hội họa. Những giải thưởng, như: Giải nhất tại cuộc thi sáng tác tranh cổ động cho Sea Games 22 Việt Nam năm 2003; giải nhất toàn quốc cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng Đại hội IX Công đoàn Việt Nam; giải ba cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động về hòa bình” do Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị và Ủy ban Hòa Bình TP.Hồ Chí Minh, trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh tổ chức; giải nhất và giải khuyến khích đợt vận động sáng tác tranh cổ động toàn quốc tuyên truyền Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 5 (ASEM5) do Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa - Thông tin) tổ chức năm 2004...

Chia sẻ về tình yêu mỹ thuật của mình, thầy Lê Quang Lợi cho biết nó được hình thành từ những ngày thầy còn nhỏ và có ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình mình. Lớn lên, do không có điều kiện nên Lê Quang Lợi đăng ký theo học tại trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương để đeo đuổi đam mê của mình. Ra trường, đi làm được một thời gian, thầy tiếp tục đăng ký thi vào trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Sau khi học xong đại học, thầy quay về Bình Dương tham gia công tác giảng dạy ở trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương (nay là trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương) đến nay.

Vừa tham gia giảng dạy, vừa học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, đến nay thầy Lê Quang Lợi đã học xong cao học ngành mỹ thuật tạo hình. Từ một giáo viên đồ họa, với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, thầy đã được tín nhiệm làm Trưởng khoa thiết kế đồ họa. Ngoài ra, thầy còn thành lập Công ty Thiết kế - Quảng cáo Lê Quang Lợi, là nơi thầy có thể dùng những kiến thức mà mình đã học để sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Với tài năng của mình, công ty của thầy được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện trưng bày, làm đẹp trong lĩnh vực văn hóa, trang trí nghệ thuật làm đẹp đường phố, đường hoa xuân Bình Dương mỗi dịp tết đến, xuân về.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Lợi cho biết Bình Dương là quê hương, là nơi nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật của thầy từ những ngày còn nhỏ. Dù có thể làm thêm những công việc khác có thu nhập cao hơn nhưng thầy vẫn hết lòng với công việc giảng dạy ở trường để truyền đạt kiến thức, niềm đam mê mỹ thuật cho các thế hệ học trò. Bắt đầu từ đầu tháng 7-2021, thầy Lê Quang Lợi đảm nhận nhiệm vụ mới, đó là Phó hiệu Trưởng phụ trách trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Với trọng trách mới được giao và với sự năng nổ, sáng tạo của mình, hy vọng thầy sẽ cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục đào tạo nên những thế hệ học trò lành nghề, góp phần duy trì và phát triển những ngành nghề truyền thống địa phương, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho chặng đường phát triển mới của quê hương Bình Dương.

 - Biểu tượng Bình Dương có màu xanh biển là biểu tượng của hoà bình và tình hữu nghị. Ngoài ý nghĩa yên bình, bất biến, màu xanh biển còn thể hiện sự vững chắc, trẻ trung và năng động. - Đồng hồ chợ Thủ tượng trưng công cụ ghi lại quá trình vận động hình thành và phát triển của Thủ Dầu Một, Bình Dương. Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 10-4-1975 là thời điểm Thủ Dầu Một, Bình Dương được hoàn toàn giải phóng. - Hình bình gốm sứ đại diện cho các ngành nghề truyền thống của tỉnh nhà.
- Hình vi mạch cách điệu tượng trưng cho sự phát triển công nghệ vi mạch hiện đại, hình thành ngành công nghiệp vi mạch và khu công nghệ cao.
- Cánh hoa dầu là hình tượng quen thuộc gắn liền với tên gọi Thủ Dầu Một. - Hình tròn bán nguyệt phía dưới tượng trưng chiếc chén chứa đựng vàng trắng tuôn trào từ những cánh rừng cao su.
- Tổng thể biểu tượng Bình Dương là hình chim bồ câu trắng bay cao trên bầu trời xanh, và hình thuyền buồm căng gió lướt sóng ra biển lớn. Ngoài ý nghĩa bình yên ổn định, biểu tượng còn thể hiện sự trẻ trung năng động, vươn lên tầm cao mới, hội nhập quốc tế. (Nguồn: http://www. binhduong.gov.vn... -bieu-truong-cua-tinh)

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên