Gặp những người lính đặc công biệt động tiến vào giải phóng Sài Gòn

Cập nhật: 29-04-2016 | 07:40:59

Những người lính tiến vào giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn ngày 30-4-1975 đã có buổi họp mặt đầy ý nghĩa tại hội trường Hoa viên nghĩa trang Bình Dương, phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát. Họ là những chiến sĩ đặc công biệt động của Lữ đoàn 316 anh hùng. Đã lâu lắm rồi, những chiến sĩ năm xưa mới được gặp mặt nhau trong sự vui mừng khôn xiết, tay bắt mặt mừng, cùng nhau ôn lại những trận chiến oai hùng, viết lên bản hùng ca giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những người lính của Lữ đoàn 316 đặc công biệt động năm xưa gửi sách lịch sử viết về lữ đoàn cho các cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh đặc công Ảnh: H.VĂN  

Đã 41 năm kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, nhưng mỗi khi nhắc đến những năm tháng đấu tranh hào hùng đó, ánh mắt của những người chiến sĩ năm xưa vẫn ánh lên niềm tự hào vì được góp một phần công sức trong cuộc chiến giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam. Họ chính là những người lính đặc công biệt động của Lữ đoàn 316 anh hùng. Trong mỗi người, những ký ức khó quên hiện về. Mặc dù đã ở tuổi xế chiều, nhưng những hình ảnh về đồng chí, đồng đội, những ký ức về sự mưu trí, dũng cảm, gan dạ của những người đã ngã xuống vẫn còn đó…

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316, Chủ nhiệm Ban liên lạc Lữ đoàn 316 hùng hồn kể, Lữ đoàn 316 đặc công biệt động là đơn vị trực thuộc Bộ Tham mưu Miền (B2) được Bộ Tư lệnh đặc công thành lập đầu năm 1974 để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lữ đoàn gồm trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn 316 đặc công biệt động đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên đề ra, dẫn đường cho các cánh quân tiến vào các mục tiêu theo kế hoạch, đánh trước bên trong Sài Gòn, nhất là chiếm được cơ quan Tổng tham mưu của địch, giữ toàn vẹn các cây cầu xung quanh Sài Gòn, tạo điều kiện cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Hôm gặp gỡ lại những đồng chí, đồng đội tại Bình Dương, mặc dù tuổi đã cao nhưng đại tá Tư Cang vẫn nhớ rất rõ về những trận đánh lớn, nhỏ. Đại tá Tư Cang nhớ nhất là trận đánh vào mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu ngụy do Đại đội Z28, dưới sự chỉ huy của đồng chí Bảy Vĩnh, là một trận đánh điển hình. Năm ấy, 4 giờ sáng ngày 30-4, các đồng chí Đại đội Z28, cởi bỏ quần áo thường dân, mặc vào những bộ đồ dày cộm, loang lổ của bọn cảnh sát dã chiến ngụy. Đúng 7 giờ sáng, trong tiếng đại bác, tiếng súng bộ binh nổ giòn phía Bà Quẹo, phi trường Tân Sơn Nhất, 14 chiến sĩ đặc công biệt động xuất phát tiến đến Bộ Tổng Tham mưu địch, sau đó thì đụng độ với quân ngụy nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm, gan dạ, những chiến sĩ đặc công biệt động đã đánh chiếm được mục tiêu.

Đại tá Tư Cang nhớ lại: “Các chiến sĩ của lữ đoàn lúc đó hăng say lắm. Toàn bộ lực lượng anh em trong đơn vị người nào cũng khí thế, hăng chí. Chúng tôi chuẩn bị tư thế gặp là đánh, đi là đánh, không bỏ xót mục tiêu nào hết”. Lúc đó, ở mặt trận Sài Gòn, nhiệm vụ của lữ đoàn là bao vây đánh chiếm trại Phù Đồng, thu nhiều vũ khí trong đó có 11 xe M41 và M113, diệt 1 đại đội biệt động quân ở An Phú Đông, bắn rơi 1 máy bay ngụy. Đại đội trinh sát và Z32 đánh chiếm cầu Ga, cầu Cát, cầu Cả Bốn, cầu Rạch Sâu trên xa lộ Đại Hàn, bắt sống 300 tên địch. Đêm 26, rạng ngày 27-4-1975, các đơn vị Z22, Z23 và Tiểu đoàn 81 đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, cuộc chiến hết sức ác liệt, địch dùng lực lượng lớn phản kích, có pháo binh xe tăng yểm trợ. Đến 15 giờ ngày 27-4-1975, quân ta buộc phải tạm lui ra rừng dừa nước, củng cố lực lượng, đến 5 giờ sáng ngày 30-4-1975, với tinh thần kiên quyết tấn công, ta chiếm giữ cầu, để đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến thẳng vào chiếm dinh Độc Lập.

Trong ký ức khó quên của người chiến sĩ đặc công biệt động Lữ đoàn 316 anh hùng, trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc ngày 27-4 là khốc liệt nhất. Lúc đó, quân ta phải hy sinh nhiều chiến sĩ nhưng không ai nao núng lòng, tất cả mạnh mẽ tiến lên phía trước. Cũng tại trận cầu Rạch Chiếc, các chiến sĩ Lữ đoàn 316 đã bắn cháy 1 xe tăng, 2 bo bo, diệt hàng trăm tên địch. Ngay trước giờ toàn thắng, nhiều chiến sĩ Lữ đoàn 316 đặc công biệt động đã anh dũng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đường tiến của đại quân.

Trong ký ức khó quên của người chiến sĩ đặc công biệt động Lữ đoàn 316 anh hùng, trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc ngày 27-4 là khốc liệt nhất. Lúc đó, quân ta phải hy sinh nhiều chiến sĩ nhưng không ai nao núng lòng, tất cả mạnh mẽ tiến lên phía trước. Cũng tại trận cầu Rạch Chiếc, các chiến sĩ Lữ đoàn 316 đã bắn cháy 1 xe tăng, 2 bo bo, diệt hàng trăm tên địch. Ngay trước giờ toàn thắng, nhiều chiến sĩ Lữ đoàn 316 đặc công biệt động đã anh dũng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đường tiến của đại quân. Gương chiến đấu hy sinh anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thất, quyết bám giữ cầu là biểu trưng sáng ngời nhất cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 316 đặc công biệt động.

Đại tá Tư Cang nói, đối với những người lính tham gia Lữ đoàn 316 đặc công biệt động thì họ xem như chết rồi nên chiến đấu rất mưu trí, dũng cảm, gan dạ, xem nhẹ cái chết của mình để đánh chiếm nhiều mục tiêu của địch. Những trận đánh đòi hỏi người lính đặc công biệt động phải vượt qua sự sợ hãi mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong trận đánh vào hai căn cứ pháo binh và thiết giáp của địch là thành Cổ Loa và Phù Đồng (Gò Vấp) cũng là trận đánh tiêu biểu cho sự gan dạ, mưu trí của các chiến sĩ đặc công biệt động Lữ đoàn 316. Nhiều chiến sĩ đã đem chính phần thân thể của mình hiến dâng cho Tổ quốc thì đâu còn gì đẹp hơn, quý hơn. Chính những người lính đã ngã xuống tại đây đã làm rạng rỡ những trận đánh luồn sâu, đánh hiểm của Lữ đoàn 316 anh hùng, tô đẹp cho toàn cảnh bức tranh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sự gan dạ, hy sinh của những chiến sĩ Lữ đoàn 316 đặc công biệt động anh hùng, chúng tôi không thể kể ra hết trong bài viết nhỏ này. Một trận đánh của họ thành công là thắm đượm biết bao xương máu của cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn, góp phần tô đậm những trang sử hào hùng của quân và dân ta. Qua từng câu chuyện của Lữ đoàn 316, có thể thấy được sự thần tốc, táo bạo của chiến dịch Hồ Chí Minh. Chính những người chiến sĩ của Lữ đoàn 316 đặc công biệt động đã đóng góp công sức vào đại thắng mùa xuân năm 1975. Vâng, những lớp thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào, mãi ghi nhớ những chiến công oanh liệt của những người chiến sĩ đặc công biệt động năm nào.

 

 HỒ VĂN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên