Giả bệnh nhân nghèo vào phòng bệnh xin tiền!

Cập nhật: 15-03-2018 | 10:01:18

Theo phản ảnh, tình trạng một số đối tượng đóng giả “bệnh nhân nghèo” vào phòng bệnh xin tiền thỉnh thoảng xuất hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Họ luôn xuất hiện với gương mặt khổ sở và vào tận phòng bệnh để than thở, kể lể xin tiền từ những bệnh nhân, người thân thăm nuôi bệnh. Khi thấy có dấu hiệu bị nghi ngờ, những đối tượng này luôn tìm cách “chuồn” thật nhanh…


Hai người phụ nữ tiến vào tận giường bệnh trong khoa nhi kể lể và xin tiền (ảnh chụp vào ngày 7-3-2018)

Đóng vai “người nghèo mắc bệnh nan y”

Khoảng 9 giờ 40 phút sáng ngày 6-3, một người phụ nữ trạc 50 tuổi xuất hiện tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mặc quần tây, áo khoác carô trông còn khá mới, chị ta đến từng phòng để xin tiền. Vào phòng nào cũng với gương mặt khắc khổ, chị to nhỏ kể câu chuyện của mình: “Anh chị thương tình cho tôi ít tiền. Chồng tôi bị bệnh tiểu đường, tôi cũng bị bệnh mà không có tiền đóng viện phí. Gấp lắm rồi mà nghèo quá, không có tiền đóng…”.

Khi có người hỏi về hoàn cảnh, chị cho biết chồng bị tiểu đường đang nằm ở phòng cấp cứu. Tôi đưa chị 100.000 đồng và hỏi thêm về hoàn cảnh bất hạnh của chị. Thấy tôi đưa tiền, chị chạy nhanh về phía giường bệnh nhận tiền và liên tục buông ra những câu chúc rất văn vẻ đã được soạn trước. Khi được hỏi nếu không có tiền cấp cứu chồng sao không liên hệ phía bệnh viện hoặc các đơn vị từ thiện liên kết với bệnh viện để được giúp đỡ mà lại đi xin như vậy thì chị ta lảng nhìn nơi khác.

Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, dò xét về sự thật trong câu chuyện, chị ta đáp lại bằng ánh nhìn không thiện cảm rồi bỏ ra ngoài. Đợi chị ta bước ra khỏi phòng, tôi tiếp tục tiếp cận và bày tỏ nhã ý muốn đến khoa cấp cứu thăm chồng chị để có thể hỗ trợ thêm tiền đóng viện phí. Lúc này chị ta lại bảo rằng chồng không nằm ở khoa cấp cứu mà nằm ở khoa nhiễm, chị khuyên khoa nhiễm rất dễ lây bệnh nên tôi đừng đến. Nghe tôi nói muốn xem giấy tờ bệnh án chồng chị và sẽ có biện pháp phòng lây nhiễm khi đi cùng cán bộ y tế của bệnh viện đến thăm người bệnh thì chị ta lắc đầu từ chối. Chị nói tôi cứ đợi, chị ấy sẽ quay lại dẫn đi. Nói rồi chị bỏ đi thật nhanh về phía cổng bệnh viện. Đúng như nhiều người dự đoán, chị ta không hề quay lại…

Tự do ra vào bệnh viện không ai hay biết

Cùng vào giờ đó sáng hôm sau, Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại xuất hiện hai nhân vật “đáng thương” khác. Lần này, một phụ nữ khoảng 60 tuổi và một cô gái trạc 25 tuổi đang mang thai. Người phụ nữ vào phòng và kể lể: “Xin mọi người thương tình cho chút tiền. Con nhỏ tội nghiệp lắm, bầu bì bị chồng bỏ mà không có tiền sanh nở. Bà con thương tình cho vài ngàn đồng ăn uống cũng được”. Khi một người trong phòng hỏi vặn thì người phụ nữ này quay sang tiếp cận người khác để “diễn” vai diễn đáng thương. Thấy không ai hào hứng nghe hoặc để tâm tới “vở kịch” của mình, hai người bỏ đi. Qua các phòng khác, cũng câu chuyện cũ nhưng lần này họ đến từng giường bệnh để xin tiền. Nhiều người nhẹ dạ thương tình đã cho tiền. Khi thấy nhân viên y tế đến, họ nhanh chóng chạy nhanh ra cửa sau của Khoa Nhi và biến mất ngay sau đó.

Một nữ nhân viên vệ sinh bệnh viện cho biết tình trạng kẻ gian lợi dụng lòng thương của bệnh nhân để xin tiền thường xảy ra ở bệnh viện. Bản thân những người này có cuộc sống khá giả chứ không nghèo đói như họ kể. Ngoài vấn đề xin tiền kiểu này, tình trạng trộm cắp tài sản thỉnh thoảng xảy ra nếu như người nhà bệnh nhân không cảnh giác, bảo quản tài sản của mình.

Trao đổi về điều này, một số nữ điều dưỡng, y tá tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết phần lớn những đối tượng trên đều là lừa đảo, họ lợi dụng lòng tin của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để trục lợi. Nếu bệnh nhân và người thăm nuôi không bảo quản tài sản và chú ý đề cao cảnh giác thì có thể sẽ bị mất cắp tài sản. Khu vực Khoa Nhi thường đóng cổng hai đầu hành lang vào giờ khám bệnh. Tuy nhiên, thời gian còn lại việc kiểm soát người ra vào phòng bệnh rất khó. Trao đổi với P.V, đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết nhân viên bệnh viện cũng có thông báo, tuyên truyền nâng cảnh giác để người bệnh, người thăm nuôi, thân nhân nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng. Tuy nhiên trên hết, bệnh nhân và người thăm nuôi phải chủ động bảo quản tài sản của mình ở những nơi công cộng như bệnh viện.

 NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên