Khai thác dầu tại khu vực gần Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sáng 31.7, tại thị trường châu Á, giá dầu nới rộng đà giảm bất chấp nguồn cung dầu tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến và căng thẳng địa chính trị tăng cao.
Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu WTI giao tháng 9.2014 giảm 66 xu Mỹ xuống 99,61 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 29 xu Mỹ xuống còn 106,22 USD/thùng.
Chốt phiên 30.7, trên Sàn NYMEX, giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng 9/2014 giảm 70 xu Mỹ và đóng phiên ở mức 100,27 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm tới 1,21 USD xuống 106,51 USD/thùng.
Cùng ngày, giá xăng giao dịch kỳ hạn giảm 2,9 xu Mỹ xuống 2,816 USD/gallon tại New York .
Thông tin về GDP của Mỹ trong quý 2.2014 tăng cao hơn dự kiến khiến thị trường tiền tệ trở nên sôi động hơn, nhất là khi đồng USD bật tăng so với đồng euro lên mức cao nhất kể từ ngày 12.11.2013, giao dịch ở mức 1,3367 USD/euro. Song đồng bạc xanh tăng giá lại gây sức ép lên thị trường “vàng đen."
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý 2/2014 đạt 4%, ghi dấu cú lội ngược dòng ngoạn mục so với mức giảm 2,1% trong quý 1.2014 do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt.
Chuyên gia Tim Evans thuộc Citi Futures nhận định GDP của Mỹ tăng mạnh hơn tiên lượng đã làm gia tăng những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, sau cuộc họp chính sách trong hai ngày, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức gần 0% và kế hoạch tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2015 vẫn còn đang “lơ lửng."
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng dường như “phớt lờ” báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết kho dự trữ dầu thô tại nước này đã giảm 3,7 triệu thùng xuống 367,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25.7, giảm gần gấp đôi so với mức dự kiến. Đặc biệt, dự trữ dầu thô tại Cushing , Oklahoma giảm xuống còn 17,9 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11.2008./.
Theo TTXVN