Giá dầu liên tục lên cao do căng thẳng địa-chính trị

Cập nhật: 06-03-2012 | 00:00:00

Dầu thô liên tục tăng giá trong hai phiên đầu tuần này do những căng thẳng địa-chính trị liên quan đến chương trình hạt nhân của quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới là Iran.

Theo nhận định của giới phân tích, nỗi lo mang tên Iran gần như bao trùm cả thị trường năng lượng, vượt qua những số liệu yếu kém từ châu Âu và Mỹ.

  Ảnh minh họa. Sáng 6-3 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 4-2012 tăng 18 xu lên 106,90 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tại London cũng tăng 21 xu lên 124,01 USD/thùng.

Trong bình luận thị trường mới nhất của Công ty Phillip Futures có trụ sở tại Singapore, nếu không có những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giá dầu có thể được đẩy lên cao hơn trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Iran, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có cuộc gặp kéo dài gần 3 giờ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, để thảo luận về một số vấn đề chính trị, trong đó nổi bật là vấn đề hạt nhân của Iran.

Theo ông Obama, việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được đối với Ixraen. Ngoài ra, theo ông, điều này còn có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực, hoặc nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay lực lượng khủng bố hoặc một chính phủ đã từng tài trợ cho khủng bố.

Chốt phiên đêm trước tại New York và London, cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Mỹ và Israel tại Washington đã "hâm nóng" thị trường năng lượng, khiến giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 4-2012 tăng 2 xu lên 106,72 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 15 xu lên 123,80 USD/thùng.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên