Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng dùng giấy tờ giả?

Cập nhật: 24-03-2015 | 09:45:16

Báo Bình Dương số ra ngày 20-3 có bài phản ánh về thực trạng người dân mang giấy tờ, bằng cấp, hồ sơ giả đến bộ phận “một cửa” yêu cầu sao y, chứng thực đã bị cán bộ (CB) ở bộ phận này phát hiện, xử lý. Tình trạng này không còn cá biệt mà đang trở nên “nóng”, đặc biệt là vào mùa tuyển lao động. Nhằm nâng cao kỹ năng cho CB trong việc phát hiện giấy tờ giả, đã đến lúc ngành chức năng cần chú trọng nhiều hơn nữa đến việc bồi dưỡng, đào tạo CB ở bộ phận “một cửa” để công tác kiểm tra, phát hiện các loại giấy tờ giả đạt hiệu quả cao hơn.

Cán bộ “một cửa” phường An Phú trao trả hồ sơ chứng thực cho
người dân
. Ảnh: T.QUANG

Xử lý chưa mạnh tay!

Có một thực tế là nhiều người đã lạm dụng công nghệ tin học, photoshop vào việc “chế tác” giấy CMND, giấy khám sức khỏe, bằng cấp giả và bị CB ở bộ phận “một cửa” nhiều địa phương phát hiện nhưng phần lớn các trường hợp này chỉ bị nhắc nhở, cho làm cam kết không tái phạm. Trong quý I-2015, bộ phận “một cửa” phường Thuận Giao, TX.Thuận An đã tiếp nhận hơn 5.000 bản sao văn bằng, giấy tờ vàhồ sơ các loại của gần 2.000 lượt người đến yêu cầu sao y, chứng thực. Trong số này, CB bộ phận “một cửa” đã phát hiện 5% là giả hoặc bị tẩy xóa, sửa đổi nội dung. Trao đổi với P.V về việc xử lý đối với những trường hợp này, ông Nguyễn Minh Tâm, CB tư pháp phường Thuận Giao cho biết: “Lâu nay, đối với những người dùng giấy tờ giả hoặc chỉnh sửa nội dung rồi yêu cầu chứng thực, sao y mà ngoan cố cho rằng giấy tờ đó là thật thì chúng tôi mới lập biên bản chuyển sang CA phường xử lý. Còn đối với những người dân đem giấy tờ không hợp lệ đi chứng thực, khi bị phát hiện, họ thừa nhận mình sai thì chỉ nhắc nhở. Bởi đa phần là những người chưa tới tuổi lao động hoặc quá tuổi lao động cần xin việc làm nên chúng tôi cũng nhẹ tay hơn!”.

Hàng trăm trường hợp người dân sử dụng CMND giả đã bị cán bộ bộ phận “một cửa” phường An Phú phát hiện trong quý I-2015

Tương tự, anh Nguyễn Đức Lợi, CB bộ phận “một cửa” phường An Bình, TX.Dĩ An cho rằng: “Với những người dân thừa nhận việc dùng CMND giả, bằng cấp giả hoặc đã chỉnh sửa thì chúng tôi yêu cầu viết cam kết không tái phạm.

Để rõ hơn việc xử lý theo đúng thẩm quyền khi phát hiện những trường hợp giấy tờ, bằng cấp giả được đưa đến bộ phận “một cửa” để sao y, chứng thực, P.V có buổi trao đổi với ông Võ Văn Liên, Trưởng phòng Tư pháp TX.Thuận An. Theo ông Liêm, Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc phân cấp cho xã, phường, thị trấn, huyện, thị về việc chứng thực, sao y bản sao từ bản chính thì việc xử lý vi phạm phụ thuộc vào tính chất sự việc trong hồ sơ của cơ quan điều tra và chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dùng giấy CMND, giấy khám sức khỏe không đúng theo quy định thì thẩm quyền xử phạt thuộc về chính quyền cơ sở.

Cần được đào tạo kỹ năng phát hiện

P.V đã làm việc với nhiều CB bộ phận “một cửa” ở của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm hiểu rõ hơn những kinh nghiệm trong việc phân biệt bằng cấp, hồ sơ, giấy tờ giả và thật. Hầu hết CB bộphận “một của” cho rằng khả năng nhận biết giấy tờ thật, giả chỉ là nhờ kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Hữu Châu, Chủ tịch UBND phường An Phú, TX.Thuận An cho biết, nhiều năm qua, bộ phận “một cửa” phường An Phú đã phát hiện hàng ngàn trường hợp hồ sơ, giấy tờ giả. Nhờ đó, nhiều vụ án làm giấy tờ giả đã được cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, những phát hiện đó là do CB tựhọc tập từ kinh nghiệm thực tiễn chứ chưa qua trường lớp đào tạo. Theo ông Châu, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác này, ngành tư pháp cũng cần mở lớp bồi dưỡng chuyên đề về cách thức nhận biết giấy tờ, hồ sơ giả và thật cho CB “một cửa”.

Ông Võ Văn Liêm, Trưởng phòng Tư pháp TX.Thuận An cho biết, lâu nay đề tài giấy tờ, hồ sơ giả luôn “nóng” trong những buổi họp giao ban hàng tháng của đơn vị. Qua những buổi họp này, CB tư pháp cơ sở chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong cách nhận biết giấy tờ, bằng cấp, hồ sơ giả đã bị phát hiện trong tháng qua. “Song song với việc phát triển về công nghệ thông tin, nhiều đối tượng xấu đã lạm dụng nó vào việc “sáng chế” văn bằng, giấy tờ, hồ sơ giả để hưởng lợi bất chính. Để trang bị kiến thức, nghiệp vụ cho CB bộ phận “một cửa”, theo tôi, ngành tư pháp cũng cần mở lớp bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay. Trong đó chuyên đề nhận biết, phát hiện giấy tờ, bằng cấp, hồ sơ… giả cần được chú trọng hơn”, ông Liêm nói.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Dĩ, Phó trưởng phòng Tư pháp TX.Dĩ An cũng cho rằng: “Nhằm giúp CB tư pháp cơ sở tháo gỡ những khó khăn về cách thức nhận biết bằng cấp, giấy tờ, hồ sơ giả, trong những buổi họp giao ban hàng tháng, chúng tôi mời đại diện lãnh đạo thanh tra, thi hành án đến để trao đổi kinh nghiệm với CB tư pháp cơ sở. Qua đó, họ đã trau dồi kinh nghiệm để nâng cao khả năng, nghiệp vụ trong công tác chuyên môn. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng trong công tác thì CB bộ phận “một cửa” phường, xã phải được thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ”.  

Triệt xóa nhiều điểm làm giấy tờ giả

Được biết, từ bộ phận “một cửa”, CA các địa phương đã phát hiện nhiều đường dây làm hồ sơ xin việc làm giả. Cụ thể, CA phường An Bình, TX.Dĩ An đã triệt xóa đường dây do vợ chồng đối tượng Nguyễn Văn Tình (SN 1980, quê Hà Tĩnh) và Phạm Thị Phượng (SN 1990, quê Nghệ An, ngụ tổ 60A, KP Bình Đường 4, phường An Bình, TX.Dĩ An) làm “chủ xị”.

Từ tin cơ sở, CA phường An Bình đã tiến hành kiểm tra hành chính quầy tạp hóa của vợ chồng Tình và phát hiện trong tủ lạnh có16 bộ hồ sơ xin việc đã được giả chữ ký, đóng dấu mộc của cơ quan chức năng. Vợ chồng Tình khai thấy được nhu cầu của người xin việc nên bắt tay vào làm hồ sơ xin việc giả: Khách hàng chỉ cần mang 1 CMND bản chính hoặc bản photo đến quầy tạp hóa “đặt hàng” cho Tình với giá 190.000 đồng/bộ, gồm: Đơn xin việc, giấy khám sức khỏe, sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu và CMND. Sau đó, vợ chồng Tình giao cho một thanh niên khác “chế tác thành phẩm” để hưởng chênh lệch 100.000 đồng/bộ.

Trước đó, trong quá trình chứng thực, CB bộ phận “một cửa” phường An Bình nghi vấn bộ hồ sơ xin việc của công dân Đàm Thị L. (quê Quảng Bình) là giả nên tiến hành lập biên bản, chuyển vụ việc sang CA phường để điều tra làm rõ. Qua đấu tranh, L. khai nhận giấy khám sức khỏe được ký tên, đóng dấu do chị ta mua ở tiệm thuốc tây Thanh Tâm (thuộc KP Bình Đường 2, phường An Bình) với giá 30.000 đồng. Từ nguồn tin đó, CA phường An Bình tiến hành kiểm tra tiệm thuốc tây Thanh Tâm do Nguyễn Thị Tâm (SN 1985, quê TP.Hồ Chí Minh) làm chủ. Tại đây, lực lượng CA phát hiện 14 giấy chứng nhận sức khỏe, 10 toa thuốc và 3 phiếu khám bệnh đều được ký và đóng dấu Bệnh viện Quân đoàn 4. Theo lời khai của Tâm, đây là “hàng giả” được người khác giao cho Tâm bán kiếm lời khoảng 20.000 đồng/tờ. 

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên