Giá, phí và giải pháp an dân

Cập nhật: 27-03-2012 | 00:00:00

Đánh giá của các chuyên gia là có cơ sở, bởi qua quan sát thị trường sau hơn 2 tuần tăng giá xăng dầu, hầu hết các mặt hàng thiết yếu vẫn khá ổn định. Nguyên nhân là do các mặt hàng thiết yếu được đưa ra thị trường trong tháng 3 đã được tính toán giá thành trên cơ sở chi phí đầu vào trước khi giá xăng dầu tăng, cùng với đó là số lượng hàng tồn kho từ trước còn nhiều. Tuy nhiên, kể từ tháng 4, giá thành của các loại hàng hóa đưa ra thị trường sẽ được cộng thêm chi phí xăng dầu tăng thêm, số lượng hàng hóa tồn kho từ trước vơi nhiều, nên giá cả các loại hàng hóa đưa ra thị trường theo đó sẽ tăng. Diễn biến thị trường trong những ngày đầu tuần cuối tháng 3 cũng thể hiện rất rõ xu hướng giá các mặt hàng thiết yếu đang nhích dần, trong đó giá cả nhiều mặt hàng đã tăng từ 10 - 15%.

Cùng với giá cả các mặt hàng đang có xu hướng nhích lên, người dân đang rất lo lắng trước thông tin phải đóng phí giao thông. Cùng với các loại phí đã đóng từ trước, thêm khoản phí này, người dân - mà đặc biệt là người nghèo, lại phải mất thêm một khoản tiền đáng kể trong “ngân sách” chi tiêu hàng ngày của gia đình! Trong khi đó, tình hình kinh tế nói chung đang gặp nhiều khó khăn, các công ty luôn tìm cách “né” tăng lương cho công nhân và thu nhập từ lương của cán bộ - công chức cũng chưa được cải thiện. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, thêm thông tin các khoản phí phải đóng, khiến người dân cảm thấy bất an!

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì thực tế tác động của giá xăng dầu trực tiếp lên chi phí sản xuất dẫn tới lạm phát là không cao, nhưng tác động của giá xăng dầu đến “lạm phát tâm lý” là rất cao. Điều này thể hiện rất rõ khi giá xăng tăng không tác động tới giá gói xôi hay bó rau muống, vậy mà giá gói xôi và bó rau muống đều tăng theo, hay như giá xe ôm với đoạn đường không hết nửa lít xăng cũng tăng lên vài chục ngàn đồng, trong khi giá một lít xăng chỉ tăng 2.100 đồng/lít! Điều đó cho thấy, cứ giá xăng tăng thì ai cũng “tự vệ” bằng cách tăng giá các mặt hàng vì sợ lỗ, nhưng khi giá xăng giảm thì các mặt hàng đã tăng giá vẫn giữ nguyên mà không giảm!

Trước tình hình trên, để giữ vững thị trường, hạn chế lạm phát và đặc biệt là để an dân, thiết nghĩ các ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai các giải pháp kiềm chế tăng giá hiệu quả đối với các mặt hàng thiết yếu; lực lượng quản lý thị trường cần phạt nặng đối với những mặt hàng không bị tác động bởi giá xăng dầu nhưng vẫn tăng giá vô tội vạ. Để giảm gánh nặng đối với người dân, thiết nghĩ Chính phủ cần chỉ đạo dừng hoặc lùi thời điểm thu phí giao thông, bởi nói như Tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM: “Đừng đổ thêm gánh nặng lên người dân, không được lạm dụng chủ trương xã hội hóa mà tăng gánh nặng quá lớn cho dân”. Về phía người dân, cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để vượt qua giai đoạn khó khăn khi giá cả leo thang.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên