Gia súc thả rong trên đường: Nguy cơ gây tai nạn giao thông

Cập nhật: 14-10-2014 | 09:08:53

 Bài 2: Đi tìm giải pháp

>> Bài 1: Vô tư thả rong

Trước thực trạng người dân vô tư thả rong trâu, bò trên đường gây ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan phố phường, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với lãnh đạo một số địa phương để tìm các giải pháp khắc phục tình trạng này.

 

 Bò được thả rong trên các tuyến đường trong Thành phố mới Bình Dương Ảnh: TRANG BÌNH 

* Ông NGUYỄN HỮU THẠNH, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ, TP.TDM:

Người dân chăn thả gia súc vào ban đêm để “né” chính quyền!

Theo thống kê, tại địa phương có 8 hộ dân thường xuyên chăn nuôi, thả rong gia súc ở đô thị. Sau khi UBND TP. Thủ Dầu Một ra công văn về việc chỉ đạo đối với các hộ dân chăn nuôi, thả rong gia súc trong khu liên hợp, UBND phường đã mời 8 hộ để vận động, tuyên truyền tuyệt đối không thả rong gia súc trong khu liên hợp. Phần lớn các hộ dân đã giảm chăn thả gia súc tại các tuyến đường trong thành phố mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ tái phạm. Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, UBND phường đã mời một số hộ tái phạm lên làm bản cam kết. Đến thời điểm hiện nay chỉ còn một số trường hợp “né” bằng cách không thả gia súc vào ban ngày mà thả vào ban đêm, khoảng 19 hoặc 20 giờ tối đến sáng hôm sau. Vấn đề này địa phương mới biết nên sẽ tiếp tục công tác vận động, tuyên truyền. Về phương án, Hội Nông dân đã phối hợp với một số cơ quan, đoàn thể hướng dẫn các hộ dân trên chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp khác, như: Trồng lan, rau mầm, nấm, rau sạch…

* Ông LỘC TRUNG NGHĨA, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Phú, TP.TDM:

Tăng cường tuần tra để ngăn chặn việc thả rong gia súc trên đường

Qua khảo sát, hiện toàn địa bàn phường Hòa Phú có 24 hộ dân chăn nuôi gia súc, tổng số lượng khoảng 216 con. Trâu bò được cột ở nhà và một số ít chăn thả có người trông coi. Trước thực trạng gia súc chăn thả trên đường gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và người tham gia giao thông, UBND phường đã vận động các hộ dân không thả rong gia súc trên đường, trong khu đô thị. Việc vận động được tiến hành bằng nhiều hình thức như: Vận động qua hệ thống đài truyền thanh, phối hợp với Ban điều hành khu phố xuống vận động người dân chuyển đổi ngành nghề từ chăn nuôi gia súc sang ngành nghề khác. UBND phường cũng đã đến từng hộ chăn nuôi cho làm biên bản khảo sát và bản cam kết không thả rong gia súc trong khu liên hợp. Đa số gia súc thả rong trên địa bàn phường là do người dân từ bên ngoài thả vào, có một số thả vào ban đêm. UBND phường cũng đã có công văn gửi đến các phường giáp ranh như Hòa Lợi, Định Hòa, Phú Tân phối hợp trong việc giải quyết tình trạng thả rong gia súc vào khu liên hợp. Bên cạnh đó, UBND phường cũng đã phối hợp cùng Ban Quản lý KCN VSIP II, Ban Quản lý KCN Đồng An II... thành lập một tổ thường xuyên tuần tra và chốt chặn tại các chốt để ngăn chặn việc người dân thả rong gia súc từ bên ngoài vào địa bàn phường. Sắp tới, UBND phường sẽ tiếp tục phát trên hệ thống đài truyền thanh phường kêu gọi người dân không thả rong gia súc; đồng thời phối hợp với Ban điều hành khu phố xuống vận động người dân chuyển đổi ngành nghề từ chăn nuôi gia súc sang ngành nghề khác. UBND phường sẽ có kế hoạch kiểm tra lại những hộ chăn nuôi gia súc tại địa phương đã làm cam kết không thả rong gia súc, những trường hợp không thực hiện đúng như cam kết, UBND phường sẽ có biện pháp xử lý thích hợp. Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo tổ tuần tra tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra và chốt chặn tại các chốt để ngăn chặn việc người dân thả rong gia súc từ bên ngoài vào địa bàn phường, đặc biệt là vào ban đêm, đồng thời có biện pháp xử lý nếu phát hiện.

* Bà NGUYỄN THỊ THÚY, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát:

Vận động người dân chuyển đổi ngành nghề

Số lượng trâu, bò trên địa bàn phường Hòa Lợi cuối năm 2013 có khoảng 640 con. Hiện tại, do phần đất của khu liên hợp liên ranh với phường Hòa Lợi còn bỏ trống khá nhiều nên bà con đã chăn thả vào khu vực này. UBND phường đã nhiều lần mời các hộ chăn nuôi gia súc để tuyên truyền, vận động bà con không được thả rong gia súc tại các khu công nghiệp làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, hư hỏng cây trồng, phóng uế bừa bãi làm ô nhiễm môi trường và mất vẻ mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vẫn tiếp diễn. UBND phường đã tổ chức nhiều cuộc họp triển khai về các quy định xử phạt trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y cho các hộ nắm rõ, tuyên truyền rộng rãi trên loa của đài truyền thanh phường, sau đó, hướng dẫn, giúp đỡ cho các hộ chuyển đổi ngành nghề. Đến nay, số lượng trâu bò trên địa bàn giảm còn 550 con. Hướng tới, UBND phường sẽ tiếp tục vận động bà con chăn nuôi gia súc ở khu vực này chuyển đổi ngành nghề sang kinh doanh, dịch vụ- thương mại để có thu nhập ổn định, đồng thời, ngăn chặn được dịch bệnh lở mồm long móng và các bệnh khác trên đàn gia súc và trả lại mỹ quan đô thị của phường.

Ngày 22-5-2014, UBND TP.Thủ Dầu Một đã ban hành Văn bản số 1184/ UBND-KT về việc tăng cường xử lý các trường hợp chăn thả gia súc trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương. Văn bản được gửi đến UBND một số phường thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một như Hòa Phú, Phú Tân, Định Hòa và Phú Mỹ, những địa bàn được cho là có tình trạng chăn thả gia súc phổ biến. Theo văn bản, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; các công viên, cây xanh, bồn hoa được chú trọng đầu tư nhằm tạo mảng xanh, kiến trúc cảnh quan cho khu đô thị mới. Nhìn chung, công tác quản lý cơ sở hạ tầng, cây xanh trong khu vực tương đối tốt. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số hộ dân chăn thả trâu bò, giẫm đạp, gặm phá cây cỏ ở các bồn hoa, dải phân cách gây thiệt hại tài sản Nhà nước; phóng uế bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Để chấm dứt tình trạng gia súc phá hoại cây kiểng, gây mất an toàn giao thông trên các tuyến phố; Chủ tịch UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau: Yêu cầu UBND các phường điều tra tình hình các hộ dân chăn thả rong gia súc trên địa bàn, từ đó nghiên cứu khoanh vùng chăn thả hợp lý; hoặc thanh lý, không được thả rong như hiện nay (có biên bản làm việc cụ thể); đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Yêu cầu Chủ tịch UBND các phường nghiêm túc chỉ đạo thực hiện.

 

 HUY BÌNH - TÂM TRANG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên