Giải bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm – Bài cuối

Cập nhật: 18-05-2021 | 09:20:25

 

Bài cuối: Kỳ vọng vào hệ thống giao thông thông minh

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, điều hành giao thông được các ban ngành liên quan trong tỉnh triển khai với các chương trình cụ thể, bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng mừng trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông (UTGT).


Khi hệ thống giao thông công cộng được đầu tư bài bản, trang bị nhiều tiện ích sẽ thu hút người dân sử dụng, giảm áp lực đối với tình hình giao thông hiện nay. Ảnh: TÂM TRANG

Xây dựng hệ thống giao thông thông minh

Theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), nhằm nâng cao công tác tổ chức, phân luồng giao thông trên các trục đường có lưu lượng giao thông lớn, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị được phân cấp quản lý đường, tổ chức phân luồng giao thông thông qua hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, điều chỉnh thời lượng các pha đèn theo lưu lượng phương tiện tại nút, đã góp phần điều tiết các phương tiện qua nút thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh thống nhất cho chủ trương đầu tư thí điểm hệ thống giám sát điều hành giao thông, hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang hoàn chỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 5-2021; theo đó, một số giao lộ trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13 có lưu lượng phương tiện lớn sẽ được lắp đặt các camera để phát hiện các lỗi vi phạm về tốc độ, lấn làn, vượt đèn đỏ… dự kiến thời gian thí điểm 5 năm.

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, Trưởng ngành Quản trị kinh doanh trường Đại học Quốc tế Miền Đông:

“Cần tiếp tục phát huy thế mạnh của các chương trình phát thanh giao thông online trên phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài tỉnh, nhằm thông tin kịp thời tình hình giao thông trên các tuyến đường để người tham gia giao thông lựa chọn lộ trình phù hợp. Giải pháp này đã được một số quốc gia sử dụng rất hiệu quả từ thập niên 90 của thế kỷ trước và đây là lúc mà Bình Dương và các đô thị lớn ở Việt Nam nên tận dụng”

Hiện tại, Sở GTVT đã trình và được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư dự án Xây dựng hệ thống giao thông thông minh tỉnh Bình Dương trong giai đoạn trung hạn 2021-2025. Song song với các giải pháp đó, hệ thống 1022 đã phát huy được hiệu quả trong việc tiếp nhận, xử lý các vấn đề về giao thông trên địa bàn tỉnh. Qua thời gian triển khai hệ thống 1022, Sở GTVT nhận thấy hệ thống tổng đài đóng góp vai trò lớn trong việc khắc phục các bất cập của hệ thống hạ tầng giao thông. Qua phản ánh của người dân, Sở GTVT lập tức chuyển, đề nghị đến các đơn vị quản lý đường khẩn trương rà soát, khắc phục ngay và báo cáo kết quả thực hiện về Sở GTVT. Qua hệ thống trên, Sở GTVT có thêm nguồn thông tin, dữ liệu nắm bắt nhanh các bất cập xảy ra, đề ra các giải pháp xử lý kịp thời, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Song song đó, Sở GTVT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương thực hiện các chương trình, tiểu phẩm về an toàn giao thông; cũng như thông báo tình hình giao thông trên các tuyến đường thông qua kênh FM tần số 92,5Mz để người tham gia giao thông lựa chọn lộ trình đi cho phù hợp vào giờ cao điểm từ 17 - 18 giờ trong ngày.

Hiện nay, Sở GTVT đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng đề cương lập dự án đầu tư Xây dựng hệ thống giao thông thông minh tỉnh Bình Dương trong giai đoạn trung hạn 2021- 2025, trong đó có xây dựng các phần mềm quản lý hạ tầng giao thông, nhằm truyền tải thông tin liên tục đến người dân biết để lựa chọn lộ trình đi phù hợp, góp phần giải quyết tình trạng UTGT trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch giao thông phải đi trước một bước!

Nói về các giải pháp kéo giảm tai nạn, UTGT, thạc sĩ Nguyễn Quang Giải, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam bộ, trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng Bình Dương là một trong những địa phương của cả nước có cơ sở hạ tầng giao thông khá tốt, đặc biệt là giao thông đường bộ. Sau khi tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997, hạ tầng giao thông của Bình Dương nhanh chóng được đầu tư, xây dựng và phát triển khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển kinh tế nhanh nên hạ tầng giao thông chia theo kịp. Mức độ đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh, đặc biệt mức tăng dân số cơ học ngày càng cao do lượng người nhập cư vào Bình Dương chưa có dấu hiệu giảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến ách tắc giao thông.

Theo thạc sĩ Giải, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có vai trò quan trọng trong việc kết nối, là cửa ngõ giao thương giúp gắn kết giữa lõi trung tâm là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành xung quanh. Bình Dương nằm gần vị trí giao thông vận tải quan trọng của vùng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu…, do vậy lưu lượng vận tải hàng hóa và mật độ giao thông đi qua địa bàn rất lớn.

Bình Dương là một tỉnh năng động, phát triển nhất ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Do vậy, chính quyền địa phương cần có chiến lược xây dựng, chính sách đầu tư, phát triển giao thông “Đi trước một bước” vì đầu tư cho giao thông là đầu tư cho phát triển. Đầu tư cho giao thông thỏa đáng, khoa học, có tầm nhìn và chiến lược là cần quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông trước, sau đó mới thu hút đầu tư phát triển kinh tế; đầu tư hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội; nhà ở đô thị…

Những năm gần đây, tại Bình Dương, đặc biệt tại khu vực đô thị, những nơi có mật độ và lưu lượng giao thông cao, những nơi có dân cư cao đang phải đối mặt với bài toán ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống. Để khắc phục vấn đề này cần phải có giải pháp, chính sách thích hợp. Bài toán giao thông, đặc biệt giao thông đô thị không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật, vận tải thông thường mà còn là vấn đề xã hội, nó liên quan đến cấu trúc đô thị, lịch sử phát triển, trình độ quản lý và trình độ dân trí. Do vậy, giải pháp được đưa ra là cần quy hoạch phát triển hệ thống giao thông một cách đồng bộ, khoa học và hiệu quả cả về mặt kỹ thuật và xã hội của giao thông.

Về mặt kỹ thuật: Cần thiết phải quy hoạch phân luồng, tuyến một cách khoa học, hợp lý. Nâng cấp, cải tạo những tuyến đường giao thương huyết mạch đang quá tải. Cần nghiên cứu, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13 đoạn đi qua địa bàn Bình Dương; xây dựng hệ thống đường vành đai nhằm giải tỏa và chia sẻ lưu lượng giao thương, vận tải hàng hóa trên quốc lộ 13. Cần mở rộng các trục lộ vận tải hàng hóa đến các khu, cụm công nghiệp; đến các cảng trong khu vực. Nghiên cứu xây dựng đường trên không; đặc biệt xây dựng hệ thống cầu vượt tại các trục giao lộ huyết mạch...

CẦN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG
GIAO THÔNG CÔNG CỘNG THÔNG MINH

Thạc sĩ Nguyễn Quang Giải, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam bộ, trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng Bình Dương đang hướng đến thành phố thông minh (Smart City). Để đạt được mục tiêu này, chính quyền đô thị Bình Dương cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông một cách hoàn chỉnh, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông công cộng thông minh, đặc biệt hệ thống giao thông khối lớn, có sức chuyên chở lớn (đường sắt đô thị; đường vành đai; đường trên cao; đường dưới lòng đất và đường sông). Hệ thống giao thông này sẽ cho phép người dân sống tại các đô thị xa nhau; đô thị vệ tinh có thể di chuyển qua lại dễ dàng, tránh tình trạng “thắt nút cổ chai” tại các cửa ngõ ở những đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội hiện nay.

Úng dụng công nghệ trong điều hành, quản lý, giao thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong điều hành, quản lý, điều hành giao thông đặc biệt tại các khu đô thị trung tâm. Hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, hệ thống điều khiển, kiểm soát giao thông cần thông minh và hiện đại hơn. Tăng cường pháp chế về giao thông; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông; hạn chế phương tiện xe cá nhân; kiểm soát tốc độ đô thị hóa và mức tăng dân số cơ học.

 NGUYỄN HẬU - TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên