Giai đoạn 1 Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương: Sẽ về đích sớm nhưng còn phải làm nhiều việc

Cập nhật: 12-04-2012 | 00:00:00

Thi công hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt ở đường Bạch Đằng (phường Phú Cường, TX.TDM)

 - Đây là dự án quan trọng nhằm thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của các đô thị phía Nam Bình Dương. Dự án được đầu tư trị giá 7,7 tỷ yên tương đương 1.980 tỷ đồng VN, trong đó có 80% vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và 20% vốn Việt Nam. Số lượng gói thầu trong dự án bao gồm các gói thầu khảo sát, thiết kế chi tiết và giám sát thi công công trình; san lấp nền xây dựng hàng rào nhà máy xử lý nước thải; mua sắm xe chuyên dùng, thiết bị vận hành và bảo dưỡng mạng lưới, nhà máy; xây dựng mạng lưới thu gom nước thải, các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải...

Sau 5 năm thực hiện, dự án đã được người dân đồng tình ủng hộ vì dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội. Bằng chứng là qua khảo sát, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đánh giá, tiến độ thực hiện dự án hoàn thành sớm hơn 1,5 năm so với hiệp định của 2 Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản đã ký kết; sớm hơn 6 tháng so với hợp đồng của Công ty Kolon Engineering & Construction Ltd. Co (Hàn Quốc). Có thể nói đến nay, giai đoạn 1 của Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương đã đạt 70% trên diện tích 752 ha ở nội ô TX.TDM bao gồm toàn bộ diện tích các phường Phú Cường, Phú Lợi, Chánh Nghĩa và một phần diện tích các phường Hiệp Thành, Phú Thọ, Phú Hòa. Như vậy, các địa phương này sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi dự án hoàn chỉnh.

- Đường phố thị xã hẹp, lại có hệ thống kỹ thuật dưới lòng đất như cống nước, ống cấp nước, dây cáp quang... tương đối hoàn thiện nên việc đào xới, lắp đặt thêm sẽ rất khó. Như vậy, liệu khi thi công có gây ảnh hưởng đến giao thông, cuộc sống sinh hoạt của người dân không, thưa ông?

- Trước khi triển khai thực hiện, Công ty chúng tôi yêu cầu các nhà thầu nghiên cứu kỹ về giải pháp, công nghệ và tổ chức thực hiện dự án nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và giao thông đi lại. Tuy nhiên, trong quá trình thi công vẫn gặp phải khó khăn. Nền địa chất của TX.TDM không đồng nhất, cụ thể từ quốc lộ 13 trở xuống sông Sài Gòn địa chất quá yếu, mực nước ngầm cao, chế độ triều cường bán ngập trong ngày và đường cống thu nước thải nằm sâu, nên khi thi công bị sạt lở nhiều, làm ảnh hưởng đến tiến độ và kinh phí. Cụ thể như các tuyến cống nằm dọc rạch Ông Đành, Bà Hên, Chú Hiếu, Thầy Năng... khi đào đường ống sâu 3 - 4m thì bị sạt lở, trước tình hình đó lực lượng thi công phải bỏ thời gian và kinh phí sửa chữa lại bờ mái kênh toàn bộ.

Khó khăn kế tiếp là các tuyến cống cấp 3 khi đi vào đường hẻm phải nằm sâu mới thu được nước thải, trong khi mặt bằng hẹp rất khó thi công. Việc đặt các trạm bơm nâng nằm trên nền đất của dân cũng cần đến công tác vận động, thế nhưng khi vận động được rồi thì giá đất thực tế thay đổi, công ty phải trình duyệt lại, cứ thế làm ảnh hưởng tiến độ thi công.

Dù khó khăn nhưng chúng tôi cố gắng đến mức thấp nhất không làm ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống sinh hoạt của người dân trong quá trình thi công.

- Có thể nói, giai đoạn thi công đường ống thu gom nước thải sinh hoạt cơ bản ổn, ông có thể cho biết bao giờ mới thực hiện được đấu nối nước thải sinh hoạt trong hộ gia đình?

- Tính đến tháng 3-2012, mạng lưới thu gom nước thải các trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải được triển khai đạt 50% trong tổng số 169.859m, trong đó ống cấp 3 thi công được 62%; ống cấp 2 thi công được 42,5%; ống chính thi công được 50,9%... Tiến độ nhà máy xử lý nước thải cũng đạt xấp xỉ 50%, trong đó các hạng mục phụ trợ như nhà xe, nhà xưởng, nhà điều hành, đường nội bộ đã cơ bản hoàn thành; các hạng mục xử lý chính như bể ASBR, bể nén bùn, trạm bơm bùn cũng hoàn thành trên 50%. Với tiến độ thực hiện như thế, tôi dự tính đến tháng 6 hoặc tháng 7 sẽ thực hiện được việc đấu nối nước thải sinh hoạt của các hộ dân.

- Mục đích đấu nối này để làm gì, thưa ông?

- Mục đích của việc đấu nối là thu gom trực tiếp (không cần qua hầm tự hoại) nước thải sinh hoạt (nước tắm, nước rửa thực phẩm, nước và phân từ nhà cầu) của các hộ gia đình để đưa về nhà máy xử lý nước thải bằng mạng lưới thu gom đã được xây dựng trong dự án. Nhà máy xử lý phải đạt tiêu chuẩn 5945-2005 loại A. Giai đoạn đấu nối cũng sẽ được vận hành chạy thử, trước mắt thu gom nước thải của khoảng 2.500 hộ gia đình với 2.000m3 nước thải tương đương (15% công suất vận hành), sau đó sẽ đấu nối 100% công suất vận hành giai đoạn 1 trong 5 năm tiếp theo.

Điều quan trọng là ngay từ bây giờ, chúng tôi rất cần các ngành phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức được vấn đề này và đồng thuận tham gia vì lợi ích bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng...

- Người dân đang cần biết cơ chế, chính sách tài chính về việc đấu nối này, ông có thể nói rõ hơn?

- Có 2 quy định trước khi đấu nối đó là cơ chế và chính sách tài chính. Đến nay, công ty chúng tôi cũng đang xây dựng cơ chế, chính sách tài chính đấu nối. Về cơ chế đấu nối, chúng tôi xác định đối tượng đấu nối là những hộ dân sinh sống trên địa bàn, trong đó phân biệt hộ giàu, hộ nghèo để tính toán thu cho đúng. Còn về chính sách tài chính, cụ thể là việc thu phí nước thải sinh hoạt, hình thức thu như thế nào thì còn tiếp tục tính toán. Chúng tôi dự tính sẽ thu phí nước thải trên phần trăm của phí nước cấp; phòng trừ nếu giá đắt quá, hộ dân không chịu đấu nối thì có thể đề nghị Nhà nước bù lỗ để ai cũng được đấu nối. Nói chung, cơ chế, chính sách tài chính cho việc đấu nối đã cơ bản xong nhưng tất cả phải chờ thông qua kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới biểu quyết mới bắt đầu thực hiện được.

- Sau khi thực hiện dự án, hầu hết các tuyến đường lộ lên các vết cắt làm xấu đi mặt đường, theo ông phải làm gì để mặt đường đẹp hơn?

- Chúng tôi cũng đã tính toán và sẽ thực hiện tái lập mặt đường sau khi dự án thi công hoàn chỉnh. Bởi điều này có liên quan đến việc giữ gìn mỹ quan của một đô thị văn minh, hiện đại. Đối với đường chính, chúng tôi sẽ tái lập 2 lần. Hiện nay, ở những tuyến đường làm xong sau khi trải nhựa vẫn lưu lại vết cắt. Để xóa vết cắt này, sau khi nghiệm thu công trình, đường hết lún, chúng tôi sẽ phủ lại lớp nhựa mới. Đối với đường hẻm, tùy theo từng con hẻm, nếu xin kinh phí được chúng tôi sẽ hoàn trả lại con đường cho người dân như ban đầu.

Giai đoạn 1 Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương sắp sửa hoàn thành nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Vấn đề quan trọng bây giờ là chúng tôi rất cần các cấp, các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và hưởng ứng một cách tích cực, vì sự bền vững của công tác bảo vệ môi trường và lợi ích cộng đồng xã hội hôm nay và mai sau.

MAI HUY (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên