Giai đoạn năm 2016 đến nay: Kinh tế Bình Dương tiếp tục tăng trưởng cao

Cập nhật: 17-07-2018 | 07:58:00

Qua hơn 2 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định. Kết quả này sẽ là nền tảng để Bình Dương hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

 Từ 2016 đến nay, kinh tế của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng cao. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

GRDP bình quân tăng 8,83%/năm

Kết quả nổi bật, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh bình quân giai đoạn 2016-2017 tăng 8,83%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng. Trong giai đoạn này, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tỉnh nhà bình quân tăng 8,87%/năm; giá trị dịch vụ tăng bình quân tăng 8,96%/năm; xuất khẩu duy trì được mức tăng trưởng bình quân 16,8%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 4%/năm.

Thời gian qua, triển khai xây dựng thành phố thông minh, xây dựng đô thị văn minh, giàu đẹp, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, Bình Dương đã tập trung đầu tư hạ tầng, nâng cấp đô thị. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung của tỉnh đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 100%, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 26,5m2/người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 77,9%. Riêng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương đã được đầu tư với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên hoàn khu vực và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2017 của tỉnh tăng bình quân 11,6%/năm. Hàng năm, Bình Dương đã cân đối khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, riêng năm 2018 là 6.500 tỷ đồng (chiếm 40% tổng chi ngân sách) để bố trí cho những công trình trọng điểm, bức xúc, có sức lan tỏa lớn để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về thu hút đầu tư, từ đầu năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã thu hút đầu tư nước ngoài đạt 84,3% kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Đến nay, toàn tỉnh có 3.389 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 30,83 tỷ USD, là một trong 3 tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, GRDP của tỉnh tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 8,2%; dịch vụ tăng 5,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%…

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá, trong giai đoạn 2016 đến nay Bình Dương vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Chất lượng tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; sản phẩm công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao còn chiếm tỷ lệ thấp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh sang phát triển đô thị, dịch vụ còn chậm. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, còn xảy ra ùn tắc giao thông ở một số tuyến đường trọng điểm.

Đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, quản lý đô thị ở các địa phương trong tỉnh còn xảy ra vi phạm. Nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đầu tư công trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, quan trọng còn chậm...

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết để khắc phục những vướng mắc, khó khăn nói trên, UBND tỉnh đã triển khai việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, kếhoạch tài chính ngân sách nhànước năm 2019 và các năm tiếp theo. Đồng thời, tỉnh đã và đang tăng cường công tác quản lý đất đai, khoáng sản và ô nhiễm môi trường; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác đền bù, giải tỏa. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; thực hiện đạt các mục tiêu của đề án thành phố thông minh...

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định trong thời gian tới tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; theo đó quyết liệt thực hiện cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, gặp gỡ lãnh đạo hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình kinh doanh, liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường. Tỉnh sẽ xây dựng chính sách khu, cụm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với đó tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp; kịp thời tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức nền tảng về hệ sinh thái khởi nghiệp, năng lực quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh...

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên