Giải pháp chấn chỉnh tiêu cực trong thi cử

Cập nhật: 08-12-2018 | 08:46:20

 Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố những điều chỉnh cơ bản mang tính giải pháp nhằm chấn chỉnh kỳ thi THPT quốc gia 2019 với kỳ vọng sẽ vá được những “lỗ hổng” dẫn đến tiêu cực đã diễn ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Trong đó, điều chỉnh cách xét công nhận tốt nghiệp; tổ chức chặt chẽ hơn việc xếp phòng thi, đặc biệt là với thí sinh tự do; thay đổi quy định về chấm thi trắc nghiệm theo hướng giao cho các trường đại học, cao đẳng trực tiếp chấm thi… là những điểm mới đáng chú ý trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

 Tiêu cực đáng chú ý trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là gian lận, chỉnh sửa điểm thi dẫn đến sự không công bằng đối với các thí sinh, gây hoang mang dư luận. Nguyên nhân dẫn đến tiêu cực này được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là do bài thi trả lời trắc nghiệm của thí sinh không được làm phách nên cán bộ thực hiện chấm thi dễ dàng biết được thông tin cá nhân của thí sinh. Đây chính là “lỗ hổng” đã tạo ra kẽ hở để một số cán bộ tham gia chấm thi can thiệp, sửa chữa bài thi, nâng khống điểm số cho thí sinh. “Lỗ hổng” này đã gây ra tiêu cực ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình trong kỳ thi THPT 2018, khi hàng chục bài thi của thí sinh được “phù phép” tăng điểm, thậm chí có bài thi được nâng khống đến 29 điểm, đưa một thí sinh từ bị điểm liệt trở thành thủ khoa, gây chấn động dư luận!

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tiêu cực là cùng với việc không làm phách bài thi, Bộ GD-ĐT còn giao cho Sở GD-ĐT các tỉnh tự chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Nhận xét về điều này, không ít chuyên gia giáo dục cho rằng đây là vấn đề để bệnh thành tích trỗi dậy, bởi địa phương nào cũng muốn thí sinh của tỉnh mình đạt điểm cao, đỗ được vào các trường đại học danh tiếng. Điều chỉnh của Bộ GD-ĐT về việc làm phách bài thi và giao cho các trường đại học, cao đẳng trực tiếp tổ chức chấm thi trắc nghiệm là hợp lý nhằm vá “lỗ hổng” tiêu cực đã từng xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Việc chuyển giao cho các trường đại học, cao đẳng chấm thi là hợp lý vì mục tiêu của các trường cao đẳng, đại học là hướng đến tìm kiếm thí sinh có chất lượng tốt cho đầu vào của các trường, không vì thành tích của các địa phương.

Bên cạnh điều chỉnh việc làm phách, công tác chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT còn điều chỉnh công tác tổ chức thi chặt chẽ hơn nhằm hạn chế những tiêu cực từ khâu sắp xếp phòng thi đến lựa chọn cán bộ coi thi, quản lý bài thi... Các trường đại học, cao đẳng địa phương sẽ không tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi tại địa phương như những năm trước; sử dụng camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày; tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi...

Hy vọng những điều chỉnh nói trên của Bộ GD-ĐT sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm chấn chỉnh những tiêu cực đã xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, giúp đánh giá đúng trình độ để tuyển chọn được những thí sinh đạt chất lượng cho bậc đào tạo cao hơn, góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên