Giải pháp để hội nhập và cạnh tranh: Nhà nước tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Cập nhật: 09-09-2016 | 10:09:56

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đảng và Nhà nước thời gian qua đã tập trung tạo thể chế, làm chính sách đầu tư, kinh doanh nhìn chung khá tốt. Theo ông, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường cạnh tranh nên phải xây dựng nhiều giải pháp tiến bộ để phục vụ phát triển doanh nghiệp (DN). Chính vì thế, DN và doanh nhân Việt Nam thời gian qua đã có sự lớn mạnh, góp phần xây dựng đất nước và cộng đồng quốc tế minh bạch. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng cho rằng phải nhìn nhận lại bức tranh hiện tại, tập trung thực hiện giải pháp, nhằm tạo môi trường đầu tư thật sự thuận lợi cho DN. Ở Bình Dương, Đảng, chính quyền đã và sẽ luôn đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường.


Sản phẩm gốm sứ truyền thống ở Thuận An vẫn được thị trường thế giới ưa chuộng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển

Theo báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của UBND tỉnh, tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,74% so với cùng kỳ (kế hoạch cả năm tăng 8,2%); trong đó, công nghiệp-xây dựng tăng 8,35%, dịch vụ tăng 7,51%, nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 3,91%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,37%. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng các ngành khai khoáng. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển với tác động tích cực từ cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các Hiệp định Thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia ký kết; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN,… được duy trì và phát triển. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh xuất siêu 1,925 tỷ đô là Mỹ. Mặc dù tình hình có nhiều khó khăn do hạn hán, thị trường tiêu thụ nông sản giảm... nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 5.401 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Ông Võ Văn Cư - Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Sở đã tích cực và chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương và cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Cụ thể, lượng đơn hàng xuất khẩu của các DN tăng 10 - 15% so cùng kỳ. Hầu hết các DN đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III và IV/2016. Trong 25 mặt hàng xuất khẩu, có 20 mặt hàng tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ . Đây là yếu tố giúp tỉnh xuất siêu cao nhất từ trước tới nay, hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đứng thứ 3 cả nước.

Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế

Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế năm 2016, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai Nghị quyết số 01/ NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tập trung chỉ đạo quyết liệt kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại với các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho DN.

Thực hiện các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tốt thị trường hiện có, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường tiềm năng. Tiếp tục xử lý hiệu quả nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng và khả năng tiếp cận vốn của DN và người dân. Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đúng mục đích, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN Nhà nước, triển khai chỉ đạo chặt chẽ công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ở các tổng công ty của tỉnh theo kế hoạch. Tăng cường các biện pháp phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi; phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Tiếp tục triển khai các giải pháp để cải thiện các chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế, chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Hành chính công gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Xây dựng lại hành lang pháp lý và văn hóa doanh nhân

Cùng với các nhóm giải pháp của UBND tỉnh Bình Dương, trong tình hình hội nhập và cạnh tranh gay gắt, từ cấp vĩ mô cũng có sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề ra 10 nhóm giải pháp, trước hết DN phải xây dựng chiến lược phát triển trong hội nhập, văn hóa doanh nhân, “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Đổi lại, Chính phủ, Nhà nước khi ban hành chính sách thì không được làm chính sách theo kiểu “sáng nắng chiều mưa”, không được hồi tố chính sách. Cụ thể, vừa qua các luật ban hành còn chậm so với yêu cầu thực tế, làm cho DN phải chờ đợi, bị khó khăn trong hoạt động. Có những trường hợp các thông tư và nghị định không rõ ràng, còn cảm tính, khiến nảy sinh nhiều cách nghĩ khác nhau trong cùng vấn đề, làm luật bị lạc hậu, trì trệ. Các cơ quan Nhà nước khi ban hành chính sách thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chính sách của mình đưa ra. Phải coi DN là đối tượng được phục vụ. Cơ quan Nhà nước phải thấm nhuần tư tưởng này để thực hiện trong thực tiễn. Song song đó, Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp để khuyến khích DN đẩy mạnh đầu tư, thành lập DN. Còn về phía DN, Thủ tướng cũng nhắc nhở, hiện từng DN vẫn chưa phát huy hiệu quả để tìm những giải pháp đột phá nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sức cạnh tranh của DN có chiều hướng giảm trong bối cảnh nền kinh tế rất cần động lực phát triển.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương được đánh giá là có chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cao, nằm trong top 3 của cả nước, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Song trong tình hình hội nhập hoàn toàn, các cấp Đảng, chính quyền, ngành chức năng, mà vai chính trong kịch bản là cộng đồng DN đang cố gắng hết sức thực hiện các giải pháp để cạnh tranh và phát triển. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý từ cấp vĩ mô, tỉnh Bình Dương hiện đang tích cực thực hiện các nhóm giải pháp để đồng hành cùng DN giữ vững tốc độ phát triển kinh tế và nâng cao chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

BẢO ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên