Giải pháp giúp doanh nghiệp khẳng định thương hiệu

Cập nhật: 03-07-2019 | 09:07:25

 Thời gian qua, chương trình cải tiến năng suất, chất lượng (NSCL) theo các công cụ NSCL như 5S (Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), Kaizen (cải tiến liên tục)… được nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng và đã đem lại kết quả khả quan. Đây còn là cơ sở để DN đạt các tiêu chuẩn của giải thưởng chất lượng quốc gia (GTCLQG).

 Giảm chi phí, nâng cao chất lượng  

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 500 DN, cơ sở sản xuất gốm sứ. Việc tìm kiếm giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất luôn được các DN này quan tâm. Ông Trần Chánh Tín, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty TNHH Cường Phát, cho biết công ty đã từng bước hiện đại hóa quy trình sản xuất và thay đổi một số trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiện, công ty vẫn gặp một số khó khăn, điển hình là hao hụt nguyên vật liệu còn cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Khi triển khai thực hiện các công cụ NSCL, nhiều vấn đề của công ty đã được tháo gỡ, hao hụt nguyên liệu sản xuất giảm, chất lượng sản phẩm được nâng lên.


 Với việc áp dụng các công cụ NSCL đã giúp các DN giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và khẳng định thương hiệu. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại nhà máy ở TP.Thủ Dầu Một của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á. Ảnh: HOÀNG PHẠM

“Tỷ lệ sản phẩm hư hỏng trong sản xuất của công ty giảm trung bình từ 3,5 - 4,1%/năm. Với việc cải tiến lò nung, triển khai thu hồi đất từ bùn thải, hàng năm công ty tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng chi phí nguyên liệu nung, tiết kiệm trung bình gần 26 triệu đồng/tháng cho chi phí nguyên liệu sản xuất”, ông Tín nói.

Đối với Công ty TNHH Nhật Tường (TX.Thuận An), áp dụng các công cụ nâng cao NSCL đã giúp công ty giải quyết được việc giảm số lượng phế phẩm trong quá trình sản xuất, giảm đi lại cho công nhân bằng việc dùng palet bánh xe để di chuyển nguyên liệu, thành phẩm và thay thế một số công đoạn làm bằng tay sang làm bằng máy. Từ đó giúp công ty giảm khá nhiều chi phí sản xuất.

Theo ông Lê Trung Thu, Công ty Cổ phần Sản xuất - Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Hà Nội (Haprosimex JSC) - Chi nhánh Bình Dương, tại nhà máy sản xuất của công ty ở Cụm công nghiệp Uyên Hưng (TX.Tân Uyên) được áp dụng công cụ 5S và Kaizen. Từ đó, công ty đã hạn chế được việc sản phẩm bị lỗi, loại bỏ được tình trạng hạt điều bể, vụn… giúp giảm chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt tỷ lệ đồng đều cao hơn. Sử dụng các công cụ này công ty tiết kiệm trung bình hơn 300 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), đánh giá việc cải tiến NSCL của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhất là các DN vừa và nhỏ, đã phát huy hiệu quả. Tại các DN, chi phí sản xuất giảm thiểu rõ rệt, tiết kiệm được nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, DN trên thị trường.

Kết nối giải thưởng chất lượng quốc gia

Theo các DN, khi tham gia GTCLQG họ được tiếp cận với 7 tiêu chí một cách cân nhắc chọn lọc, tương đối hoàn hảo. Các DN làm theo tiêu chí sẽ đem lại tính bền vững trong vận hành DN, trong đó có tiêu chí phải đáp ứng về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ông Lý Thái Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh, cho biết lợi ích của DN khi đạt được GTCLQL là rất nhiều, như nâng cao vị thế sản phẩm, hàng hóa; tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập; cơ hội tự học hỏi, tự kiểm tra đánh giá hệ thống quản lý chất lượng. Các DN này cũng được các bộ, ngành vàđịa phương quan tâm ưu đãi, hỗtrợtrong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại và các chương trình phát triển NSCL…

Nhằm tạo điều kiện cho các DN có điều kiện tham gia GTCLQG, tỉnh Bình Dương đã có Đề án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020. Ông Phước cho biết thông qua đề án này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ DN vừa và nhỏ của tỉnh áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, các mô hình, công cụ cải tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa - một trong những tiêu chí tham gia GTCLQG.

“Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho việc tư vấn xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến với mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ hệ thống; hỗ trợ cho DN áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng (đào tạo, tư vấn…) không quá 30 triệu đồng/công cụ. Mỗi DN có thể được hỗ trợ áp dụng 4 công cụ với số tiền không quá 120 triệu đồng”, ông Phước nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 712 về chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam đến 2020. Trên cơ sở này, các bộ, ngành liên quan triển khai đào tạo một đội ngũ chuyên gia các vùng miền, từ Trung ương đến địa phương. Đội ngũ này am hiểu các tiêu chí của thế giới cũng như một số yêu cầu khác nữa để tư vấn giúp DN am hiểu, đưa các tiêu chuẩn này vào DN.

 Qua việc áp dụng các công cụ NSCL, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng sản phẩm và đạt được GTCLQG. Có thể kể đến các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tôn Đông Á đạt giải Vàng GTCLQG năm 2015 và giải nhất Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017; Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát đạt giải vàng GTCLQG năm 2018; Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng, Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai và Công ty TNHH Thiên Dược đạt giải bạc GTCLQG năm 2017…

 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên