Giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm

Cập nhật: 13-02-2020 | 08:30:20

 Bình Dương hiện xếp thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của tỉnh vẫn chưa cao so với tiềm năng đang có. Để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, các chuyên gia cho rằng tỉnh cần phát triển mối liên kết doanh nghiệp (DN) địa phương và DN FDI.

 Dây chuyền sản xuất của Công ty Đại Tây Dương (Khu công nghiệp Đồng An). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 DN nội địa còn gặp nhiều khó khăn

Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty Điện cơ Sáng Ban Mai, cho biết đối với hàng công nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng nước ngoài hơn hàng trong nước và chưa có xu hướng nhiều “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực tế này là một trong những khó khăn của DN sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nội địa, nhất là đối với những DN chưa có thương hiệu. Bên cạnh đó, DN cũng gặp phải khó khăn lớn về giá sản phẩm khi thực hiện đấu thầu sản phẩm. Luật Việt Nam quy định không phân biệt hàng hóa Việt Nam với hàng hóa nước ngoài, nhưng trong thang điểm chấm thì lại chưa tương xứng. Hầu như thang điểm hàng hóa Việt Nam khi đấu thầu đều bị thấp hơn so với hàng nước ngoài.

Các chuyên gia cho biết, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển ngành công nghiệp địa phương và gia tăng xuất khẩu. Ngoài ra, chính sách nội địa hóa cũng giúp tăng nguồn thu ngân sách.

Ông Trọng cho biết thêm năm 2019, Công ty Điện cơ Sáng Ban Mai đạt mức tăng trưởng 30% về doanh thu và lợi nhuận. Theo kế hoạch đề ra, năm 2020 công ty phấn đấu tăng trưởng 20% so với năm 2019. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra hiện nay, chưa biết khi nào khống chế được, công ty sẽ phải điều chỉnh kế hoạch bởi một số linh phụ kiện của công ty phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ máy phát điện.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, chia sẻ hàng hóa nông sản Việt Nam vốn rất phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp trong nước chủ yếu vẫn được canh tác bằng phương pháp hóa học, trong khi thế giới đang phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ sản phẩm Organic. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi cần nhiều vốn, đầu tư công nghệ hiện đại, trong khi nhiều DN vừa và nhỏ lại khó khăn về nguồn vốn. Do vậy, chi phí cao khiến giá thành sản phẩm cao, nên các DN này khó phát triển sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm.

“Hiện sản phẩm của công ty được tiêu thụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó thị trường nội địa đang tiêu thụ nhiều sản phẩm Organic. Hiện chúng tôi chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng trong nước. Công ty đang mở rộng diện tích canh tác Organic, đầu tư công nghệ 4.0 trong sản xuất để tăng cao sản lượng tiêu thụ. Trong năm 2019, công ty tăng sản lượng 150% so với năm 2018”, ông Viên nói.

Hiện nay, nhiều DN nhỏ và vừa trong nước, nhất là các DN trong ngành phụ trợ như dệt nhuộm, da giày… đang gặp khó khăn về vốn, quỹ đất làm xưởng sản xuất để mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực công nghệ góp phần nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Theo ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lâm Việt, hiện các DN gỗ của tỉnh dồi dào về nguồn nguyên liệu, nhưng đa phần đang gặp khó khăn vì không có nguồn quỹ đất để mở rộng sản xuất.

Mối liên kết DN địa phương và DN FDI còn yếu

Theo kết quả khảo sát của Sở Công thương, tỷ lệ nội địa hóa của mẫu khảo sát trong 4 ngành cơ khí chế tạo, điện tử, dệt may và gốm sứ lần lượt là 57%, 32%, 40% và 96%.

Ngoại trừ ngành gốm sứ có tỷ lệ nội địa hóa cao, các ngành điện tử và dệt may có tỷ lệ nội địa hóa thấp vì phần lớn nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài. Khoảng 28% DN định hướng nội địa (tỷ lệ doanh thu xuất khẩu dưới 50%) và 51% DN định hướng xuất khẩu (tỷ lệ doanh thu xuất khẩu từ 50% trở lên) có hợp đồng dài hạn và ổn định với các DN nước ngoài. Riêng lĩnh vực dệt may, con số này tăng lên lần lượt là 45% và 65%.

Tương tự, số DN định hướng nội địa và xuất khẩu có hơp đồng dài hạn với các DN trong nước lần lượt là 34% và 16%. Kết quả này cho thấy liên kết giữa DN trong nước, DN xuất khẩu và DN FDI còn yếu hơn nhiều so với DN trong nước và DN xuất khẩu. Điều này cho thấy tỉnh chưa tận dụng tốt lợi thế thu hút FDI vào phát triển DN địa phương.

Ông Trọng cho hay, đối với ngành cơ điện, hiện tính liên kết mới đạt 10% DN trong nước có thể tiếp cận để cung cấp thiết bị điện.

Cần nhiều giải pháp

Theo ông Trọng, để phát triển mối liên kết giữa DN địa phương và DN FDI tỉnh cần có kênh kết nối chính thức giữa DN địa phương và DN FDI để DN cùng trao đổi, hỗ trợ, giới thiệu cung cấp sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cần có giải pháp khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm do DN trong nước sản xuất, nhất là các sản phẩm có thương hiệu, có chất lượng đạt chuẩn quốc tế; các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại cần dài hơi hơn. Cùng với đó, Chính phủ cần có điều chỉnh về thang điểm trong đấu thầu hàng hóa. Thực tế hiện nay, DN trong nước vẫn khó tiếp cận được với các DN FDI. Riêng các sản phẩm của Công ty Điện cơ Sáng Ban Mai phải bán qua đầu mối khác mới đến được các công ty FDI đầu tư tại Bình Dương.

Kiến nghị về giải pháp hỗ trợ DN vừa và nhỏ, ông Viên cho rằng Nhà nước cần có thêm các chính sách rộng mở hơn về nguồn vốn vay hỗ trợ DN trong nước; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận khoa học - kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Đại diện Sở Công thương cho biết, việc gia tăng năng lực công nghệ sẽ giúp DN gia tăng mức độ kết nối với các DN khác, mức độ đổi mới sản phẩm hoặc quá trình sản xuất và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Năng lực công nghệ cũng gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của DN. Như vậy, phát triển năng lực công nghệ của DN cũng là một trọng tâm của chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Để hỗ trợ DN nâng cao tỷ trọng nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu, tỉnh cần ưu tiên thu hút đầu tư từ những DN “đầu đàn” trong các ngành công nghiệp trọng yếu; cùng với đó xây dựng trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu; hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành; quyết liệt chống gian lận xuất xứ để bảo đảm lợi ích của DN địa phương…

 Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho DN. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11- 6-2014, mục tiêu tổng quát công nghiệp của tỉnh là phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tỷ lệ nội địa hóa cao, ít thâm dụng lao động.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên