Giải pháp xuất khẩu ổn định nông sản địa phương

Cập nhật: 11-05-2018 | 08:00:37

Hiện nay, nhu cầu về nông sản, thực phẩm của thị trường thế giới rất lớn. Bình Dương có nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu như cam, quýt, bưởi, măng cụt…, nhưng để các sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, địa phương và các doanh nghiệp trong tỉnh còn rất nhiều việc phải làm...

 Trang trại trồng cam của ông Nguyễn Thành Có, ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 Chú trọng xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ

Với chủ trương phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, đến nay Bình Dương có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng như bưởi, cam, quýt... Trong toàn tỉnh đã và đang hình thành nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, tập trung ở các địa phương Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo. Sự chuyển dịch trong sản xuất theo hướng công nghệ cao đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị các loại nông sản trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo sự liên kết, tỉnh đã tổ chức các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện Bàu Bàng thời gian gần đây là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, ngành công thương, nông nghiệp của tỉnh và các địa phương cũng đã triển khai hàng loạt giải pháp kích cầu kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nhận thấy tiềm năng xuất khẩu lớn của nông sản tại địa phương, những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực nông sản trên địa bàn tỉnh, bước đầu có những thành công nhất định. Đến nay, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã trực tiếp ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất sản phẩm nông sản, tiếp tục mở rộng kế hoạch thu mua, xuất khẩu các sản phẩm nông sản, tuy nhiên đối với hộ sản xuất thì số lượng ký kết chưa nhiều. Tại hội nghị phổ biến kiến thức về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được tổ chức mới đây tại Bình Dương, đại diện nhiều doanh nghiệp thừa nhận điểm yếu của hàng hóa nông sản trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ không liên tục nên rất khó khăn trong việc liên kết, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Theo các doanh nghiệp, muốn sản phẩm có chất lượng đồng bộ bắt buộc phải đầu tư xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng bài bản, đồng thời xây dựng các chợ đầu mối nông sản để thu gom, trung chuyển, phát luồng hàng hóa. Bên cạnh đó, để xuất khẩu ra nước ngoài, các địa phương, doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung các loại cây ăn quả, rau có tiềm năng, lợi thế, đủ điều kiện để tham gia xuất khẩu. Cùng với đó, cần xây dựng đề án và triển khai mô hình sản xuất, thu hái, bảo quản loại quả và sản phẩm trong định hướng xuất khẩu để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường phát triển; tiếp tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nâng cao chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu...

Có tiềm năng, nhưng không dễ thành công

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Bình Dương. Có thể kể đến các tập đoàn lớn như Aeon, Lotte… Việc quảng bá thương hiệu nông sản của Bình Dương nhờ đó cũng có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương khác. Song, để tìm hướng đi bền vững cho nông sản địa phương là vấn đề không hề đơn giản. Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết theo chủ trương chung và định hướng phát triển công nghệ cao của tỉnh, thời gian qua sở đã hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh và đã đạt được kết quả tốt. Vấn đề quan tâm hiện nay là cần tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu các nông sản thế mạnh của địa phương.

Theo bà Bùi Kim Thùy, cán bộ phụ trách mảng hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Công thương, trước yêu cầu phát triển, các hiệp hội, doanh nghiệp đặt nhiều vấn đề cần thông tin thị trường, trong đó có sự phân tích rõ thị trường trọng tâm, thị trường tiềm năng. Khi nắm rõ thông tin về thị trường xuất khẩu, các địa phương sẽ có phương án tập trung chỉ đạo bảo đảm vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu tốt hơn. Ví dụ, thị trường Nhật Bản thì như thế nào; thị trường Mỹ, châu Âu cần cái gì, quy chuẩn ra sao…

Xung quanh vấn đề phối hợp thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng nông sản khi các FTA mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, các chuyên gia cho biết nhiều năm qua, nông sản của Việt Nam phát triển mạnh nhưng điểm yếu là thương hiệu còn hạn chế, nên đã ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm nông sản trong nước. Hiện tại, việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam mới dừng ở mức khuyến khích, nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập như hiện nay; riêng đối với doanh nghiệp thì hầu như chỉ mạnh ai nấy làm, khi nói đến xây dựng thương hiệu ngành, khu vực thì khó có sự đồng thuận, hợp tác. Thêm vào đó, với nhóm hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu, hầu hết đều xuất khẩu thông qua một số nhà nhập khẩu của nước ngoài hoặc một số đầu mối. Chính vì thế, trên thị trường nước ngoài, nhiều khách hàng chỉ biết đó là sản phẩm của Việt Nam, chứ không biết sản phẩm đó do doanh nghiệp nào cung ứng ra thị trường, nó thuộc địa phương nào của Việt Nam, mã vạch ra sao… Đây chính là một bất lợi rất lớn cho ngành nông nghiệp trong nước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều FTA như hiện nay, cần phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu các mặt hàng nông sản. Với địa phương, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, bảo đảm các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính như khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh. Cùng với đó, phải thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.

 Bà Bùi Kim Thùy, cán bộ phụ trách mảng hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Công thương, cho biết khó khăn mà ngành nông nghiệp trong nước đang đối mặt là những rào cản tại thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, đồng thời sẵn sàng tâm thế ứng phó với rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại do các thị trường dựng lên. Về mặt vĩ mô, nước ta đã và đang đàm phán với các nước để tháo gỡ rào cản về thị trường. Tuy vậy, các địa phương cũng phải quan tâm tổ chức sản xuất theo chuỗi từ nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến thương mại, tiêu thụ sản phẩm… Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi nhằm mục đích cắt giảm chi phí, quản lý được chất lượng sản phẩm cũng như hài hòa được lợi ích của các đối tác trong chuỗi giá trị; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nhau, các cá nhân tham gia hợp tác xã, từ đó hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng…

 TIỂU MY   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên