Giải quyết hồ sơ người có công: Khó cũng phải làm!

Cập nhật: 21-07-2017 | 08:37:51

Để đối tượng chính sách được hưởng đúng, đủ chế độ, Bình Dươngđ ã thực hiện tốt công tác giải quyết hồ sơ người có công (NCC). Trong quá trình giải quyết hồ sơ NCC tuy còn gặp một số khó khăn , nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự nhiệt tình của cán bộ phụ trách chính sách từ tỉnh đến cơ sở, nên nhiều hồ sơ của người có công đã được thực hiện dứt điểm.

 Tiếng nói người trong cuộc  

Một chiều giữa tháng 7, theo chân anh Trần Hữu Phúc, cán bộ Ban Thương binh - Xã hội (TB-XH) phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi đến gia đình bà Hứa Thị Mỹ Liên (SN 1942), ngụ khu phố 3. Trong căn nhà khang trang, bà Liên vui mừng kể lại quá trình được giải quyết hồ sơ hưởng chế độ người nhiễm chất độc hóa học.

Trước đây, bà cùng chồng tham gia kháng chiến chống Mỹ tại Bù Gia Mập, Bình Phước vào những năm 1970. Góp sức cho kháng chiến, ông và bà được tặng nhiều huân, huy chương, riêng bà được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì. Hòa bình lập lại, bà về sống tại phường Chánh Nghĩa cùng còn trai. Lớn tuổi, sức khỏe yếu, bà đi khám bệnh mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Với kết quả xét nghiệm đó, bà được cán bộ TB-XH phường hướng dẫn làm hồ sơ để hưởng chính sách người nhiễm chất độc hóa học.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo tỉnh họp giải quyết hồ sơ tồn đọng vào tháng 6-2017. Ảnh: T.LÝ

Bà Bùi Thị Bé (SN 1948), ở thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo bị thương trong kháng chiến chống Mỹ. Về sau, được sự giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo, cán bộ TB-XH thị trấn Phước Vĩnh giúp bà hưởng chính sách dành cho thương binh vào năm 2015. Ông Phạm Xuân Hào, cán bộ TB-XH thị trấn Phước Vĩnh, cho biết trước đây bà Bé sống tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo. Sau này, mới chuyển về sinh sống tại thị trấn Phước Vĩnh nên để giải quyết hồ sơ NCC cho bà phải có sự phối hợp giữa 2 địa phương. Ban đầu, thị trấn Phước Vĩnh làm đơn nhờ cán bộ TB-XH xã Phước Hòa xác minh quá trình tham gia hoạt động kháng chiến của bà. Sau đó, thị trấn Phước Vĩnh đưa bà đi giám định y khoa để xác định mức độ thương tật. Thời gian hoàn thành hồ sơ cho bà gần 2 năm. “Nhờ hưởng chế độ thương binh, gia đình tôi được hỗ trợ rất nhiều. Ngày lễ 27-7, tết được nhận quà từ tỉnh, huyện, xã. Nhận được sự quan tâm này tôi nghĩ sự hy sinh của mình cho kháng chiến là hoàn toàn xứng đáng”, bà Bé tâm sự.

Giải quyết đúng, đủ chế độ

Nói về việc giải quyết hồ sơ cho đối tượng chính sách, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết việc xác nhận và bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với những người đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Với sự quyết tâm vào cuộc của Sở LĐ- TB&XH, việc giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng NCC trên địa bàn tỉnh kịp thời.

Hiện nay, Bình Dương đang quản lý trên 60.000 đối tượng NCC. Trong đó, phong tặng và truy tặng cho 2.083 mẹ danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 81 mẹ); 16.309 liệt sĩ; 5.847 thương bệnh binh các hạng; 833 cán bộ hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; giải quyết chế độ cho 1.299 cán bộ hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học…; đang thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho 8.607 đối tượng với kinh phí bình quân trên 12,5 tỷ đồng/ tháng. Ngoài những chính sách được quy định trong Pháp lệnh Ưu đãi đối với NCC với cách mạng, Bình Dương thực hiện nhiều phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng và đã mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Bình Dương vẫn còn hồ sơ NCC chưa được giải quyết. Đây là những hồ sơ lâu năm, khá phức tạp, có nhiều vướng mắc, đòi hỏi phải có cách vận dụng phù hợp với từng trường hợp. Vướng mắc chủ yếu là nhiều người làm chứng không còn sống; có những nội dung xác nhận nêu chung chung hoặc mâu thuẫn ngay trong nội dung của người làm chứng; phải xác minh nhiều lần, ở nhiều nơi… Đối với Sở LĐ-TB&XH, năm 2017, đang hoàn thiện 20 hồ sơ được xác lập trước ngày 1-7- 2013 đề nghị công nhận liệt sĩ gửi Bộ LĐ-TB&XH xem xét.

Về giải quyết hồ sơ tồn đọng, bà Nguyễn Ngọc Hằng cho biết thêm, thực hiện Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH về việc ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và thành lập ban chỉ đạo, tổ xác minh giải quyết hồ sơ tồn đọng. Thời gian tới, cùng với việc đổi mới tuyên truyền, tăng cường đối thoại, sở phối hợp các địa phương, các ngành liên quan phổ biến kịp thời những quy định về thực hiện chính sách đối với NCC; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, phát hiện, tổ chức xác minh, hoàn thiện hồ sơ theo quy trình, bảo đảm những người thực sự có công với nước được công nhận và giải quyết chế độ.

Ông PHẠM VĂN CÀNH, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, các địa phương rà soát chính sách, hoàn thiện hồ sơ để NCC hưởng đúng chế độ. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo để tất cả NCC đều hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, từ đó giúp họ có cuộc sống ổn định. Đây cũng là việc làm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Bình Dương.

Ông HUỲNH VĂN TÝ, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Cố vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về giải quyết hồ sơ tồn đọng NCC

Bình Dương đã thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ NCC và chăm lo tốt các đối tượng chính sách. Đối với những hồ sơ còn tồn đọng, yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát, tập hợp các giấy tờ, hồ sơ, từ đó tham mưu cho tỉnh báo cáo đầy đủ, xuyên suốt quá trình giải quyết và ý kiến của các cá nhân, tổ chức liên quan gửi về Bộ LĐ-TB&XH xem xét giải quyết.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên