Giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng: Cần giải pháp lâu dài

Cập nhật: 09-06-2017 | 10:10:04

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011- 2015, đến nay việc xử lý và tái cơ cấu hệ thống các TCTD trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy vậy, bên cạnh nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại, vẫn còn một số khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Gỡ nút thắt

Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (VCB) chi nhánh Bình Dương cho hay, một trong nhiều trường hợp vi phạm hợp đồng tín dụng, ngân hàng đã khởi kiện từ những năm trước nhưng đến nay vẫn không thể đấu giá, phát mãi được do tài sản bất động sản (đất) được thế chấp có nhà ở; khi xử lý tài sản bất động sản thì phải thì xử lý nhà. Nếu đối tượng vay vốn không đồng thuận thì đơn vị không thực hiện được thủ tục chuyển giao tài sản bất động sản cho người mua.

 Nợ xấu đã, đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế của đất nước. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Sacombank chi nhánh Bến Cát. Ảnh: THANH HỒNG

Dẫn chứng việc chậm xử lý tài sản bảo đảm đang gây khó khăn cho cả khách hàng và ngân hàng, đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) chi nhánh Bình Dương cho biết, thời gian giải quyết một vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng tại tòa án khoảng 2 năm, nhưng thực tế thời gian thường kéo dài hơn. Trong thời gian thụ lý vụ việc khách hàng vay vẫn phải tiếp tục thanh toán nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng, lãi phạt theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ vay này. Nếu thời gian giải quyết càng lâu, các khoản lãi vay, lãi phạt người vay phải trả cho ngân hàng càng tăng. Điều này tăng thêm gánh nặng và gây thiệt hại kinh tế đối với người vay.

Hiện nay, trước 2 luồng ý kiến nên hay không nên dùng ngân sách để xử lý nợ xấu đang khiến các ngân hàng có nhiều băn khoăn. Bà Vương Thị Lang Hương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Khu công nghiệp Sóng Thần cho rằng, việc định giá tài sản bảo đảm đang thiếu công khai và minh bạch. “Tại sao khi ngân hàng giới thiệu người mua tài sản đấu giá với giá cao nhưng lại bị cơ quan đấu giá tài sản giải thích vòng vo, từ chối. Trong khi giá trị thực tài sản đấu giá chênh lệch quá nhiều so với giá thị trường khiến ngân hàng có muốn thu đủ lại phần vốn vay cũng không thu được. Như vậy, rất cần có một cơ quan thi hành pháp luật riêng lẻ, tách bạch để vấn đề xử lý nợ xấu được nhanh chóng”, bà Hương nói.

Cần cơ chế giải quyết nợ xấu hiệu quả

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, tuy vậy nợ xấu của ngành ngân hàng tại Bình Dương vẫn ở mức khá thấp. Tính đến cuối tháng 4-2017, tỷ lệ nợ xấu là 1.003 tỷ đồng, chiếm 0,74% trên tổng dư nợ so với 3% của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp nhưng cũng gây ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng cũng như nền kinh tế. Một khoản tiền 1.003 tỷ đồng không thể đưa vào lưu thông, bị giữ ở các tài sản bảo đảm sẽ gây lãng phí cho xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Do đó, nếu sớm xử lý được 1.003 tỷ đồng nợ xấu này cũng đồng nghĩa ngành ngân hàng tại Bình Dương tái tạo được khoản vốn này vào nền kinh tế.

Ý kiến chung từ đại diện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, nợ xấu chính là lý do khiến nhà băng không dám tiếp tục cho vay, dù nguồn vốn không thiếu. Ngân hàng thận trọng hơn với các khoản vay để tránh nợ xấu tiếp theo, dẫn đến hậu quả là các ngân hàng có tiền mà không cho vay được, còn doanh nghiệp thì vẫn tiếp tục khát vốn.

Theo đại diện ACB chi nhánh Bình Dương, vấn đề trọng tâm hiện nay là cần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, bởi nó làm tắc nghẽn dòng tín dụng trong nền kinh tế của nước ta. Nên áp dụng kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước như Italia, Mỹ theo cơ chế xử lý ngoài tầm, tức là ngân hàng được quyền bán tài sản nếu người vay vi phạm nghĩa vụ (không trả nợ đúng hạn) và có sự điều tiết của Chính phủ, từ đó sẽ làm giảm đáng kể chi phí cho người dân và ngành ngân hàng. Đại diện ngân hàng này cũng cho biết, việc cho ra đời các cơ chế phù hợp và đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn thì việc giải quyết nợ xấu sẽ đi vào thực chất, nợ mới sẽ “sạch” trên bảng cân đối của các ngân hàng thương mại.

Cùng chung ý kiến cần sớm có nhiều công cụ để làm giảm áp lực cho ngân sách, bà Hương cho rằng khi doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ xấu phát sinh thì ngân hàng cũng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm và xử lý. Do vậy, ngành ngân hàng mong muốn có kênh, công cụ để làm lành mạnh hóa phần nợ xấu bằng cách tiếp tục cho vay hoặc đầu tư vào quỹ, công ty thông qua hình thức góp vốn, chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi. Với những doanh nghiệp có khả năng phục hồi sẽ chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn để hỗ trợ thanh khoản giúp đơn vị đó tồn tại. Mặt khác, chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần và các ngân hàng (chủ nợ cũ) sẽ trở thành cổ đông lớn góp vốn nắm đa số cổ phần đối với những doanh nghiệp có thể phục hồi. Nhờ đó sẽ giải phóng bớt khối lượng nợ đang đọng trong các khoản nợ xấu, cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được.

 Tính đến ngày 31-12-2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn thành nợ xấu thì tỷ lệ này đã lên tới 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Như vậy, trong bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn đang có nguy cơ tăng trở lại, việc sớm ban hành cơ chế, chính sách đối với việc xử lý nợ xấu sát thực tế được kỳ vọng việc giải quyết “cục máu đông” nợ xấu cho cả nền kinh tế.

 “Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam là một vấn đề đặc biệt khó khăn. Để giải quyết nợ xấu một cách triệt để, cần có giải pháp tổng thể và lâu dài. Trong đó, cần phải có sự tham gia của các bên là các tổ chức, cá nhân, ngân hàng thương mại và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị để cùng chia sẻ thực tế, qua đó tìm giải pháp giải quyết phù hợp”.

(Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Mai, Khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một)

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên