Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường: Chủ động phòng ngừa từ xa

Cập nhật: 16-05-2018 | 08:15:19

Những năm qua, trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương chịu áp lực lớn về vấn đề môi trường. Do vậy, việc đánh giá hiện trạng, xác định các vấn đề môi trường và kịp thời đề ra những giải pháp khắc phục là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của tỉnh.

 Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, UBND tỉnh đã ban hành danh mục các ngành nghề, vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường (ONMT) trên địa bàn tỉnh và các giải pháp phòng ngừa, xử lý, góp phần cải thiện chất lượng môi trường trong khu vực.

Ông Trần Văn Nam (thứ hai từ phải sang), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khảo sát tình hình tại kênh Ba Bò. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Bên cạnh 12 ngành nghề có nguy cơ xảy ra ONMT, sự cố ONMT, toàn tỉnh có 7 vùng, địa điểm có nguy cơ ONMT nước mặt thuộc địa bàn huyện Bàu Bàng, các thị xã Bến Cát, Dĩ An, Tân Uyên, Thuận An và TP.Thủ Dầu Một, 3 vùng, địa điểm có nguy cơ ONMT nước dưới đất thuộc các thị xã Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An, 2 vùng, địa điểm có nguy cơ ONMT không khí thuộc các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và 13 vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường thuộc các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, các thị xã Dĩ An, Bến Cát, Thuận An và TP.Thủ Dầu Một.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thời gian qua, công tác phòng ngừa ONMT luôn được sở quan tâm, bằng việc thực hiện đúng chủ trương của UBND tỉnh trong việc lựa chọn thu hút các nhà đầu tư tại địa phương. Theo đó, đối với các ngành nghề có nguy cơ xảy ra ONMT, sự cố ONMT nằm trong danh mục ban hành thì xem xét cụ thể, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định cho phép đầu tư thực hiện dự án; kiên quyết từ chối những dự án không bảo đảm các yêu cầu về BVMT; hạn chế tối đa việc thu hút những dự án có lưu lượng nước thải lớn, kể cả trong và ngoài khu công nghiệp. Tỉnh chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, đi đôi với khuyến khích đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, từ đó từng bước kiểm soát ô nhiễm, nâng cao công tác quản lý nhà nước, góp phần BVMT và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Để phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường các vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ONMT, sự cố môi trường, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp: Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 23 nhiệm vụ, đề án trọng tâm và 14 dự án ưu tiên đầu tư trong Kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020; ưu tiên thu hút các ngành nghề sạch, công nghệ sản xuất tiên tiến. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm sau khi cấp phép đầu tư; kiên quyết không cho những cơ sở mới chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định đi vào hoạt động, không cấp phép cho các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp xả nước thải trực tiếp ra môi trường, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt được UBND tỉnh cho phép.

Giải quyết triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò

Hiện nay, kênh Ba Bò tiếp nhận 3 nguồn thải lớn của tỉnh Bình Dương, gồm các Khu công nghiệp Sóng Thần I, Sóng Thần II; 36 doanh nghiệp ở ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và 6 cụm dân cư, tổng lượng nước thải khoảng 20.000 m3/ ngày. Theo thống kê, kênh Ba Bò mỗi ngày tiếp nhận 14.000 m3 nước thải công nghiệp trên tổng 20.000 m3 nước thải đổ vào kênh. Việc đưa vào hoạt động hồ điều tiết với hệ thống bơm và quan trắc tự động, xử lý sinh học sẽ góp phần kiểm soát ô nhiễm nguồn thải; đồng thời, với nhiều giải pháp như nạo vét bùn và rác thải, cải tạo kênh, vận hành nhà máy xử lý nước thải, quan trắc nước tự động… vấn đề môi trường tại kênh Ba Bò đang được giải quyết tốt.

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng phối hợp đồng bộ trong nhiệm vụ BVMT. Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các tuyến thoát nước của 2 Khu công nghiệp Sóng Thần I, Sóng Thần II; xử lý nghiêm khi phát hiện trường hợp cơ sở xả nước thải không đạt quy chuẩn môi trường ra kênh Ba Bò; đồng thời lập phương án và triển khai xây dựng hệ thống thoát nước cho các khu dân cư trên địa bàn TX.Dĩ An. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không xả rác và xả nước thải trực tiếp vào kênh; tăng cường giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải của các khu công nghiệp; triển khai và đẩy nhanh tiến độ đấu nối nước thải của các hộ dân nằm trên lưu vực kênh Ba Bò...

 Đến nay, toàn tỉnh đã có 62/93 nguồn thải lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động, qua đó đã kiểm soát được 78% tổng lưu lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng chủ động xác lập danh sách các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng để tập trung xử lý nhằm khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành danh mục cơ sởgây ONMT đểtập trung xửlý. Đến nay, toàn tỉnh có 268/269 cơ sở nằm trong danh sách cơ sởONMT nghiêm trọng đã hoàn thành khắc phục ô nhiễm.

 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên