Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai Trần Thành Trọng: Người dày công gầy dựng máy phát điện mang thương hiệu Việt

Cập nhật: 26-10-2012 | 00:00:00

Ông Trần Thành Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, bước vào con đường kinh doanh khi ở tuổi 28. Ông là một trong những doanh nhân đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công ý tưởng sản xuất, lắp ráp máy phát điện công nghiệp mang thương hiệu Việt. Sau 11 năm cố gắng gầy dựng, Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai do ông điều hành đã bám vững thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường thế giới, khẳng định chất lượng máy phát điện mang thương hiệu Việt.

Xây dựng thương hiệu

Tốt nghiệp ngành điện trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh năm 1996, Trần Thành Trọng đầu quân cho một công ty chuyên về máy phát điện. Từ năm 1996 đến nay, ông chỉ chú tâm vào những công việc liên quan đến máy phát điện. Năm 2001, ông mua lại Công ty SG Ban Mai, tiền thân của Công ty Sáng Ban Mai hiện nay. Hơn 11 năm qua, ông Trần Thành Trọng đã cố gắng gầy dựng, đưa công ty ngày càng phát triển. Hiện công ty có 3 công ty thành viên, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 100 tỷ VND, 80% doanh thu là từ nội địa. Sản phẩm chính của công ty là máy phát điện công nghiệp công suất 10-2.500 KVA mang thương hiệu Việt Sbmpower. Ông Trọng cho biết: “Máy phát điện Sbmpower rẻ hơn sản phẩm nhập từ các nước nhóm G7 từ 15-40%, nhưng chất lượng tương đương; hơn hẳn sản phẩm cùng loại lắp ráp tại Singapore, Malaysia và bỏ xa hàng lắp ráp tại Trung Quốc”.

 Công nhân Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai kiểm tra chất lượng máy phát điện trước khi xuất xưởng tại nhà máy ở KCN Mỹ Phước 2 Năm 2010, Sbmpower là 1 trong số 50 nhãn hàng được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng chứng nhận và biểu trưng của giải thưởng “Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam”. Đây là giải thưởng được xét trên các tiêu chí về năng lực cạnh tranh, chiến lược đầu tư, hệ thống quản lý chất lượng và đặc biệt là uy tín của sản phẩm đối với công chúng. Ông Trần Thành Trọng cho biết, phương hướng tới Công ty Sáng Ban Mai tiếp tục phát triển sản phẩm máy phát điện diesel Sbmpower chất lượng cao, sử dụng linh kiện từ các hãng nổi tiếng như Cummins (Mỹ), Perkins (Anh), Fpt-Iveco (Ý), Isuzu, Mitsubishi (Nhật), Doosan (Hàn Quốc)… Để thực hiện thành công dự án này, năm 2013 công ty sẽ khởi công và hoàn thiện giai đoạn 2 của nhà máy Sbmpower tại KCN Mỹ Phước, với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty sẽ tăng cường củng cố thị trường nội địa, phát triển xuất khẩu, đặc biệt xuất sang thị trường Myanmar. Hiện công ty đã thành lập công ty con tại Myanmar và đang xúc tiến xây dựng phòng trưng bày sản phẩm tại Myanmar.

Hướng về cộng đồng

Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai hiện có hơn 100 cán bộ - công nhân viên (CB-CNV), mức lương bình quân đạt 5 triệu đồng/ người/tháng đối với công nhân và từ 15-22 triệu đồng/tháng đối với cán bộ quản lý. Công ty luôn thực hiện đầy đủ chính sách đối với nhân viên theo quy định.

Bên cạnh chăm lo cho người lao động, công ty còn hướng về cộng đồng bằng việc làm cụ thể như tham gia các công tác từ thiện-xã hội với kinh phí từ 100-200 triệu đồng mỗi năm. Năm 2008, Công ty được Bộ trưởng Bộ Công an tặng kỷ niệm chương “Tấm lòng vàng” do tham gia trong các chương trình từ thiện của Báo Công an Nhân dân. Năm 2010, công ty được UBND quận Phú Nhuận (nơi công ty đặt văn phòng đại diện) tặng bằng khen “Vì người nghèo”. Năm 2011- 2012, công ty tiếp tục tham gia các chương trình khác như “Vì gia đình các liệt sĩ hải quân hy sinh ở đảo Gạc Ma, Trường Sa”, của Báo Thanh Niên, “Nghĩa tình Trường Sơn” của Báo Sài Gòn Giải Phóng, ủng hộ Quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo quê hương Bình Định.

Ông Trọng cho biết thêm, ông rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cũng như sử dụng nhân tài. “Vì họ cũng như mình ngày xưa, rất cần một mảnh đất dụng võ. Chúng tôi luôn cố gắng giữ chân những người tài và có đạo đức và không quên đào tạo một lớp nhân sự kế cận, dự phòng. Chúng tôi chưa có nhân tài, nhưng đã hình thành được lớp cán bộ quản lý chuyên nghiệp, gắn bó với từng bộ phận trong công ty và tôi luôn tin tưởng họ. Thành công hôm nay của Sáng Ban Mai là có sự góp công của họ!”, ông Trọng nói.

Trên bước đường lập nghiệp, câu chuyện mà tôi còn nhớ mãi là vào năm 1999, khi mới bắt đầu tập tành kinh doanh tôi có ý tìm mua chiếc điện thoại di dộng để dùng. Sau khi đắn đo mãi, tôi quyết định đến một cửa hàng chuyên bán điện thoại di động để mua một cái điện thoại hiệu Nokia đã qua sử dụng. Cùng lúc đó có một anh đi chiếc xe hơi hiệu Toyota Land Cruiser (sau này tôi mới biết anh ấy là một doanh nhân trẻ nổi tiếng) bước vào cửa hàng và mua cùng lúc 3 cái điện thoại đắt tiền nhất lúc đó. Giây phút đó, tôi nghĩ mình phải phấn đấu để được như vậy. Giờ đây, tuy có được chút thành công, nhưng tôi luôn nhớ về câu chuyện ngày ấy để nhắc nhở mình phải cố gắng hơn…

(Ông Trần Thành Trọng)

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên