Giảm “gánh nặng” cho giáo viên tiểu học

Cập nhật: 29-08-2016 | 08:09:22

Thay đánh giá học sinh Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành bằng ba mức A, B, C; bỏ Sổ theo dõi chất lượng giáo dục… để giảm tải cho giáo viên, là những nội dung sửa đổi Thông tư 30 vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) công bố nhằm lấy ý kiến dư luận trước khi chính thức áp dụng cho năm học mới 2016-2017. Với tinh thần kế thừa những ưu điểm và khắc phục những bất cập của Thông tư 30, Dự thảo Thông tư 30 sửa đổi là tín hiệu lạc quan, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh và nguyện vọng của giáo viên tiểu học.

 Ưu điểm của Thông tư 30 là giảm sức ép điểm số hàng ngày đối với học sinh, giúp các em tự tin để phát huy các mặt tích cực trong học tập bằng đánh giá nhận xét, không chấm điểm. Qua 2 năm triển khai, Thông tư 30 bộc lộ những bất cập cần khắc phục. Dự thảo Thông tư 30 sửa đổi lần này đã “lượng hóa” theo hướng giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để đánh giá học sinh theo 3 mức A, B, C. Bên cạnh các bài kiểm tra cuối kỳ, dự thảo sửa đổi quy định tăng thêm một bài kiểm tra tiếng Việt, một bài kiểm tra toán vào giữa kỳ đối với học sinh lớp 4 và lớp 5. Các bài kiểm tra giữa và cuối kỳ sẽ được chấm theo thang điểm 10, không chấm điểm 0 và điểm thập phân. Mặc dù được sửa đổi theo hướng “lượng hóa”, nhưng dự thảo sửa đổi vẫn duy trì được yêu cầu cốt lõi của Thông tư 30 là “đánh giá nhận xét, không chấm điểm”.

Sau hai năm thực hiện, điều khiến các giáo viên tiểu học kêu ca nhiều nhất về Thông tư 30 là phải ghi nhận xét quá nhiều. Dự thảo lần này cho phép giáo viên được quyền chủ động nhận xét bằng lời, ghi nhận xét sao cho phù hợp, bỏ quy định cứng nhắc về đánh giá nhận xét thường xuyên. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, dự thảo sửa đổi theo hướng bỏ yêu cầu “giáo viên ghi nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, kết quả học tập, rèn luyện, biện pháp giúp đỡ học sinh”, sẽ giúp giáo viên giảm tải việc ghi chép sổ sách hàng ngày, dành nhiều thời gian hơn cho việc dạy học. Đây là một trong những điểm mới nhằm giảm “gánh nặng” cho giáo viên, thay vì phải thực hiện hàng ngày như trước đây.

Mặc dù Thông tư 30 sửa đổi có những điểm mới tích cực, nhưng theo ý kiến của nhiều giáo viên, dự thảo cho phép phụ huynh, học sinh cùng đánh giá năng lực của học sinh là chưa phù hợp. Đa số những ý kiến này đều cho rằng, ở độ tuổi tiểu học, việc đánh giá bạn của các cháu còn nhiều cảm tính, nên nếu giáo viên tổ chức buổi đánh giá không khéo sẽ khiến việc đánh giá, góp ý thành “đấu tố” lẫn nhau. Còn để phụ huynh đánh giá học sinh sẽ không tránh khỏi chuyện “con hát mẹ khen hay”! Về phía phụ huynh, không ít ý kiến cho rằng, Thông tư 30 sửa đổi không bắt buộc giáo viên phải nhận xét học sinh mấy lần trong tuần, trong tháng dễ dẫn đến tình trạng giáo viên thiếu quan tâm học sinh. Từ đó sẽ tác động làm giảm động cơ phấn đấu học tập của học sinh.

Việc sửa đổi để hoàn chỉnh Thông tư 30 theo hướng vừa giúp học sinh tích cực trong học tập, vừa giúp giáo viên giảm bớt “gánh nặng” nhận xét là cần thiết. Tuy nhiên, để dự thảo có tính ứng dụng cao vào thực tế, thiết nghĩ ngành GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến của đông đảo phụ huynh và “người trong cuộc”.

LÊ QUANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên