Giảm nghèo trên vùng trồng cây có múi

Cập nhật: 27-05-2015 | 08:13:43

Đến xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên ngày nay, điều dễ nhận thấy là hàng trăm ha cây ăn quả có múi như bưởi, quýt, cam… được trồng phủ kín tất cả diện tích đất trống. Đây là chủ trương chuyển đổi cây trồng được Đảng ủy, UBND xã đưa vào nghị quyết, kế hoạch hàng năm để thực hiện. Mô hình hay, hiệu quả đã giúp Hiếu Liêm giảm tỷ lệ hộ nghèo.

 

 Ông Lê Văn Xê, nông dân xã Hiếu Liêm vui với vườn cây ăn trái của gia đình

 

Hiệu quả từ mô hình

Đến thăm gia đình ông Ngô Minh Phong, ấp Chính Hưng, xã Hiếu Liêm trong lúc mọi người trong gia đình đang thu hoạch cam, măng cụt. Người hái, người khiêng, người cân… tạo nên không khí vui tươi, sôi động cho nhà vườn. Ông Phong cho biết, quê Bến Tre, năm 1997, ông đến Hiếu Liêm mua đất để trồng hoa màu. Ban đầu, gia đình trồng nhãn, công bỏ ra nhiều nhưng thu nhập không cao. Sau đó, gia đình ông được Hội Nông dân xã hướng dẫn khoa học kỹ thuật để trồng cam sành, bưởi, quýt. Áp dụng đúng, cây phát triển tốt cho trái nhiều đã giúp cuộc sống gia đình ông ổn định. Nhờ chuyển đổi cây trồng đúng, giờ đây gia đình ông thuộc diện khá giàu trong xã.

Cũng như gia đình ông Phong, gia đình anh Nguyễn Xuân Hiếu, ấp Cây Dầu cũng đã thoát cảnh khó khăn khi chuyển đổi diện tích cây điều sang trồng cam, quýt. Anh Hiếu nói, cây cam, quýt trồng không mất nhiều công chăm sóc mà thu nhập cao. Do đó, anh đã cùng Hội Nông dân xã tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật để bà con nông dân xung quanh áp dụng trồng, cải thiện cuộc sống. “Chính nhờ loại cây có múi đã giúp cuộc sống gia đình tôi ổn định nhiều năm nay. Ban đầu, mọi người lo ngại việc trồng cây ăn trái sẽ không ổn định, nhưng tôi cho rằng, nếu trồng đúng kỹ thuật thì cây có múi có giá trị hơn nhiều cây công nghiệp”, anh Hiếu nói thêm.

Đến Hiếu Liêm, tìm hiểu về việc trồng cây có múi không thể bỏ qua gia đình ông Lâm Thành Thắm (Ba Thắm), ấp Chánh Hưng. Ông được xem là một trong những người “khai sơn” việc trồng cây có múi tại Hiếu Liêm. Ông Thắm cho biết, cây ăn trái có múi cũng là lợi thế phát triển kinh tế tại các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, đất các tỉnh miền Tây hay bị nhiễm phèn nên chất lượng, sản lượng cây trồng không bảo đảm. Lúc này, ông cùng một số người đi tìm mảnh đất mới để trồng cây ăn trái, cung ứng cho thị trường phía nam. Ông dừng chân tại xã Hiếu Liêm, bởi nơi đây khí hậu phù hợp, đất đai màu mỡ. Từ mô hình của ông, người dân xung quanh đến học hỏi, trồng theo và đem lại hiệu quả.

Hướng đi đúng đắn

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định, có được kết quả khả quan từ mô hình trồng cây ăn quả có múi là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương. Ông Đạt giải thích, trước đây, Hiếu Liêm chỉ có một số hộ ở miền Tây lên thuê đất trồng cây ăn trái có múi. Nhận thấy cây phát triển tốt, cho năng suất cao, góp phần tăng thu nhập, người dân “bản địa” đã học theo và nhân rộng diện tích. Trước tình hình đó, Hội Nông dân xã đã đi khảo sát, trình Đảng ủy, UBND xã xem xét vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng. Được sự chấp thuận của Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân xã đã tổ chức nhiều cuộc họp giới thiệu mô hình trồng cây có múi; tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân. Từ đó, người dân yên tâm trồng, nhân rộng diện tích.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã giai đoạn 2010-2015, xã quy hoạch vườn cây ăn trái với diện tích 500 ha. Tính đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ trồng, với gần 800 ha, vượt chỉ tiêu đề ra là do người dân thấy được mô hình hay, đồng tình thực hiện. Ông Nguyễn Xuân Hiếu cho biết, ban đầu khi được Hội Nông dân xã kêu gọi chuyển đổi cây trồng, mọi người rất sợ thua lỗ. Gia đình anh lúc đó cũng suy nghĩ nhiều mới bắt đầu chuyển đổi. Thế nhưng, sau một thời gian trồng, cây cho năng suất cao đã giúp gia đình an tâm chuyển đổi.

Mô hình hiệu quả, người dân trong xã phấn khởi làm ăn thoát nghèo. Bởi vậy tính đến nay, toàn xã còn 2 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Mục tiêu đến hết năm 2015, xã cơ bản sẽ xóa hộ nghèo. Trong giai đoạn 2015-2020, cơ bản xóa hộ cận nghèo. Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm cho biết, so với các loại cây trồng khác, cây ăn trái như cam, quýt cho hiệu quả cao hơn. Tính từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch mất khoảng 3 năm. Khi thu hoạch, mỗi ha cây ăn trái, trừ mọi chi phí cho lãi gần 1 tỷ đồng. Hiệu quả từ mô hình đem lại, xã tiếp tục khuyến khích người dân phát triển vườn, giai đoạn 2015-2020 sẽ trồng mới khoảng 200 ha.

Bên cạnh lợi ích nhưng trước mắt, người dân trong xã cũng lo cho tương lai của vườn cây ăn quả khi mức cạnh tranh trên thị trường cây ăn trái ngày càng cao. Do đó, họ rất mong được hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho cây ăn trái Hiếu Liêm để ổn định chỗ đứng, đầu ra. Mặt khác, nông dân trong xã cũng mong muốn được hỗ trợ khoa học kỹ thuật để trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP hướng đến xuất khẩu nhằm đem trái cây Hiếu Liêm “bay cao, bay xa” ra thị trường các nước.

 Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Dự án phát triển vùng cây ăn quả có múi tại xã Hiếu Liêm sẽ góp phần quan trọng vào việc hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả bằng các giống nổi tiếng, đủ tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Dự án sẽ cùng với bưởi Bạch Đằng tạo cảnh quan, môi trường phát triển mạnh ngành du lịch Bắc Tân Uyên nói riêng và toàn tỉnh Bình Dương nói chung. Ngoài ra, sự phát triển của dự án còn tạo điều kiện để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên