Giảng đường và nỗi lo học phí

Cập nhật: 29-08-2017 | 08:11:28

 Học phí tăng là nỗi lo của sinh viên nghèo. Theo lộ trình thực hiện tự chủ của các trường đại học, cao đẳng, năm học 2017-2018 này, mức thu học phí bình quân tối đa là 14 triệu đồng/sinh viên, năm học 2018-2019 là 15 triệu đồng/sinh viên, năm học 2019-2020 là 16 triệu đồng/sinh viên… Cuộc sống của những sinh viên tỉnh lẻ khi về học ở thành phố vẫn còn bao nỗi lo toan về tiền nhà, ăn uống, tiền sinh hoạt phí, đi lại... Trong khi đó, giá cả mọi thứ đều đắt đỏ và có xu hướng tăng, thì nỗi lo đó của sinh viên và gia đình lại thêm một phần gánh nặng.

Dẫu biết rằng, theo chính sách miễn giảm học phí, những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt thuộc diện sẽ được ưu tiên. Thế nhưng trên thực tế có sinh viên gia đình không thuộc diện ưu tiên nhưng nhà có tới 2 - 3 người con đi học.

Việc tăng học phí sẽ giúp các trường đại học, cao đẳng tự chủ được nguồn tài chính, song vấn đề đặt ra là nguồn học phí tăng đó sẽ được nhà trường dùng làm gì và chất lượng giáo dục có tăng theo mức học phí hay không. Các chuyên gia giáo dục phân tích, việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng phải gắn với quyền tự chịu trách nhiệm. Điều này có nghĩa là tự chủ phải dựa trên các tiêu chí về quản lý, năng lực và chất lượng hoạt động thực sự của các trường. Quyền tự chủ về tài chính gắn với nhiệm vụ được giao sẽ thúc đẩy các trường phải bảo đảm chất lượng đào tạo và tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.

Trước khi bước vào năm học mới, Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp công lập cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Theo đó, các cơ sở đào tạo thu học phí năm học 2017-2018 không vượt mức trần học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Công văn cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện giãn thời gian thu, thời điểm thu, tránh thu cùng một thời điểm đối với các trình độ đào tạo; hạn chế thu các khoản thu ngoài học phí, đồng thời phải cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo; xây dựng và công bố công khai chuẩn chất lượng đầu ra đối với sinh viên; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế để cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên và các tổ chức khác tham gia giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường.

Có thể nói, khi thực hiện tự chủ, học phí của người học được xem là một giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục. Mức thu học phí cần dựa trên chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, các trường phải có trách nhiệm công khai mức học phí của các loại hình, chương trình và ngành nghề đào tạo khác nhau để sinh viên có quyền lựa chọn và giám sát phần đóng góp của mình có được đầu tư thích đáng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo hay không?

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên