Giáo dục đạo đức cho trẻ em: Không chỉ riêng gia đình 

Cập nhật: 20-06-2015 | 08:43:05

 

Trẻ em (TE) là tương lai của đất nước, thế nhưng hiện nay một số trẻ vì được nuông chiều, thích khẳng định mình nên đã có những hành động, lời nói, cử chỉ lệch với chuẩn mực đạo đức. Do đó, để giúp các em phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ không chỉ gia đình, nhà trường mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

 

 

Cần tạo nhiều sân chơi vui, lành mạnh để “tìm” lại nét hồn nhiên cho trẻ, giúp các em phát triển toàn diện

 Đạo đức… lệch chuẩn

Có mặt tại cổng trường THCS N.V. X (TP.Thủ Dầu Một) sau giờ tan trường, chúng tôi gặp nhiều nhóm học sinh tụ năm, tụm bảy rủ nhau đi chơi, đi ăn. Trong lúc chờ một số thành viên trong nhóm ra trễ, các em có những câu nói thiếu văn hóa, văng tục khi thấy bạn mình. Thấy chúng tôi có vẻ khó chịu trước những câu nói của các em, một em trong nhóm nói: “Giờ mà hiền quá dễ bị người khác ăn hiếp. Bạn nào không biết vài câu chửi thề sẽ bị bạn bè coi là lạc hậu”. Một em khác thêm vào “chửi thề nhiều lúc thấy đã lắm ạ. Những lúc căng thẳng, em thử chửi vài câu thấy tinh thần thoải mái hơn hẳn”.

Rời trường THCS N.V.X, chúng tôi đến trường THCS B.C (TX.Thuận An), sau giờ tan học, nhiều học sinh (HS) điều khiển những chiếc xe máy phân phối lớn chở ba lạng lách, nẹt ga. Vừa đi, các em vừa hô hào làm các bạn HS đi xe đạp hai bên đường phải dừng lại nhường đường cho các “tay lái lụa”. Em Nguyễn Anh Thư, một HS của trường nói, tình trạng các bạn đi xe máy chạy ẩu là chuyện thường tình ở đây. Nếu nhà trường không cho gửi xe, các bạn gửi bên ngoài, hoặc gọi bạn bè lên đón về. Nhiều hôm, các bạn chở 3, 4 người, chạy ẩu đã gây tai nạn. Trong lớp, thầy cô cũng thường xuyên nhắc nhở không vi phạm luật an toàn giao thông nhưng ra ngoài trường, các bạn dường như “quên” lời dạy.

Không chỉ có những hành vi, ứng xử thiếu văn hóa, các em còn ăn mặc, đua đòi ăn chơi theo kiểu người lớn một cách quá đáng. Tại các quán cà phê trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, ngồi trước đám đông nhưng nhiều cô cậu khoác trên mình bộ đồng phục HS tha hồ thể hiện tình cảm bằng những cử chỉ thiếu văn hóa. Nhiều em còn luyện game và thử ma túy dẫn đến nghiện ngập, phải bỏ học.

Qua đó cho thấy, bên cạnh những “mầm non” xanh tươi, vươn lên khẳng định mình vẫn còn một bộ phận các em đạo đức đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Những lễ giáo, lễ nghi, hành vi ứng xử, lối sống tốt đẹp đang bị mai một, những hành vi, đạo đức, lối sống lệch chuẩn ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, làm đau lòng, nhức nhối gia đình và xã hội, như TE không vâng lời, không kính trọng lễ phép với cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn, không biết kính trên nhường dưới; sống vô cảm, ích kỷ; ăn chơi, đòi hưởng thụ, lười biếng lao động; nói tục, chửi bậy, đánh nhau. Thậm chí, các em còn vi phạm pháp luật như: Đua xe trái phép, vi phạm luật giao thông, chơi cờ bạc, nghiện ma túy, cướp của…

Trách nhiệm từ ai?

Ông Phan Đức Tín, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TX.Bến Cát nhận định, nguyên nhân của tình trạng trên trước hết thuộc về gia đình (GĐ), vì 2/3 thời gian TE ở GĐ. GĐ là trường học đầu tiên và cha mẹ là thầy giáo đầu tiên của con cái. Song nhiều GĐ, ông bà, cha mẹ không làm tấm gương tốt cho con trẻ, không quan tâm giáo dục, hướng dẫn những hành vi đạo đức, thói quen tốt, thiếu kiến thức kỹ năng nuôi dạy con. Nhiều GĐ nuông chiều con cháu quá mức hoặc mải mê kiếm tiền mà xao nhãng với con cái. Cha mẹ bất hòa, đánh chửi nhau, ly hôn dẫn đến sự thiếu hụt về tinh thần, tình cảm của con trẻ… Về phía nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy làm người, dạy những hành vi đạo đức, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống tốt đẹp. Ngoài xã hội vẫn còn nhiều cạm bẫy mà các em còn quá nhỏ để nhận thức đúng, sai.

Trong mọi thời đại, vấn đề giáo dục đạo đức cho con người là hết sức quan trọng. Cha ông đã dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”, lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Để con trẻ có đạo đức, nhân cách tốt, mỗi GĐ phải thực sự gương mẫu về đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử, đạo đức gia phong; luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu tâm lý, nguyện vọng chính đáng của con cái. GĐ cũng phải thường xuyên phối hợp với nhà trường trong việc quản lý thời gian, tình hình học tập, quan hệ bạn bè để có phương pháp giáo dục kịp thời. Nhà trường cần tăng cường hơn nữa việc dạy người, cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, nhân cách HS, nêu gương tốt, phê phán hành vi xấu...

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, Phó ban Thanh thiếu niên, trường học (Tỉnh đoàn) cho biết, về phía Tỉnh đoàn, công tác chăm lo, giáo dục đạo đức cho thiếu niên, nhi đồng cũng được chú trọng thông qua các hoạt động thiết thực. Trong nhà trường, thầy cô phụ trách Đội đã giúp các em rèn luyện tư tưởng, đạo đức lối sống qua các chương trình “Măng non đất nước - tiếp bước cha anh”, “Rèn luyện tri thức - vững bước tương lai”, “Vui khỏe an toàn - làm nghìn việc tốt”… Ngoài ra còn tổ chức các hội thi giúp các em có sân chơi vui, tránh xa tệ nạn xã hội.

Chị Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc TE (Sở LĐ- TB&XH) nói, công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho TE rất cần sự chung tay góp sức toàn thể xã hội. Do đó, phải xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đầu tư xây dựng cơ sở vui chơi, giải trí, tổ chức, hướng dẫn TE vui chơi giải trí lành mạnh; tăng cường giáo dục đạo đức, hành vi ứng xử, kỹ năng sống cho TE; đồng thời tăng cường quản lý, loại bỏ văn hóa phẩm, đồ chơi, game… có nội dung xấu, kích động bạo lực, không để xâm nhập, tác động đến TE.

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên